Phi-líp là một trong mười hai sứ đồ của Đức Chúa Jêsus. Ông là người Bết-sai-đa (xứ Ga-li-lê), đồng thành với hai sứ đồ khác là Anh-rê và Phi-e-rơ (Giăng 1:44).
Kinh Thánh không đề cập nhiều về thông tin cá nhân cũng như gia cảnh của Phi-líp. Dầu vậy, điều đặc biệt phước hạnh mà ông có được đó là Chúa đã chủ động đi tìm ông và mời gọi ông theo Ngài với sứ điệp rất ngắn gọn “Hãy theo Ta”(Giăng 1:43).
Trong suốt chức vụ trên đất của Chúa Jêsus, Phi-líp không phải là tên gọi quá nổi bật được đề cập. Các chi tiết về ông cũng không nhiều. Tuy nhiên, điều chúng ta biết chắc là ông vẫn luôn đi theo Chúa để học hỏi, trau dồi và được trải nghiệm nhiều sự dạy dỗ cùng những việc quyền năng của Chúa.
Qua những phần ký thuật liên quan đến sứ đồ Phi-líp, có không ít sự dạy dỗ mà chúng ta có thể nhận được từ chính con người ông. Dầu vậy, trong giới hạn bài viết này xin đề cập ba điều nhận được.
1. Chia sẻ ngay tin mừng về Chúa (Giăng 1:45)
Ngay sau khi biết Chúa chủ động tìm và kêu gọi mình chắc hẳn Phi-líp đã rất vui mừng. Ông đã không chần chừ hay do dự nhưng sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Ngài. Ông trở thành môn đồ của Chúa, đi theo Ngài để được học hỏi mọi điều. Và điều đáng để chúng ta chú ý là ông đã không giữ riêng niềm vui ấy cho mình. Niềm vui ấy thật lớn đối với ông và ông muốn chia sẻ ngay cho người khác. Ông đã gặp Na-tha-na-ên và nói ngay rằng “Chúng ta đã gặp Đấng mà Môi-se có chép trong luật pháp, và các đấng tiên tri cũng có nói đến; ấy là Đức Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét, con của Giô-sép” (Giăng 1:45). Ông muốn Na-tha-na-ên cũng có được trải nghiệm phước hạnh giống như ông vậy.
Học biết về tinh thần sốt sắng làm chứng về Chúa thật đáng khích lệ cho mỗi đời sống chúng ta trong công tác chứng nhân cho Chúa. Mỗi con dân Chúa đều từng trải qua giây phút thiêng liêng khi bằng lòng tiếp nhận Chúa vào trong đời sống mình. Niềm vui về sự cứu rỗi của Chúa dành cho chúng ta chắc chắn không bao giờ phai đi. Dầu vậy, chúng ta nhìn lại đã bao lần chúng ta chia sẻ niềm vui đó cho người thân, gia đình, bạn bè, lối xóm. Niềm vui thật sẽ không bao giờ nín lặng. Sứ đồ Phao-lô đã nói rằng: “Ví bằng tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin Lành, thì khốn khó cho tôi thay” (I Cô-rinh-tô 9:16). Dầu ông được Chúa trao phó trong công tác rao truyền Tin Lành nhưng đó là điều ông không thể nín lặng vì niềm vui trong Chúa quá lớn và ông phải chia sẻ cho nhiều người.
Xin Chúa cho mỗi chúng ta cũng đồng tâm tình như Phi-líp, như Phao-lô và nhiều người khác để mau mau nói về Chúa cho những người xung quanh. Thế nhân rất cần Chúa Jêsus và Lời Chúa đảm bảo “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu”. Tuy nhiên “họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao” (Rô-ma 10:13-14). Vì vậy, xin Chúa đặt để trong mỗi chúng ta lòng cưu mang, sốt sắng để đem Tin Lành của Chúa đến với tất cả mọi người.
2. Cư xử chuẩn mực khi bị xem thường (Giăng 1:46)
Sau khi gặp Chúa, Phi-líp đã nôn nả đến chia sẻ niềm vui cho Na-tha-na-ên về Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét, Đấng mà Môi-se có chép trong luật pháp và các đấng tiên tri cũng có nói đến. Lòng Phi-líp mong rằng Na-tha-na-ên cũng sẽ vui mừng để tìm và theo Ngài. Dầu vậy, Na-tha-na-ên đã nói một câu đầy sự xem thường đối với những gì Phi-líp nói: “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” (Giăng 1:45-46). Na-tha-na-ên dường như không tin và mỉa mai về niềm tin của Phi-líp. Đứng trước tình huống đó, dễ lắm Phi-líp sẽ có những phản ứng gay gắt để bảo vệ cho lời nói và niềm tin của mình. Tuy nhiên, Phi-líp đã không làm như vậy. Ông rất bình tĩnh để trả lời cách từ tốn trước sự mỉa mai của Na-tha-na-ên. Ông nói rất ngắn gọn rằng “Hãy đến xem” (Giăng 1:46). Câu trả lời của Phi-líp với ý nghĩa rằng Na-tha-na-ên không tin lời ông nói cũng không sao, nhưng ông mong Na-tha-na-ên thật sự nhận biết rõ điều ông nói về Chúa bằng việc hãy đến gặp Chúa trực tiếp. Ông kiên nhẫn để thuyết phục Na-tha-na-ên. Và chính điều này đã thôi thúc Na-tha-na-ên. Na-tha-na-ên đã bằng lòng đến gặp Chúa và nhân cơ hội đó ông đã hiểu rõ về Chúa và trở thành sứ đồ của Chúa.
Cách xử sự thật khéo léo của Phi-líp thật đáng để chúng ta học theo trong công tác chứng nhân cho Chúa. Khi chúng ta ra đi để chia sẻ Tin Lành của Chúa, có những lúc sẽ rất phước hạnh và vui thỏa khi người chúng ta làm chứng chịu lắng nghe và bằng lòng tin nhận Chúa. Tuy nhiên, sẽ có những lúc chúng ta đối diện với những trường hợp như Phi-líp đã gặp. Người ta không những không tin mà đôi khi còn có những lời nói rất khó nghe và hành động chống đối với đạo của Chúa. Đứng trước những sự phản ứng tiêu cực đó, xin Chúa thêm sức để chúng ta giữ được sự ôn hòa, không tranh cãi, không gây hấn và cũng không tỏ ra sự phẫn nộ với họ. Chúng ta tiếp tục nhờ ơn Chúa để chia sẻ, cố gắng hết sức và nếu họ không tiếp nhận thì như lời Chúa nói với các môn đồ “Nếu ai không tiếp rước, không nghe lời các ngươi, khi ra khỏi nhà đó, hay là thành đó, hãy phủi bụi đã dính chân các ngươi” (Ma-thi-ơ 10:14). Chúng ta đã hoàn thành trách nhiệm khi đã cố gắng hết sức trong công tác chứng nhân và phần còn lại là người nghe sẽ tự chịu trách nhiệm về những lựa chọn và quyết định của chính họ. Lời Chúa cho biết “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó.” (Giăng 3:36)
3. Chân thành và trung thực trong sự phục vụ (Giăng 6:5-6)
Trong câu chuyện Chúa Jêsus hóa bánh cho hơn năm ngàn người ăn được ký thuật trong cả bốn sách Phúc Âm, Phi-líp đã được nhắc đến. Chúa Jêsus đã có một thử nghiệm đối với Phi-líp rằng “Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân này có mà ăn?” (Giăng 6:5-6). Chúa biết đây là quê hương của Phi-líp, nơi ông quen thuộc mọi thứ và Ngài muốn thử ông. Tuy nhiên, với số lượng dân chúng theo Chúa đông đảo ở tại một nơi vắng vẻ trong buổi chiều tối (Lu-ca 9:12, 14) mà phải lo cho họ ăn thật là việc vô cùng khó cho Phi-líp cũng như cho cả mười hai sứ đồ. Chúa biết điều Ngài sẽ làm nhưng Ngài muốn xem Phi-líp sẽ ứng xử như thế nào trong tình huống này (Giăng 6:6). Đứng trước việc khó như vậy, Phi-líp đã thưa với Chúa “Hai trăm đơ-ni-ê bánh không đủ phát cho mỗi người một ít” (Giăng 6:7). Ông vẫn có sự tính toán để chu toàn điều Chúa phán bảo. Tuy nhiên, qua câu nói này ông ngầm thưa với Chúa là con không thể làm gì được trong tình huống này vì vượt quá khả năng của con. Ông bày tỏ sự bất lực trước Chúa và mọi người. Đây là chỗ chúng ta thấy được sự chân thành và trung thực của ông. Ông không cố gắng để tỏ ra mình có khả năng để xử lý vấn đề. Ông biết mình không làm được là thưa ngay với Chúa. Và chúng ta thấy, Chúa đã không quở trách Phi-líp vì sự thiếu kém của ông cũng như khi ông không thực hiện được điều Chúa yêu cầu. Nhưng khi ông nhận biết sự bất năng thì Chúa toàn năng đã ra tay để cứu giúp. Chúa đã thực hiện phép lạ hóa bánh để đáp ứng cho khoảng năm ngàn người ăn chưa kể đàn bà và con nít (Ma-thi-ơ 14:21). Ai nấy đều ăn no nê và còn dư mười hai giỏ đầy.
Trong cuộc đời theo Chúa và phục vụ Chúa cũng sẽ có nhiều lúc chúng ta muốn làm điều này điều kia cho công việc Chúa nhưng khả năng thì giới hạn. Những lúc như vậy, chúng ta đừng ngại thừa nhận điều đó trước Chúa và anh em mình. Hãy trung thực và chân thành trong mọi điều, việc gì chúng ta có thể làm thì nhờ ơn Chúa làm hết sức, còn việc nào vượt quá khả năng thì cầu xin Chúa giúp đỡ và chia sẻ với anh em cùng niềm tin để được hỗ trợ. Khi chúng ta hạ xuống để nhìn biết sự thiếu kém của mình thì Chúa sẽ ban đủ ơn và sức để chúng ta phục vụ Chúa cách kết quả. Sứ đồ Phao-lô nói rằng “Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe về sự yếu đuối tôi… vì khi tôi yếu đuối ấy là lúc tôi mạnh mẽ” (II Cô-rinh-tô 12:9-10). Ông không ngần ngại để tỏ ra sự hạn chế của bản thân nhưng ông mạnh mẽ công bố những điều đó vì ông biết Chúa luôn ban sức mạnh cho những ai hạ mình trước Ngài. Thật vậy, Chúa biết chúng ta hạn chế ở nhiều mặt và Ngài sẵn sàng giúp sức trong mọi điều khi chúng ta thưa với Ngài. Xin Chúa cho chúng ta học theo tinh thần của Phi-líp để luôn chân thành và trung thực trong sự giới hạn của bản thân trước Chúa để kinh nghiệm nhiều việc lạ lùng Chúa làm trên đời sống của mình. A-men.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)