Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Bị thao túng nên quyết định sai

Kinh Thánh: Mác 15:6-8

“Vả, hễ đến ngày lễ Vượt qua, quan vốn quen thói tha cho dân một tên tù, tùy theo dân xin. Bấy giờ có một đứa tên là Ba-ra-ba bị tù với kẻ làm loạn, vì trong khi nổi loạn, chúng nó phạm tội giết người. Đoàn dân đã lên, bèn xin Phi-lát làm cho mình theo như lệ thường.” (BTT)

Quyền lực ở Y-sơ-ra-ên được cân bằng một cách khéo léo giữa lực lượng La Mã chiếm đóng và các nhà lãnh đạo Do Thái. Các nhà lãnh đạo Do Thái chịu trách nhiệm kiểm soát dân chúng, nếu không thì họ sẽ đánh mất các đặc quyền của họ (Giăng 11:48). Người La Mã, với tư cách là những kẻ xâm lược và những người hưởng lợi kinh tế trên toàn bộ lãnh thổ mà họ chinh phục, tự cho mình là những ân nhân và hào phóng đồng ý rằng sẽ không vi phạm các phong tục xã hội hoặc truyền thống tôn giáo. Để chứng minh điều này với dân chúng, Phi-lát đã đồng ý thả một tù nhân Do Thái mỗi năm.

Đối với Phi-lát, đây là một giải pháp cho vấn đề của ông, vì ông không muốn kết án Chúa Jêsus, người mà ông biết là vô tội (Lu-ca 23:4). Cũng có thể, các nhà lãnh đạo Do Thái thấy trước khả năng Phi-lát giải quyết “vấn đề Chúa Jêsus” bằng cách thả Ngài theo các điều khoản của lệnh ân xá. Đó là điều họ không hề muốn nên có vẻ như họ đã kích động đám đông yêu cầu tha cho Ba-ra-ba (vì chỉ một tù nhân sẽ được thả tự do).

Mối đe dọa của Phi-lát là đám đông, đặc biệt là khi họ mất kiểm soát. Phi-lát đã bị chính quyền La Mã quở trách nặng nề vì phản ứng thái quá đối với các tranh chấp dân sự ở Do Thái, và ông không muốn mọi thứ trở nên tệ hại lúc nầy. Khi đám đông đến gần và trình bày về nguyện vọng của họ, Phi-lát cảm thấy bị mắc kẹt giữa trách nhiệm, lương tâm và nỗi sợ hãi về hậu quả của sự thất bại của chính ông. Nhưng phản ứng của Phi-lát là một sự thất bại lớn về mặt đạo đức cá nhân, trong đó tổn thất lớn nhất, ngoại trừ Chúa Jêsus, chính là Lẽ thật (Giăng 18:38).

Mặc dù nhiều vấn đề trong cuộc sống được sắp xếp dễ dàng, nhưng hầu hết các vấn đề lớn đều đòi hỏi phải đưa ra quyết định vô cùng khó khăn. Những kẻ thao túng biết rõ điều này: những nhà quảng cáo, người tiếp thị và nhân viên bán hàng, cũng như những người gian xảo theo đuổi mục tiêu của riêng họ. Họ cố ép buộc người khác phải “đưa ra quyết định”, thậm chí có thể trái với lương tâm của họ. Trong quá trình này, họ có thể lợi dụng áp lực đạo đức để buộc người khác đồng ý điều gì đó có vẻ hợp lý và hấp dẫn, nhưng không đúng đắn. Nhà thờ, cũng như chính phủ, chính trị tràn ngập những thỏa hiệp ngây thơ như vậy; và nhiều doanh nghiệp thất bại vì bị ràng buộc bởi những thỏa thuận mà họ lẽ ra không bao giờ nên thực hiện. Vì vậy, hôm nay là cơ hội tốt để gạt bỏ sự ngây thơ qua một bên để suy nghĩ và cầu nguyện cẩn thận về những thỏa thuận không có tính chân thật.

Lạy Chúa, con biết rằng những kẻ gian xảo sẽ không bao giờ gài bẫy hoặc bắt bớ Ngài được; Chúa Jêsus đã tình nguyện hy sinh trên thập tự với mục đích tuyệt vời cho chính con. Xin tha thứ cho con khi con đưa ra những quyết định sai lầm, thiếu can đảm về mặt đạo đức. Xin giúp con phân biệt những người thiếu trung thực khi họ tìm kiếm sự đồng thuận từ con trong kinh doanh hoặc ở những nơi khác; và giúp con biết cách ứng phó khôn ngoan để lương tâm con và kế hoạch của Ngài không bị tổn hại. Trong danh Chúa Jêsus. Amen!

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn