Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Bị nhiếc móc

Kinh Thánh: Mác 15:31-32

“Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo cũng nói với nhau như vậy, mà nhạo cười Ngài rằng: Hắn đã cứu kẻ khác; mà cứu mình không được! Hỡi Đấng Christ, Vua dân Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy xuống khỏi cây thập tự, để cho chúng ta thấy và tin! Hai đứa bị đóng đinh cùng Ngài cũng nhiếc móc Ngài nữa.” (BTT)

Thật là một cảnh tượng kỳ lạ. Chúa Jêsus, Đấng Christ mà dân Y-sơ-ra-ên được hứa ban cho và háo hức chờ đợi từ lâu (Lu-ca 2:30-32), lại bị đóng đinh vì các nhà lãnh đạo tôn giáo của Y-sơ-ra-ên ghét Ngài. Ngài có thẩm quyền thuộc linh mà họ khao khát nhưng lại không có được (Ma-thi-ơ 27:18; Mác 1:27). Tất cả các vụ hành quyết công khai đều thu hút những người tò mò và tự cho mình là công bình. Họ càng thấy mình công bình hơn nữa bằng cách thể hiện sự khinh bỉ với những người bị kết án. Nhưng không chỉ có dân chúng đi ngang qua mới buông lời chế nhạo Chúa Jêsus, mà những người sùng đạo cũng bồi thêm những cú đấm bằng lời nói của họ. Họ đả kích việc Ngài tự xưng là Đấng Christ và là Vua (Giăng 18:37); họ lắng nghe lời Ngài nhưng lại xuyên tạc những lời ấy vì họ không hiểu Ngài đang nói gì.

Họ là những kẻ mù (Giăng 9:40-41), họ không thể thấy rằng Chúa Jêsus hoàn toàn khớp với những mô tả tiên tri về Đấng Mết-si-a (Ê-sai 61:1-3). Và họ sai lầm khi cho rằng Ngài không thể tự cứu mình (Thi thiên 22:6-8). Ngài có thể tự cứu mình (Ma-thi-ơ 26:53) nhưng Ngài không muốn làm vậy. Ngài biết rằng không một ai trong số những kẻ kết án Ngài có hy vọng được vào thiên đàng nếu không có sự hy sinh của Ngài. Thảo nào sứ đồ Phao-lô rất biết ơn Ngài (I Ti-mô-thê 1:15), và chúng ta cũng nên như vậy.

Giống như nhiều người buông lời chế nhạo niềm tin ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo Do Thái lúc bấy giờ cũng tuyên bố họ sẵn sàng tin đó thôi. Họ nói rằng dấu hiệu cuối cùng để họ tin là nhìn thấy một cây thập tự trống. Ba ngày sau, điều mà họ nhìn thấy là ngôi mộ trống nhưng họ vẫn không tin, các môn đồ cũng vậy (Mác 16:6-8). Điều gì đã che mờ mắt họ? Không phải vì họ nghiên cứu Kinh Thánh Cựu Ước, là điều đáng lẽ phải làm sáng tỏ mọi việc. Không phải là vì thiếu thông tin vì họ có bằng chứng về nhiều phép lạ xác nhận lời của Chúa Jêsus (Giăng 14:11). Đáng thương thay, trong thâm tâm, họ đã quay lưng lại với sự sáng của thế gian vì họ không chịu để cho sự kiêu hãnh của họ khuất phục trước uy quyền của Ngài. Họ không hơn gì những tên cướp kế bên Ngài, những kẻ thể hiện sự khinh thường đối với Ngài.

Mục vụ chia sẻ Phúc Âm luôn đối diện với xung đột này. Những người chống đối sẽ cười nhạo khi người tin vui mừng tiếp nhận Phúc Âm. Xung đột thường xảy ra trong gia đình, tại nơi làm việc, và thường trong những thời gian nhàn rỗi. Đối với những Cơ Đốc nhân mới tin Chúa, đây có thể là một cú sốc khá lớn, nhưng giống như Chúa Jêsus, chúng ta phải chịu đựng. Tuy nhiên, đó là sự chịu đựng vì một mục đích lớn lao (I Phi-e-rơ 1:6-7; Gia-cơ 1:2-4). Khi bước đi với Chúa Jêsus và chịu khổ vì Ngài, chúng ta trở nên giống như Chúa Jêsus (Phi-líp 3:10). Khi người khác nhìn thấy cách chúng ta sống và hiểu những gì chúng ta nói, một số người sẽ nhận ra rằng Chúa Jêsus đã chết thay cho những người như họ, là những người ra vẻ như họ biết hết về tôn giáo, những người vi phạm pháp luật tự mãn, và những người kiêu ngạo tự cho mình là công bình. Đó vẫn là mục đích của thập tự giá: “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời;” (I Phi-e-rơ 3:18). Mục đích của cuộc đời chúng ta khi đi theo Chúa Jêsus là thờ phượng Ngài bằng cách làm cho Ngài được biết đến không chỉ trong Hội Thánh mà còn tại nơi làm việc và cộng đồng.

Kính lạy Đức Chúa Cha! Tạ ơn Ngài vì Chúa Jêsus đã bị chế nhạo vì con. Xin Chúa tha tội cho con khi con không dám chịu khổ, thậm chí khước từ Ngài thay vì chấp nhận bị ngược đãi vì tin Ngài. Nhưng Ngài đã kêu gọi con chịu khổ như một phần của đời sống theo Chúa (Phi-líp 1:27-30). Xin Chúa giúp con chịu khổ vì Ngài, vì gia đình và bạn bè của con, những người rất cần đến ân điển của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn