Kinh Thánh: Mác 13:32-34
“Về ngày và giờ đó, chẳng ai biết chi hết, các thiên sứ trên trời, hay là Con cũng chẳng biết nữa; song chỉ Cha mà thôi. Hãy giữ mình, tỉnh thức; vì các ngươi chẳng biết kỳ đó đến khi nào. Ấy cũng như một người kia đi đường xa, bỏ nhà, giao cho đầy tớ mỗi đứa cai quản một việc, và cũng biểu đứa canh cửa thức canh.” (BTT)
Chúa Jêsus đã giúp các môn đồ chuẩn bị cho sự ra đi của Ngài, tức là: sự chết rồi đến sự thăng thiên (Giăng 16:17). Nhưng sự ra đi qua sự chết của Chúa diễn ra chưa đầy ba ngày; còn việc Ngài về trời sẽ chỉ diễn ra trong chốc lát cho đến khi Ngài trở lại (Giăng 14:2-3). Trong khi chờ đợi, các môn đồ sẽ trở thành sứ đồ “coi sóc nhà của Ngài”, với trách nhiệm chuẩn bị mọi thứ cho sự tái lâm của Ngài có thể xảy ra bất cứ khi nào. Những câu này tóm tắt lời dạy dỗ của Chúa Jêsus về sự cần thiết phải chuẩn bị cho kế hoạch của Đức Chúa Trời trong tương lai, bao gồm cả sự bắt bớ và sự phán xét sẽ đến. Với những sự kiện mơ hồ, chúng ta dễ bị cám dỗ phớt lờ nó cho đến khi nó ở rất gần đến mức có thể nhìn thấy. Nhưng Chúa Jêsus nói rằng lúc đó sẽ là quá trễ.
Chúa Jêsus đã chấp nhận giới hạn của con người là không biết ngày giờ Chúa trở lại để không ai có thể hiểu sai những gì Ngài đã phán dạy về những sự kiện trong tương lai (mặc dù một số người cố gắng đưa ra một thời gian biểu và tuyên bố cách sai lầm rằng họ biết ngày Chúa đến). Ngài không muốn các sứ đồ biết ngày và giờ cho đến khi Ngài trở lại. Việc biết trước sẽ không giúp ích gì cho họ với tư cách là những người lãnh đạo Hội Thánh. Nếu ngày đó đến ngay, sự chủ quan sẽ thế chỗ cho đức tin; nếu ngày đó bị trì hoãn, sẽ không có động lực để tiếp tục tin cậy và vâng lời Chúa Jêsus mỗi ngày. Thách thức vẫn còn cho chúng ta ngày hôm nay là phải luôn sẵn sàng.
Trong câu 34, “đầy tớ” là những môn đồ của Đấng Christ. Họ không chỉ phải hoàn thành vai trò của mình mà còn có trách nhiệm canh chừng, giống như người của Nê-hê-mi (Nê-hê-mi 4:17-18). Mệnh lệnh phải giữ mình được nhắc lại một lần nữa, nhằm đề phòng bản ngã yếu đuối của các môn đồ và tuyên bố sai lầm của những người chống lại Đấng Christ, ngay cả trong Hội Thánh (I Ti-mô-thê 4:16). Họ ở lại để “cai quản công việc”; không phải để hưởng thụ cho bản thân, như trong ẩn dụ về những người làm thuê ích kỷ (Mác 12:1-12), mà để đảm bảo rằng mùa gặt sẵn sàng cho ngày Chúa Jêsus quang lâm.
Trong thời đại duy vật chất của chúng ta, vốn đang là một hiện tượng toàn cầu, chúng ta dễ dàng tập trung vào những gì trước mắt và cách chúng ta có thể đạt được nhiều hơn vào ngày mai. Đó là nỗi ám ảnh sai lầm! Chúng ta sống với những mục tiêu ngắn hạn vì chúng là những mục tiêu duy nhất mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể kiểm soát. Mặc dù ngành kinh doanh khẳng định lập kế hoạch dài hạn, nhưng các mục tiêu như vậy dễ bị thất bại do nhiều hoàn cảnh bất ngờ xảy ra, như chúng ta đã thấy trong chuỗi suy thoái toàn cầu. Thay vào đó, các môn đồ, Hội Thánh qua các thời đại và các tín hữu trong thế kỷ XXI có một thách thức kép: sẵn sàng cho cõi đời đời (II Cô-rinh-tô 4:18) và sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng trước khi Chúa Jêsus trở lại (Lu-ca 12:40). Ngày đó là thời điểm quyết định cho cả nhân loại (Khải huyền 1:7). Tất cả những người khôn ngoan sẽ ao ước đảm bảo rằng Chúa hài lòng khi Ngài đến thình lình… ngoại trừ những lời tiên tri này cảnh báo chúng ta phải sẵn sàng vì chúng ta biết rằng Ngài sẽ đến bất cứ lúc nào! Vì vậy, chúng ta không có lý do để bào chữa.
Lạy Chúa, cảm ơn Ngài về lời hứa rằng Chúa Jêsus sẽ trở lại. Con biết rằng Ngài sẽ trở lại và hy vọng con sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Ngài đã giao cho. Nhưng con thường quên rằng ngày Chúa trở lại có thể rất gần; và con dễ bị phân tâm bởi chăm chú vào những điều không giá trị so với việc làm đẹp lòng Ngài. Xin tha thứ cho con và xin Ngài hãy giúp con sắp xếp các thứ tự ưu tiên của mình… bắt đầu từ hôm nay! Trong danh Chúa Jêsus. Amen!
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work