Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Bài giảng quan trọng hơn, hay ca hát quan trọng hơn?

Hỏi: Em nghe một số người nói rằng đi nhóm để nghe giảng là chính, không phải ca hát. Xin giúp em hiểu trong buổi thờ phượng Chúa chung, bài giảng quan trọng hơn ca hát, hay ca hát quan trọng hơn?
Đáp: Thờ phượng là cả một chủ đề thần học. Tuy nhiên, để trả lời ngắn gọn cho câu hỏi được nêu, người giải đáp chỉ trả lời trong khuôn khổ của câu hỏi. Để hiểu điều gì là tốt nhất cho việc nhóm lại thờ phượng, trước tiên chúng ta phải hiểu mục đích của thờ phượng chung.
Thờ phượng là hoạt động tôn vinh Đức Chúa Trời trong sự hiện diện của Ngài bằng giọng nói và tấm lòng chúng ta. Thờ phượng là một biểu hiện trực tiếp của mục đích tối hậu của đời sống chúng ta, “để tôn vinh Đức Chúa Trời và để tận hưởng Ngài mãi mãi” (theo tài liệu giáo lý vấn đáp – Westminster Larger Catechism). Khi chúng ta suy nghĩ về mục đích của việc thờ phượng, chúng ta được nhắc nhở rằng chỉ Đức Chúa Trời xứng đáng được thờ phượng, còn chúng ta thì không. Ngay cả sứ đồ Giăng, đã được dạy rằng ông không nên tôn thờ bất cứ tạo vật nào, thậm chí một thiên sứ mạnh mẽ ở trên trời đi nữa. Khi ông “quỳ xuống thờ phượng” dưới chân của thiên sứ cho ông khải tượng tuyệt vời của thiên đàng, thiên sứ nói với ông: “Ngươi không phải làm điều đó … hãy thờ phượng Đức Chúa Trời!” (Khải 22: 8-9). Nói ngắn gọn, Đức Chúa Trời xứng đáng với sự thờ phượng và đáng được thờ phượng, mọi tiết mục trong giờ nhóm của chúng ta cần được thiết kế và thực hiện không phải để hướng sự chú ý vào chúng ta hay mang vinh quang đến cho chúng ta, nhưng hướng sự chú ý cho Đức Chúa Trời và khiến người khác suy nghĩ về Ngài. Chúng ta cần thường xuyên đánh giá lại những tiết mục khác nhau trong giờ thờ phượng chung Chúa nhật như: bài giảng, cầu nguyện, sự hướng dẫn thờ phượng, âm nhạc, ban lễ Tiệc Thánh, ngay cả phần thông báo và dâng hiến.
Mặc dù mục đích chính của sự thờ phượng là để tôn vinh Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh dạy rằng trong sự thờ phượng một số điều cũng sẽ xảy ra với chúng ta, tức là chính chúng ta được nâng đỡ hoặc gây dựng. Dĩ nhiên, ở một mức độ nào đó, điều này xảy ra khi chúng ta học được từ sự dạy dỗ của Kinh Thánh hoặc từ những lời động viên mà những người khác nói với chúng ta. Sứ đồ Phao-lô nói, “Hãy làm hết thảy cho được gây dựng” (I Cô-rinh-tô 14:26c), và cũng khuyên chúng ta, “Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, linh khúc để hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn” (Cô-lô-se 3:16-TTHĐ; Ê-phê-sô 5:19).
Từ ánh sáng Lời Chúa, toàn bộ buổi thờ phượng Chúa của con dân Chúa, mọi tiết mục từ lời cầu nguyện, bài hát, đến Lời được rao giảng đều phải dựa trên Kinh Thánh. Trong sự thờ phượng, chúng ta đọc Kinh Thánh, giảng Kinh Thánh, cầu nguyện Kinh Thánh, hát Kinh Thánh và nhìn thấy Thánh Kinh trong các nghi lễ. Như vậy, các hoạt động trong buổi thờ phượng đều là đang rao giảng Lời Chúa.

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn