Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Kiêng ăn và Dự tiệc

Kinh Thánh: Mác 2:18-20

“Vả, môn đồ của Giăng và người Pha-ri-si đều kiêng ăn. Có người đến thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Bởi cớ nào môn đồ của Giăng và môn đồ của người Pha-ri-si đều kiêng ăn, còn môn đồ của thầy không kiêng ăn? Đức Chúa Jêsus phán rằng: Bạn hữu của chàng rể có kiêng ăn được trong khi chàng rể còn ở cùng mình chăng? Hễ chàng rể còn ở với họ đến chừng nào, thì họ không thể kiêng ăn được đến chừng nấy. Song tới kỳ chàng rể phải đem đi khỏi họ, trong ngày đó họ sẽ kiêng ăn.” (BTT)

Mác giới thiệu cho chúng ta thêm một cuộc chạm trán giữa Chúa Jêsus và những lãnh đạo tôn giáo. Vì bị ám ảnh bởi những lễ nghi và luật lệ nên họ nghĩ Chúa đến để bịa đặt ra mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời và con người. Vấn đề ở đây là việc kiêng ăn, nhưng không phải là kiêng ăn đúng hay sai, vì Chúa Jêsus đã thừa nhận rằng kiêng ăn là một kỷ luật thuộc linh bình thường giống như cầu nguyện và bố thí cho người nghèo (Ma-thi-ơ 6: 2,5,16). Vấn đề ở đây là phương cách và lý do phải kiêng ăn. Trong luật pháp Môi-se, dân sự chỉ phải kiêng ăn vào ngày lễ Chuộc tội (Lê-vi Ký 23:27). Nhưng sau cuộc hồi hương, khoảng năm 500 B.C, kiêng ăn là điều bắt buộc vào 4 ngày lễ khác trong năm. Đến thời Chúa Jêsus, những người Do Thái mộ đạo cũng kiêng ăn vào thứ Hai và thứ Năm mỗi tuần. Đây là những điều được thêm vào trong Luật pháp của Đức Chúa Trời với hy vọng làm đẹp lòng Ngài.

Trong thời gian Chúa Jêsus thi hành chức vụ, Giăng Báp-tít vẫn giảng về sự ăn năn và các học trò của ông vẫn giữ thói quen kiêng ăn, như những người Pha-ri-si hay làm. Nhưng ngoài những ngày kiêng ăn, người Do Thái còn tổ chức các ngày lễ. Những ngày lễ này là để bày tỏ lòng biết ơn về sự tốt lành của Đức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên và quyền năng của Ngài đã giải cứu họ. Đó là những ngày lễ lớn, vì sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là điều cốt lõi trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Ngày lễ được tổ chức hàng tuần là ngày Sa-bát và có thêm 6 lễ khác nữa (Lê-vi Ký 23:1-44). Ba ngày lễ chính được tổ chức tại Giê-ru-sa-lem bao gồm: lễ Vượt qua, lễ Ngũ tuần và lễ Lều tạm (2 Sử ký 8:13). Mọi người nam khỏe mạnh đều phải hành hương về Giê-ru-sa-lem để dự các kỳ lễ này – chính vì thế, có rất nhiều người tại Giê-ru-sa-lem vào những thời điểm quan trọng trong chức vụ của Chúa Jêsus và lúc khai sinh hội thánh (Công vụ 2:1-12).

Chúa Jêsus nói rằng kiêng ăn trong đám cưới là không phù hợp và môn đồ là khách của chú rể (Ma-thi-ơ 22:1-14). Ngài chỉ muốn nói rằng khi Ngài còn tại thế, đó là thời gian để mọi người vui mừng. Nhưng trong chức vụ của Ngài, Chúa Jêsus phán rằng Ngài sẽ đi và để các môn đồ ở lại. Chúng ta sống trong thời kỳ Hội Thánh là Cô dâu của Chúa đang chờ ngày Chú rể quay trở lại (Khải huyền 21:1-14). Trong lúc này, chúng ta vui mừng, và thông công là bữa tiệc đặc biệt (Công vụ 2:46-47) nhưng chúng ta vẫn phải chịu khổ; vì thế, kiêng ăn là một kỷ luật thuộc linh có thể giúp ích cho chúng ta miễn là chúng ta cũng vui mừng về sự cứu rỗi.

Có phải thói quen tôn giáo của chúng ta nói lên rằng Đức Chúa Trời sẽ ấn tượng bởi những việc chúng ta làm không? Nếu chúng ta có thể làm nhiều hơn những gì Chúa phán bảo, thì Ngài có vui lòng hơn không? Chúa Jêsus dạy chúng ta rằng mối liên hệ thân thiết với Chúa quan trọng hơn làm việc cho Ngài – dù điều này có thể xuất phát từ điều kia. Không có gì sai khi áp dụng kỷ luật thuộc linh cách cá nhân, nhưng Chúa muốn tình yêu của chúng ta hơn hết. Đọc thuộc lòng nhiều câu Kinh Thánh, những cung cách cầu nguyện rập khuôn, kiêng ăn và thậm chí “giờ tĩnh nguyện” cách máy móc không ích lợi gì cho linh hồn nếu chúng ta không biết và không thực sự tin nhận Chúa Jêsus. Nhiều người vô tín cầu nguyện trong hoảng loạn hay kiêng ăn trong sợ hãi vì không ai chỉ họ làm thế nào để ở trong mối liện hệ với Chúa Jêsus Christ. Chúng ta hãy nói cho họ biết và sống một cuộc đời xứng đáng là những người đang háo hức chờ mong sự trở về của Chàng rể (Cô-lô-se 1:10)

Lạy Đức Chúa Trời toàn năng, con cám ơn Ngài vì Chúa Jêsus là Đấng Cứu chuộc con. Xin Ngài tha thứ cho con vì có những lúc con tập chú vào lễ nghi tôn giáo hơn là phát triển mối tương giao với Chúa Jêsus. Xin Ngài giúp con biết kỷ luật mình cách đúng đắn để con có thể thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật, là bằng chứng cho tình yêu của con đối với Cứu Chúa Jêsus Christ. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus, Amen!

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn