Kinh Thánh: Mác 15:33-34
“Đến giờ thứ sáu, khắp đất đều tối tăm mù mịt cho tới giờ thứ chín. Đến giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu lớn tiếng rằng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” (BTT)
Ba giờ sau khi Đấng Christ bị đóng đinh, một bóng tối kỳ lạ bao trùm khắp Y-sơ-ra-ên. Điều đó không chỉ để che đi sự đau khổ của Chúa Jêsus; mà còn là dấu hiệu về sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi của con người (A-mốt 8:9-10). Sự yên tĩnh kỳ lạ đó đã bị xuyên thủng bởi tiếng kêu của Chúa Jêsus trong giây phút cô đơn tột cùng. Giây phút đầu tiên và duy nhất mà Đức Chúa Trời Ba Ngôi phân ly cũng đã đến với cường độ cực đại. Ngài không thể nào sử dụng từ “Cha” tại thời điểm đó. Khi Chúa Jêsus trở nên tội lỗi vì chúng ta, lời kêu cầu của Ngài chỉ đơn giản là dành cho Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời rất xa cách của Ngài, lần duy nhất trong cõi đời đời.
Những lời của Đấng Christ ứng nghiệm lời tiên tri trong Thi thiên 22:1: “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi? Nhân sao Ngài đứng xa, không giúp đỡ tôi, và chẳng nghe lời rên siết tôi?” Được Đa-vít chấp bút một thiên niên kỷ trước đó khi ông bị bao vây bởi những kẻ thù không chịu công nhận ông là vị vua được xức dầu, những lời này đã chờ để được nói ra bởi Vua của các vua, Đấng đã được xức dầu để trở thành Đấng Mết-si-a bị khinh dể.
Sức nặng từ cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi của chúng ta đã khiến Ngài bị thương (Ê-sai 53:5), và mối tương giao liên tục với thiên thượng đã bị đứt đoạn. Câu trả lời trong Kinh Thánh dành cho câu hỏi của Ngài đó là Đức Chúa Trời thánh khiết không thể chấp nhận được tội lỗi (Ê-sai 59:2), điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến sự thánh khiết của Ngài. Thay vào đó, Chúa Jêsus đã chọn gánh lấy tội lỗi của chúng ta hoàn toàn. Không còn đường lui nào cho nỗi cô đơn tột cùng khi bị Đức Chúa Cha lìa bỏ: Chúa Jêsus đã gánh chịu điều đó, một mình… cho bạn và cho tôi. “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:21).
Khi nhìn về thập tự giá cách mới mẻ, chúng ta sẽ rơi nước mắt vì xấu hổ, cũng như vui mừng vì nhẹ nhõm. Một điều mà ý nghĩa thập tự giá sẽ không bao giờ mang đến cho Cơ Đốc nhân đó chính là sự bàng quan. Điều đó chỉ dành cho những ai giống như các nhân vật xung quanh thập tự giá, những người không nhìn thấy tội lỗi của họ ở đó; những người không khóc bởi quá khứ ích kỷ của họ, và không biết ơn Cứu Chúa đã chết vì họ. Tuy nhiên, một số người mà chúng ta quen biết sẽ tìm kiếm Ngài và thấy được Ngài qua sự tin cậy không ngừng của chúng ta nơi Chúa Jêsus và sự kiên nhẫn làm chứng của chúng ta về ân điển của Ngài.
Kính lạy Đức Chúa Trời! Tạ ơn Ngài vì Chúa Jêsus đã gánh lấy tội lỗi của con, để con không bao giờ bị phân cách khỏi Ngài. Xin Chúa tha tội cho con vì vẫn không nhìn thấy tội lỗi của con trên thập tự giá khi xưa, ăn năn về tội lỗi đó, và vui mừng về sự cứu rỗi dành cho con. Xin Chúa giúp con trở thành chứng nhân đầy lòng biết ơn mà Chúa đã kêu gọi con bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, hầu cho đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của con không bị kết án trong sự phán xét sau cùng. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work