Skip to content Skip to footer

Lược sử thành lập Hội Thánh


“Có bao giờ giữa đêm khuya, bạn nghe tiếng khóc xót thương cho hơn 20 triệu linh hồn người Việt đang chết mất đời đời? Có bao giờ bạn ray rứt về tình trạng khẩn thiết của hơn 3 triệu linh hồn tại Cochin-China (tên gọi của miền Nam xưa)? Đó là những linh hồn đang hư mất đã được Chúa đổ huyết chết thay hơn 1900 năm qua nhưng chưa bao giờ được nghe về Phúc Âm?”–
Những tâm tình đong đầy yêu thương của một giáo sĩ 35 tuổi – R. A. Jaffray, như là một trong những bước chân đầu tiên của hành trình đức tin lớn lao đem sự Cứu Rỗi đến cho dân tộc Việt Nam.
Đức Chúa Trời luôn hành động theo ý tốt của Ngài. Năm 1911, bởi đức tin, các giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đã đến Tourane (Đà Nẵng ngày nay), bắt đầu cho hành trình chia sẻ câu chuyện Phúc Âm tại Việt Nam. Đây chính là thời điểm mà cánh cửa ánh sáng Cứu Rỗi cho dân tộc Việt thật sự đã được Đức Chúa Trời mở toang.

Năm 1916, dù còn rất nhiều trở ngại nhưng Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đã được phép chia sẻ Lẽ Thật tại Cochin-China, trong đó có Sài Gòn – một cảng quan trọng nhất ở Đông Dương. Sự sáng Cứu Rỗi bắt đầu chiếu rọi trên vùng đất Nam Bộ.

Năm 1918, trong hội nghị Mục vụ Truyền giáo được tổ chức tại Tourane (Đà Nẵng), giáo sĩ Olsen và Stebbins được bổ nhiệm hầu việc Chúa tại Sài Gòn. Ngay khi hội nghị kết thúc, hai ông cùng với giáo sĩ Jaffray và giáo sĩ Irwin lên đường vào Sài Gòn. Trải qua 6 ngày đi đường, khi nhìn thấy hàng triệu người dân Việt chưa biết đến Tin Lành vẫn còn thờ cúng, các giáo sĩ động lòng xót thương và nôn nả cầu xin Chúa thêm sức, để họ nhanh chóng đem sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu đến cho mọi người.

Giáo sĩ John Drange Olsen (trái) và Irwin Robert Stebbins (phải)

Vào tháng 9 năm 1918, giáo sĩ Olsen đã tuyển dụng ông Nguyễn Văn Lang – giáo viên dạy tiếng Việt cho 2 giáo sĩ. Do muốn giảng giải Phúc Âm bằng tiếng Việt một cách đơn giản, nên hai giáo sĩ Olsen và Stebbins yêu cầu ông Lang tập trung đọc Lời Chúa và các sách Phúc Âm để hướng dẫn hai ông cách hiệu quả nhất. Vì thế, hàng ngày ông Lang đều phải tiếp xúc với Lời Chúa, các sách chứng đạo. Bên cạnh đó, hai giáo sĩ luôn cầu nguyện để ông Lang nhận biết mình là một tội nhân cần đến sự cứu rỗi của Chúa.

Tháng 11 năm 1918, sau khi hiểu Phúc Âm là gì; Chúa Giê-xu là ai, …ông Lang bằng lòng cầu nguyện tin nhận Chúa, và trở thành Cơ Đốc nhân đầu tiên tại xứ Nam kỳ.

Năm 1920, ba giáo sĩ Olsen, Dodds và Herbert A. Jackson hầu việc Chúa tại Sài Gòn. Mặt khác, Hội Liên Hiệp Truyền Giáo bổ nhiệm thầy Đoàn Văn Khánh và Mục sư Hoàng Trọng Thừa vào phụ giúp các giáo sĩ để thúc đẩy công việc Chúa phát triển tại đây.

Thầy Đoàn Văn Khánh trung tín tổ chức nhóm thờ phượng Chúa và truyền giảng hàng tuần. Giữa tuần, có buổi nhóm cầu nguyện khoảng 15 phút. Có khoảng hơn 30 người đến nghe Tin Lành.

Cảm tạ Chúa, trong thời gian nầy có 6 người Việt đến tin nhận Chúa. Sau đó, họ trung tín tham gia lớp học Phước Âm Yếu Chỉ, đồng ý chịu phép Báp-Tem và mạnh mẽ tuyên xưng đức tin trước mọi người. Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn được thành lập.

Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp thuê một căn nhà nhỏ làm nhà nguyện dành cho ba giáo sĩ Olsen, giáo sĩ Dodds, giáo sĩ Herbert A. Jackson, thầy truyền đạo Đoàn Văn Khánh, cùng với sáu con cái Chúa thờ phượng Đức Chúa Trời và rao truyền Phúc Âm cho dân ngoại. Các tín hữu cũng đã trung tín dâng hiến. Một năm mỗi người dâng hiến khoảng 2 đô la. Từ nơi đây, Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn tiếp tục phát triển.

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn