Y-sác – người con của lời hứa (Ga-la-ti 4:28) – người con được sinh ra khi mẹ đã ngoài 90, còn cha thì đã 100 tuổi. Một việc dường như khó có thể xảy ra. Thế nhưng không điều gì là không thể với Đức Chúa Trời Quyền năng. Tên Y-sác có nghĩa là cười. Người con này ra đời mang lại tiếng cười hạnh phúc, thỏa lòng cho mẹ của mình. Y-sác, con của người nữ tự chủ, người thừa hưởng phước hạnh mà Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ra-ham, cha người. Y-sác đã sống một đời sống tin cậy vâng lời Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va Vạn quân của trời và đất. Sự thuận phục trọn vẹn của Y-sác là một đặc điểm rất ích lợi và cần thiết để cho con dân Chúa ghi nhớ và học đòi nơi ông trên linh trình theo Chúa của mỗi người.
Sáng Thế Ký 26:1-6 cho chúng ta thấy trong đời Y-sác có xảy ra một cơn đói kém rất lớn, Y-sác cùng gia đình đang trên đường đi xuống phía Nam, ông đã đến tại Ghê-ra. Nơi này có thể chưa phải là đích đến của nhiều người đang chạy nạn, mà rất có thể, xứ Ê-díp-tô, nơi lương thực sung túc đủ đầy hơn mới chính là điểm đến mong muốn của những người đang đi tìm nơi tránh cơn đói kém lớn. Tuy nhiên, Ê-díp-tô lại là nơi rất trần tục, dẫy đầy hình tượng cũng như đời sống dân cư bản địa cũng trái ngược với lối sống thánh khiết mà Đức Chúa Trời mong muốn con dân Ngài, dân tộc được Chúa lựa chọn cần phải hướng đến.
Ngày nay, khi hoàn cảnh xung quanh có những thử thách, nghịch cảnh ập đến thì con người thường tìm đến một ai đó, một nơi nào có thể giúp đỡ mình không ít thì nhiều tạm thời vượt qua khó khăn trước mắt. Ngay trong lúc ba đào vây phủ ấy, có mấy ai đủ tỉnh táo và vững tin để tìm đến với Cha Toàn năng, Vua Thiên thượng trước hết? Thật đáng buồn thay khi Đấng có quyền năng cứu giúp lại hay bị lãng quên và thường chỉ được nhớ đến khi các kỳ vọng khác không phát huy được ích lợi như mong đợi.
-Chúng ta hãy cùng nhìn xem Y-sác đã phản ứng thế nào trong tình cảnh ngặt nghèo này. Là chủ của một gia đình, là người đứng đầu của một tập thể, Y-sác cũng có thể quyết định như những người khác là đi xuống phía Nam, đến xứ Ê-díp-tô, tạm thời trú lại một thời gian rồi tính tiếp. Nhưng Y-sác là người nhận biết Đức Chúa Trời Chí cao, kinh nghiệm Ngài là Giê-hô-va Di-rê mà cha của mình hằng tôn thờ và tin cậy nên ông đã làm được một điều tuyệt vời. Khi Đức Chúa Trời hiện đến cùng ông và phán bảo ông rằng đừng đi xuống Ê-díp-tô, hãy ở lại xứ mà Ngài sẽ chỉ cho(Sáng 26:3-5), Y-sác đã vâng lời Chúa ở lại Ghê-ra. Ông đã có một quyết định thể hiện tấm lòng tin cậy tuyệt đối vào sự thành tín của Đức Giê-hô-va Vạn quân, Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên.
-Mặc dầu có thể trong mắt nhiều người lúc bấy giờ, sự lựa chọn của Y-sác là điên rồ, là dại dột. Có thể trong thời điểm đó, những gì mà người khác trông thấy ở Y-sác, đó là một nhóm người tương đối, không có gì gọi là đông đảo cả, chứ nói gì đến nhiều như sao trên trời, đông như cát bãi biển. Còn chưa nói đến việc xứ sở này sẽ là vật sở hữu của gia đình này ư! Rồi các dân thế gian sẽ nhờ nhóm người nhỏ bé này mà được phước à! Thật nực cười! Cũng đang phải chạy khỏi nơi đói kém như bao người, đến nhờ sự giúp đỡ của người khác, vậy mà trong tương lai sẽ trở thành nguồn phước của bao người chăng? Không thể tin nổi cho những người nghe đến việc này. Tuy nhiên, đây mới chính là mấu chốt của vấn đề. Tin hay không tin. Sống hay là chết. Tất cả nằm ở lòng tin cậy sắt son của Y-sác, người được Chúa chọn lựa để tiếp tục nhận lấy lời hứa từ Đấng Tạo hóa, Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa. Áp-ra-ham đã sống một đời sống nhận biết Chúa thể nào thì nay con trai ông, Y-sác lại tiếp tục sống một đời sống vâng phục Chúa thể ấy.
-Có thể trong một giây phút, một thời điểm, Y-sác đã có sự nao lòng khi đứng trước nạn đói kém lớn và nghiêm trọng, khi đứng trước trách nhiệm gìn giữ và duy trì sự sống cho cả gia đình và những người theo ông. Do vậy sự cám dỗ đi xuống phía Nam, xuống tận Ê-díp-tô đã có phần lấn át tâm trí tư tưởng ông. Thế nhưng, chính đời sống tin kính và thuận phục Chúa của ông đã giúp ông không bị chệch hướng khỏi ý muốn thiên thượng của Đức Chúa Trời. Cũng vậy, đôi lúc trong đời sống hàng ngày, trên bước đường theo Chúa, những trách nhiệm, những trăn trở lo âu trong cuộc sống khiến con dân Chúa có những giây phút nao lòng. Tấm lòng tâm trí bị xáo động đến nỗi lắm lúc quên mất Đấng Thành tín, mà hoài nghi về khả năng vô hạn của Đấng hay lo toan cho con dân Ngài.
Nhưng điều quan trọng chúng ta cần nắm bắt, đó là không được để cho các giây phút yếu lòng ấy khiến đôi chân của chúng ta thoái lui lìa xa Chúa, không được để cho những suy nghĩ hạn hẹp yếu đuối của chúng ta khiến tinh thần chúng ta càng thoi thóp ngắc ngoải. Muốn vượt thắng sự dao động trong tâm trí, muốn vẫn đi đúng đường lối của Chúa hướng dẫn, cần hoàn toàn đặt cái tôi của bản thân ở dưới sự soi sáng của Đấng Mạnh sức, là Chúa hằng cứu giúp. Mỗi người cần trọn lòng, tin tưởng làm theo sự phán bảo của Ngài trong mọi tình huống của cuộc đời hầu cho nếm biết sự giải cứu và ơn thương xót lớn lao của Chúa là tốt lành, dịu êm dường bao.
Dẫu biết có những sách báo, phim ảnh không được xem đến, vì chúng vấy bẩn đến đời sống tin kính của Cơ Đốc nhân, thế nhưng chúng ta đã quyết định như thế nào? Dẫu biết có những lời nói, những hành động sẽ mang lại những tổn thương cho người khác, nhưng tức quá, ức quá, cho nên bao nhiêu lời nói như “châm” như “sốc” người nghe cứ thế mà tuôn ra. Muốn sống một đời sống khác biệt với thế gian đâu phải dễ. Muốn sống hòa đồng mà không hòa tan đâu phải đơn giản. Tuy nhiên đó không phải là cái cớ để bao biện cho lối sống nuông chiều xác thịt và ham muốn trần tục mà xa rời đi ý muốn tốt lành và chương trình tốt đẹp của Đức Chúa Trời dành cho con dân Ngài. Mỗi ngày, chúng ta dành ra bao nhiêu thời gian cầu nguyện? Dành ra bao nhiêu thời gian tra xem Lời Chúa cách nghiêm túc, chú tâm? Mỗi khi đối diện với ngăn trở, cám dỗ, chúng ta chạy đến với Chúa trước tiên hay tìm đến thế gian trước nhất? Ông bà cha mẹ có đang dạy dỗ và nêu lên tấm gương tin kính Chúa mỗi ngày cho con cái cháu chắt mình trông xem và học tập, hay vẫn đang nói một đằng và làm một nẻo?
Nhiều điều nhiều việc phải bình tâm suy xét trước khi thực hiện. Để sống một đời sống đẹp lòng Chúa, sống một đời sống vui thỏa, bình an dẫu xung quanh lắm lúc chẳng mấy an bình thì điều cần làm, đó chính là tin cậy vâng lời. Vâng lời Chúa, chứ không phải bụng bảo dạ rằng làm gì cũng được, cho qua chuyện là xong. Vâng lời Chúa, sống thánh sạch, chứ không phải làm qua loa, cho người ta xem là được. Vâng lời Chúa, sống mẫu mực, chứ không nêu gương xấu cho thế hệ mai sau. Vâng lời Chúa, sống Phúc âm mà rao truyền Danh Chúa cho thế nhân nhìn biết mà kính sợ Ngài.
(Theo sự hỗ trợ của SV Võ Đông Dương – SV khoá IX Viện Thánh Kinh Thần Học)