Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Lòng thương xót trong tay Chúa

Kinh Thánh: Lu-ca 1:50

“Và Ngài thương xót kẻ kính sợ Ngài từ đời nầy sang đời kia.” (BTT)

Không như những thần tượng được thờ lạy ngày nay, Đức Chúa Trời chân thật có liệu pháp cho con người khi họ thất bại: đó là lòng thương xót. Lòng thương xót là đặc quyền của Chúa để rút lại sự phán xét cho những ai xứng đáng. Lòng thương xót có sự liên kết chặt chẽ với ân điển, đó là đặc quyền của Chúa để ban phước cho những người không thể tự mình kiếm được điều đó. Ma-ri có cái nhìn thực tế về bản thân. Sự khiêm tốn của bà rất chân thật; bà chẳng là gì và chẳng có gì, nhưng bà kính sợ Chúa và sẵn lòng tin cậy Ngài. Đó là kiểu người mà Chúa muốn bày tỏ lòng thương xót, để họ không bị chèn ép nhưng được tôn quý để hầu việc Ngài.

Lời chứng của Ma-ri đó là bổn tánh của Đức Chúa Trời hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của bà. Vinh dự lớn lao khi được cưu mang Con Đức Chúa Trời không phải là phần thưởng cho sự hoàn hảo của bà, nhưng bởi vì bà kính sợ Chúa và không dựa vào chính mình, đó là lý do Chúa có thể tín nhiệm nơi bà. Thương xót là một trong những đặc tánh và bổn tánh của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Cựu Ước bằng từ Hy-bá-lai là “hesed”, là sự kết hợp giữa lòng thương xót, tình yêu vững bền và lòng nhân từ. Tất cả những điều này đến từ Đức Chúa Trời và được ban phát theo ý muốn của Ngài. Nhưng câu này Kinh Thánh ngụ ý rằng có một điều kiện… lòng thương xót được ban cho những ai nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng diệu kỳ, không xúc phạm Danh Ngài hay coi thường sự thương xót của Chúa.

Vua Đa-vít đã nhận ra điều này sau khi ông tự mãn dựa vào sức mạnh của đội quân mình và không nương cậy nơi Chúa. Khi tiên tri Gát diện kiến Đa-vít, vua đã phó mặc mình cho sự thương xót của Đức Chúa Trời: “Sự khốn khổ tôi lớn thay! Thế thì, nguyện tôi sa vào tay của Đức Giê-hô-va, vì những sự thương xót của Ngài là lớn lắm; nhưng chớ cho tôi sa vào tay của loài người ta.” (II Sa-mu-ên 24:14). Trong Thi thiên 40:11-12, Đa-vít cầu xin Chúa đừng rút lại sự thương xót của Ngài. Bởi tội nhân cần có sự thương xót. Ma-ri nhận biết mình là một tội nhân không xứng đáng với sự thánh khiết của Đức Chúa Trời; và mong muốn bài ca tụng của bà là một sự khích lệ cho những tội nhân khác biết rằng Chúa cũng thương xót họ.

Tấm gương của Ma-ri trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời là bài học quan trọng cho chúng ta. Một số người huênh hoang với Chúa, tự cho mình là tốt đẹp (Lu-ca 18:9-14). Những người khác vô tâm lạm dụng lòng nhân từ của Ngài. Một số người né tránh Ngài, lầm tưởng rằng Ngài không muốn thương xót. Kẻ thì bị cuốn vào sự thờ phượng huyền bí đến nỗi không biết liệu họ có còn gắn kết với Cha trên trời đầy lòng yêu thương hay không. Số khác thì đơn giản là không để ý đến Chúa và những mạng lịnh đúng đắn của Ngài trong đời sống và lối sống của họ. Tất cả họ đều không hiểu. Họ có nguy cơ đánh mất đặc ân được Chúa thương xót đối với những người có đức tin khiêm nhường, nhằm phục hồi và trang bị để họ thực hiện các mạng lịnh của Đức Chúa Trời (Châm ngôn 28:13). Thế giới thường ngày không hiểu được đức tính khiêm nhường, kính sợ, nể sợ và lòng thương xót; vì vậy những người theo Chúa Jêsus sẽ sống ngược với văn hóa đời này. Dẫu vậy, thế giới khổ đau cần đến sự thương xót của Chúa. Khi mọi người nhìn thấy Cơ Đốc nhân có thể vừa nhận lãnh vừa chia sẻ sự thương xót của Chúa, thì cánh cửa hy vọng sẽ mở ra.

Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài vì lòng thương xót của Chúa luôn bày tỏ đối với những ai biết ăn năn và tôn vinh Ngài. Xin tha thứ cho con vì sự kiêu ngạo và vì tất cả những điều ngăn trở con có một tấm lòng khiêm nhường. Xin giúp con biết hạ mình tin cậy Chúa, và xưng nhận sự bất xứng của con để nhận được sự thương xót, tình yêu bền vững cùng lòng khoan nhân của Ngài và biết chia sẻ với những người khác để họ cũng làm giống như vậy. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn