Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Vì sao lễ Thương khó diễn ra vào thứ 5?

HỏiVì sao Lễ Thương khó tại miền Nam diễn ra vào thứ Năm tuần Thánh?

Đáp: Lễ Thương khó diễn ra vào thứ Năm hay thứ Sáu Tuần Thánh không phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở tấm lòng của người tín hữu khi kỷ niệm sự Thương khó của Cứu Chúa Giê-xu Christ. Thật ra, câu hỏi tại sao Lễ Thương khó tại miền Nam diễn ra vào thứ Năm tuần Thánh thì cũng không hẳn là câu hỏi đúng, bởi vì có một số Hội Thánh địa phương tại miền Nam vẫn tổ chức Lễ Thương khó vào thứ Sáu tuần Thánh.

Lịch các sự kiện trong tuần Thánh

Để hiểu về tuần Thánh, sau đây là tóm tắt về các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giê-xu được tưởng niệm trong tuần Thánh:

Chúa Nhật (Lễ Lá): Chúa Giê-xu cưỡi lừa con vào thành Giê-ru-sa-lem (Ma-thi-ơ 21:1-11). Ngài đi cùng với đám đông chào đón Ngài bằng những nhánh cây, những nhành chà là.

Thứ Hai tuần Thánh: Chúa Giê-xu đuổi những người đổi tiền ra khỏi đền thờ và nghỉ đêm tại Bê-tha-ni (Ma-thi-ơ 21:12-17).

Thứ Ba tuần Thánh: Chúa Giê-xu tiếp tục rao truyền sứ điệp của Ngài bằng cách giảng dạy những ẩn dụ trong đền thờ. Đặc biệt, ẩn dụ về những người thuê vườn nho (Ma-thi-ơ 21:33-44) mô tả một sự phản ánh đầy kịch tính và thậm chí bạo lực về sự hy sinh cuối cùng của Chúa Giê-xu, một nhiệm vụ từ Cha của Ngài.

Thứ Tư tuần Thánh: Chúa Giê-xu tiếp tục giảng dạy tại Giê-ru-sa-lem (Ma-thi-ơ 21:18-26:16). Các thầy tế lễ cả và các trưởng lão Do Thái cùng bàn mưu bắt và giết Đức Chúa Giê-xu (tham chiếu Ma-thi-ơ 26:1-5). Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đồng ý làm kẻ âm mưu và giao nộp Chúa Giê-xu cho họ (xem Ma-thi-ơ 26:14-16).

Thứ Năm tuần Thánh: Chúa Giê-xu dùng bữa cuối cùng trong thánh chức trên đất với các môn đồ. Ngài rửa chân cho các môn đồ và thiết lập Bữa Tiệc Ly hoặc Tiệc Thánh. Sau khi giảng dạy và khuyến khích họ, Ngài đi đến vườn Ghết-sê-ma-nê, nơi đó Ngài đã thống thiết cầu nguyện. Ngài bị bắt giữ và đưa đến Tòa công luận, nơi Ngài bị kết án (xem Ma-thi-ơ 26:17-75).

Thứ Sáu tuần Thánh: Chúa Giê-xu bị đưa đi giữa Bôn-xơ Phi-lát và Hê-rốt An-ti-pha. Cuối cùng, Phi-lát ra lệnh đánh đòn Chúa Giê-xu và sau đó đóng đinh Ngài vào thập tự giá. Chúa Giê-xu chết vào chiều muộn ngày thứ Sáu. Lúc mặt trời lặn, Chúa Giê-xu được chôn trong mộ (Ma-thi-ơ 27:1-61).

Thứ Bảy tuần Thánh: Chúa Giê-xu yên nghỉ trong phần mộ (Ma-thi-ơ 27:62-66).

Chúa nhật Phục sinh: Chúa Giê-xu sống lại (Ma-thi-ơ 28:1-15).

Tuần Thánh là thời gian thiêng liêng và phước hạnh đối với tín hữu Tin Lành trên toàn cầu. Tuần lễ trước Chúa nhật Phục sinh là tuần lễ giúp các Cơ Đốc nhân tập trung vào thập tự giá với cả tấm lòng và tâm thần bằng cách suy gẫm những ngày cuối cùng trong cuộc đời và chức vụ trên đất của Chúa Giê-xu. Trong tuần lễ dẫn đến Chúa nhật Phục sinh, nhiều người nhận ra rằng Lễ Thương khó được tổ chức vào thứ Năm trước Lễ Phục sinh để tưởng nhớ Bữa Tiệc Ly, khi Chúa Giê-xu đưa các môn đồ vào sự hiệp thông và rửa chân cho họ.

Tổ chức kỷ niệm Lễ Thương khó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn về Bữa Tiệc Ly giữa Chúa Giê-xu và các môn đồ. Việc ghi nhớ ngày này trong tuần thánh giúp các tín hữu có cơ hội bước đi với Chúa Giê-xu trong những giờ phút cuối cùng của ngài. Đó là lúc chúng ta mạnh mẽ thừa nhận các mệnh lệnh của Chúa Giê-xu – yêu thương người khác bằng cách rửa chân và tưởng nhớ Ngài qua việc cầm lấy bánh và chén. Điều tín nhân học được từ việc cử hành Lễ Thương khó vào thứ Năm Tuần Thánh là thực sự để trở thành môn đồ của Chúa Giê-xu có nghĩa là chúng ta phải yêu thương người khác vì Ngài đã yêu thương chúng ta trước (xem 1 Giăng 4:19).

Vì vậy, Lễ Thương khó vào thứ Năm tuần Thánh tiếp tục được tổ chức bởi nhiều hệ phái Tin Lành trên khắp thế giới, khi các tín hữu dành thời gian để tưởng nhớ sự Thương khó của Chúa qua Bữa Tiệc Ly và những mệnh lệnh mà Chúa Giê-xu đã ban cho.

Vấn đề thời gian được đặt ra

Một số người đã chỉ ra cái khó khăn trong bảng niên đại trên. Lời tường thuật trong các sách Tin Lành Cộng quan – Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca – ngụ ý rằng Chúa Giê-xu đã ăn bữa cuối cùng vào ngày Lễ Vượt Qua của người Do Thái. (Ví dụ, xem Ma-thi-ơ 26:17.) Tuy nhiên, trong sách Phúc Âm của sứ đồ Giăng, ông dường như nói rằng Chúa Giê-xu ăn bữa tối sớm hơn một ngày so với người Do Thái ăn lễ Vượt Qua (Giăng 18:28).

Ngoài ra, những Cơ Đốc nhân giải thích Ma-thi-ơ 12:40 theo nghĩa đen là 72 giờ hoặc ba ngày để nhấn mạnh rằng không có đủ thời gian theo truyền thống thứ Sáu tuần Thánh – Chúa nhật Phục sinh của Cơ Đốc giáo cho việc Chúa Giê-xu trải qua thời gian được chỉ định trong ngôi mộ. Sau đây là những gì Ma-thi-ơ cho chúng ta biết Chúa Giê-xu đã nói về việc chôn cất Ngài: “Vì như Giô-na ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng vậy, Con Người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm” (Ma-thi-ơ 12:40-TTHĐ)

Hầu hết các Cơ Đốc nhân xuyên suốt lịch sử Hội Thánh đã dựa vào hơn 20 tài liệu tham khảo khác nhau trong Tân Ước đề cập đến thời gian chôn cất của Chúa Giê-xu, điều này cho phép thời gian của Chúa trong ngôi mộ ngắn hơn nhiều, và do đó, phù hợp với thứ Sáu tuần Thánh, mà một số Hội Thánh tổ chức Lễ Thương khó.

Trong mọi trường hợp, chúng ta không cần phải ngụy biện những vấn đề về niên đại. Không có mệnh lệnh nào trong Tân Ước bắt Cơ Đốc nhân phải tổ chức lễ kỷ niệm của họ vào một số ngày thánh cụ thể, hoặc những lễ hội như vậy phải trùng khớp, theo thời gian, chính xác với các sự kiện mà họ tưởng niệm. Các lễ kỷ niệm trong Tuần Thánh không giống như các lễ hội hằng năm trong Cựu Ước mà Đức Chúa Trời đã truyền cho dân Y-sơ-ra-ên phải cử hành vào những ngày cụ thể theo lịch Do Thái.

Chúng ta không bắt buộc phải giải đáp những câu đố về trình tự thời gian này để thờ phượng theo cách chúng ta làm vào thứ Năm tuần Thánh hay ngày còn lại của tuần Thánh. Những câu hỏi nhỏ về thời gian không nên làm chúng ta phân tâm và khiến chúng ta xao lãng trọng tâm của sự thờ phượng đích thực trong thời gian kỷ niệm sự Thương khó và công tác cứu rỗi của Chúa Giê-xu Christ được thực hiện trên thập tự giá.

Một vấn đề khác được nêu lên là liệu tín đồ của Đấng Christ có được phép ấn định mùa hoặc ngày thờ phượng của riêng họ hay không. Một số Cơ Đốc nhân lấy gợi ý từ hệ thống thờ phượng của Y-sơ-ra-ên cổ đại, kết luận rằng chúng ta không nên tưởng nhớ bất kỳ điều gì không được Đức Chúa Trời truyền lệnh cụ thể trong Tân Ước. (Dân Y-sơ-ra-ên theo giao ước cũ được ban cho bảy lễ hội thờ phượng hằng năm rơi vào những ngày ấn định trong năm và phải tuân thủ nghiêm ngặt).

Nói tóm lại, việc kỷ niệm Lễ Thương khó vào thứ Năm tuần Thánh hay thứ Sáu tuần Thánh phản chiếu tấm lòng vâng giữ mệnh lệnh của Chúa Giê-xu bằng cách nhận lấy bánh và chén để tưởng nhớ đến Ngài “cho đến lúc Ngài đến.” Vì vậy, thứ Năm hay thứ Sáu không phải là vấn đề quan trọng.

(Dịch tổng hợp từ các nguồn)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn