Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tha thứ là ưu tiên của Phúc Âm

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 18:23-27

“Vậy nên, nước thiên đàng giống như vua kia, muốn tính sổ với các đầy tớ mình. Khi vua khởi soát sổ, thì có người đem nộp một tên kia mắc nợ vua một vạn ta-lâng. Bởi vì người chẳng có gì mà trả, thì chủ dạy bán người, vợ con và gia tài người, đặng trả nợ. Kẻ đầy tớ nầy bèn sấp mình xuống nơi chân chủ mà xin rằng: Thưa chủ, xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết! Chủ bèn động lòng thương xót, thả người về, và tha nợ cho.” (BTT)

Chúa Jêsus đã dùng thí dụ này (Ma-thi-ơ 18:23-35) để dạy các môn đồ về tầm quan trọng của sự tha thứ trong Nước Đức Chúa Trời. Câu chuyện khiến phải suy nghĩ này nhằm ghi vào lòng các sứ đồ tập sự một nguyên tắc. Nếu họ có đủ năng lực lãnh đạo Hội Thánh, họ phải học được cách tha thứ của Đức Chúa Trời. Điều đó không đến với họ một cách tự nhiên. Ví dụ, Gia-cơ và Giăng đã nhanh chóng kết tội khi Chúa Jêsus muốn mọi người có thời gian để ăn năn và được tha thứ (Lu-ca 9:52-56).

Trong thí dụ này, người đầy tớ mắc một món nợ rất lớn với chủ mình. Trả hết món nợ này là điều không thể. Cách duy nhất để người chủ có thể lấy lại được những thứ thuộc về mình là bán cả gia đình của người đầy tớ làm nô lệ suốt đời. Nhưng người đầy tớ biết được tấm lòng nhân hậu của chủ, đã nhận lỗi của mình và cầu xin lòng thương xót. Anh sẵn sàng đền ơn chủ. Nhưng chủ biết người đầy tớ không thể trả nợ. Thay vào đó, ông bày tỏ lòng thương xót và ân điển. Lòng thương xót cứu người đầy tớ khỏi kiếp nô lệ được hòa lẫn với ân điển khi toàn bộ món nợ đã được xóa.

Chúa Jêsus thường dùng món nợ của cải như một cách nói về tội lỗi không thể tha thứ. Nếu không có sự tha thứ thì không một tội nhân nào có thể vào Nước Đức Chúa Trời. Nhưng nếu không có sự ăn năn thì họ không được tha thứ. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Phúc Âm là hướng dẫn mọi người “giải quyết các khoản nợ tội lỗi của họ với Đức Chúa Trời”. Mặc dù thí dụ này tiếp tục cho thấy người đầy tớ này không sẵn lòng tha thứ cho người khác và vì vậy không thực sự học được bài học của mình, nhưng trước tiên Chúa Jêsus đã thiết lập nguyên tắc rằng Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót và rất nhân từ đối với những ai cầu xin sự khoan dung.

Phúc Âm không nói về những gì chúng ta có thể làm cho Đức Chúa Trời mà là về việc nhận lãnh những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Đúng vậy, chúng ta cần phải biết tạ ơn Chúa, và chúng ta không bao giờ có thể tự mình nhận được sự cứu rỗi, cũng như không thể làm bất cứ điều gì để tự chuộc tội lỗi của mình hoặc có cách nào khác khiến chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận. Những lẽ thật đó là lý cớ của Phúc Âm – công bố rằng tội lỗi của chúng ta đã được Đấng Christ trả, ngay cả trước khi chúng ta biết về sự khoan dung của Ngài. Gô-gô-tha đã tạo lập nền tảng để sự tha thứ vừa bảo đảm tính công bằng, vừa miễn phí. Công bằng vì Chúa Jêsus đã thỏa mãn luật pháp của Đức Chúa Trời, là luật đòi hỏi phải trả giá cho tội lỗi, và miễn phí bởi vì chúng ta không thể làm gì để xóa bỏ những nợ tội của chúng ta với Đức Chúa Trời. Hôm nay là một ngày tốt lành để cầu xin ơn thương xót với lòng tin chắc rằng Chúa sẽ tha thứ và xóa sạch món nợ tội lỗi. Hôm nay cũng là một ngày tốt lành để chia sẻ tin tức Phúc Âm ấy với người khác!

Kính lạy Cha Thiên Thượng đầy tình yêu thương! Cảm ơn Chúa vì Ngài đã nhân từ và khoan dung với tất cả những ai xưng nhận tội lỗi của mình và cầu xin Ngài tha thứ. Xin Chúa tha thứ cho con vì con đã không biết ăn năn và vì thế con đã không nhận được ân điển từ Ngài. Hôm nay, xin Chúa giúp con thành thật với Ngài về bản thân và tội lỗi của mình để con được hưởng sự tha thứ qua Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn