Kinh Thánh: Mác 15:9-11
“Phi-lát trả lời rằng: Các ngươi muốn ta tha Vua dân Giu-đa cho chăng? Vì người biết rõ các thầy tế lễ cả đã nộp Ngài bởi lòng ghen ghét. Nhưng các thầy tế lễ cả xui dân xin người tha tên Ba-ra-ba cho mình thì hơn.” (BTT)
Đây là giọng nói lo lắng của một người đàn ông đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Phi-lát biết các nhà lãnh đạo tôn giáo muốn Chúa Jêsus chết, nhưng tục lệ tha một tù nhân vào Lễ Vượt Qua hằng năm là một trong số rất ít lựa chọn giúp ông thoát khỏi mớ hỗn độn bằng sự chính trực. Vị quan tổng đốc La Mã này được cho là giữ gìn các nguyên tắc công lý của La Mã, nhưng ông không thấy bằng chứng thuyết phục nào về tội phản quốc hoặc bất kỳ tội ác nào khác. Ông có thể thấy rõ những lập luận mâu thuẫn cùng với những tấm lòng vô cùng giận dữ đang nhắm vào Chúa Jêsus. Nhưng họ không có quyền ra lệnh hành quyết. Quyết định đó nằm trong tay Phi-lát (Giăng 19:10-11).
Phi-lát biết rằng tư lợi đã thúc đẩy các thầy tế lễ cả giết Đấng ban sự sống (Giăng 10:10). Đó là niềm kiêu hãnh của những nhà cầm quyền tôn giáo (Ma-thi-ơ 6:5), quyền diễn giải Kinh Thánh và kiểm soát dân sự (Lu-ca 11:52). Họ đã mang tội phạm thượng nặng nhất khi nói rằng Chúa Jêsus không phải là Đức Chúa Trời trong thân thể con người (Giăng 10:33; Giăng 19:7). Vì vậy, Phi-lát trao quyền quyết định cho những người trước đây đã ủng hộ Chúa Jêsus, tuyên bố Ngài là Vua khi Ngài tiến vào Giê-ru-sa-lem chỉ năm ngày trước đó (Giăng 12:13). Có lẽ Phi-lát nghĩ rằng đám đông sẽ ủng hộ mình, tôn vinh Vua của họ và từ chối những đòi hỏi độc đoán của giáo hội. Nhưng các thầy tế lễ cả đã đi trước một bước và thúc đẩy một đám đông không có lập trường đòi lấy máu của Chúa Jêsus và thả kẻ khủng bố, Ba-ra-ba (tên của hắn có nghĩa là “con trai của cha”).
Những kẻ gian xảo hiếm khi thành thật về sự giả dối của mình. Họ nấp sau những người khác, và lý tưởng nhất là sau đám đông. Khi đám đông đưa ra yêu cầu thống nhất, các thầy tế lễ cả chỉ tỏ vẻ tôn nghiêm và tuyên bố rằng chính dân sự đã đưa ra quyết định này và họ chỉ đơn giản là có mặt ở đó để đại diện cho dân sự! Điều đáng sợ là Phi-lát hoàn toàn không bị dẫn dắt, ông có thể nhìn thấu âm mưu nhưng ông không đủ can đảm về mặt đạo đức để đưa ra quyết định đúng đắn. Một số người có thể gọi đó là điểm yếu, nhưng điểm yếu thực sự là một vấn đề lớn hơn: Phi-lát tha thiết muốn giữ lấy quyền lực của mình hơn là trung thành với lẽ thật (Giăng 18:38), và ông đã không hành động đúng với bằng chứng về Chúa Jêsus (Lu-ca 23:4).
Chân thật là đức tính hiếm hoi ở bất kỳ nơi nào. Chúng ta dễ dàng bắt gặp đức tính đó ở nơi có tình yêu chân thật. Nhưng trong tòa án này, tình yêu duy nhất lại đến từ Chúa Jêsus và dành cho những kẻ bắt giữ và xét xử Ngài. Ngài đang đi theo con đường của các đấng tiên tri xưa, những người đã phải chịu khổ vì nói lẽ thật (Hê-bơ-rơ 11:35-38). Ngài đã chúc phước cho các môn đồ, là những người cũng sẽ trải qua những điều như thế (Ma-thi-ơ 5:11-12). Vì vậy, khi sự bất công xảy đến với bạn, hãy nhớ rằng Chúa Jêsus hoàn toàn biết rõ và Ngài cũng sẽ ban phước cho bạn. Điều đó không thể ngăn chặn điều ác, nhưng chắc chắn khích lệ chúng ta có những lựa chọn rất khác với Phi-lát. Nhưng chúng ta sẽ chỉ có thể đưa ra lựa chọn đúng khi chúng ta yêu “Lẽ Thật” hơn bản thân mình.
Kính lạy Chúa nhân từ! Cảm ơn Chúa đã thấu hiểu nỗi đau của sự khước từ, đổ vỡ và thất vọng khi con người không đưa ra lựa chọn đúng đắn. Xin Chúa tha tội cho con khi con đã không lựa chọn đúng đắn về mặt đạo đức, và khi con quan tâm đến lợi ích của bản thân hơn là của Ngài. Xin Chúa giúp con biết rằng khi điều ác tràn ngập, thì ân điển của Ngài còn dư dật hơn nữa! Xin hãy giúp con lựa chọn bằng tình yêu của con dành cho Ngài. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. A-men.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work