Lịch sử Hội Thánh Đức Chúa Trời trải hơn hai mươi thế kỷ. Là con dân Chúa, ai trong chúng ta cũng ít nhất đôi lần được học qua tấm gương Phao-lô – vị sứ đồ có ảnh hưởng thật lớn lao trên mỗi Cơ Đốc nhân.
Từ một con người sùng kính Do Thái giáo – Sau-lơ, một kẻ phạm thượng vì đã chối bỏ thần tính của Chúa Giê-xu và ép buộc người khác cũng chối bỏ điều đó bằng cách dùng quyền hành để bắt bớ những ai tin Chúa và phá hại Hội Thánh với sự bạo lực và kiêu căng!
Nhưng lạ lùng thay, bởi ân điển diệu kỳ và quyền năng của Tin Lành, một Sau-lơ đáng kinh sợ đã trở nên một Phao-lô – Nhà Truyền giáo trung tín rao truyền Phúc âm, bất chấp những khó khăn nguy hiểm.
Thật vậy, cuộc đời của Phao-lô để lại cho chúng ta rất nhiều điều dạy dỗ quý báu, nhưng xin được chỉ nhắc lại đôi điều trong hành trình theo Chúa của Phao-lô để khích lệ chúng ta trung tín theo Chúa, tận dụng cơ hội rao giảng Phúc âm, xây dựng đời sống Cơ Đốc, mở mang vương quốc Đức Chúa Trời trên đất.
Theo Kinh Thánh: Công vụ 9:1-30; 13:1; 28:31…
Sơ lược về Sứ đồ Phao-lô:
Phao-lô sinh trưởng tại thành Tạt-sơ, thuộc tỉnh Si-li-si, Tạt-sơ là một trong những thành phố có trường đại học lớn nhất của thế giới cổ.
Phao-lô lại là một ra-bi từng được thọ giáo dưới chân Ga-ma-li-ên – vị ra-bi vĩ đại!
Phao-lô thuộc về dòng dõi Y-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ và theo luật pháp thì thuộc phe Pha-ri-si.
Phao-lô là người Do Thái lại có quốc tịch La Mã, nên tên đầy đủ của vị sứ đồ nầy là “Sau-lơ Phao-lô”.
Sau-lơ là tên Do Thái, trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa: kêu cầu, cầu thay, đòi hỏi.
Tên Phao-lô xuất phát từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “nhỏ” (có thể hiểu theo kích thước, hình thể của Phao-lô).
Thuộc dòng Pha-ri-si rất nghiêm nhặt, và họ cũng chính là những người đầu tiên bắt bớ Chúa Giê-xu.
Phao-lô được giáo dục tại Tạt-sơ, một nơi nổi tiếng. Sau-lơ học một học giả Do Thái, cũng là nhà thông thái xuất sắc về luật pháp Do Thái.
Phao-lô (Sau-lơ) trên đường Đa-mách:
Một trong những chặng đường rất quan trọng của Phao-lô chính là hành trình đến Đa-mách.
Khi được thầy tế lễ thượng phẩm tại Giê-ru-sa-lem ban cho đầy đủ quyền hành với ý định quét sạch Cơ Đốc giáo khỏi thành phố cổ kính nhất thời bấy giờ. Đa-mách là trung tâm thương mại rất lớn, trù phú.
Tại Đa-mách có rất nhiều người Do Thái và ít nhất là có ba mươi nhà hội. Như một thiên đường giữa sa mạc, là thành phố vĩ đại trong thời Áp-ra-ham, miền đất quý giá của Sa-lô-môn, từng là thủ phủ quan trọng thời đế quốc La-mã nên đối với Sau-lơ chẳng thể chấp nhận cho Cơ Đốc giáo tồn tại trong nơi này.
Để thực hiện cuộc truy tìm dữ dội này, đoàn người cùng đi với Sau-lơ có lẽ trên hai mươi người, họ phải đi khoảng sáu ngày trên đoạn đường dài hơn 200 km. Họ có trách nhiệm vừa bảo vệ Sau-lơ, vừa giữ những người sắp bị bắt! Mọi kế hoạch đã sẵn sàng, bao nhiêu người sẽ rơi vào cảnh kinh khiếp vì sự hung hãn của đoàn người này!!!
Trong lúc họ đến gần thành Đa-mách, có một luồng ánh sáng chói loà bất ngờ toả xuống trên đoàn người đang hối hả nhắm mục tiêu. Ánh sáng chói lói hơn cả ánh sáng mặt trời giữa ban trưa và vang lên tiếng gọi gấp rút: “Sau-lơ, Sau-lơ”. Cùng cách ấy, nhiều lần trước kia cũng đã gọi: “Áp-ra-ham, Áp ra ham”; “Sa-mu-ên, Sa-mu-ên”; “Si-môn, Si-môn”; “Ma-thê, Ma-thê”… Giờ đây, tiếng phán ấy lại gọi một kẻ thù của Cơ Đốc giáo. “Tại sao ngươi bắt bớ ta?” – Sau-lơ kinh sợ đến nỗi phải té quì xuống đất, một tiếng kêu từ một niềm tôn kính vô biên: “Lạy Chúa, Ngài là ai?”; rồi một sự mặc khải thánh vô cùng đến với ông: “Ta là Giê-xu mà ngươi đang bắt bớ!”
Sau-lơ vẫn còn đang run sợ và sửng sốt về mọi điều xảy ra, thì ông nhận lấy mạng lịnh Chúa truyền: “Hãy đứng dậy, vào trong thành, người ta sẽ nói cho ngươi mọi điều phải làm!”
Có thể Sau-lơ chưa hiểu mọi việc sẽ thế nào, nhưng Đức Chúa Trời đã có kế hoạch cho người Chúa dùng vào chương trình vĩ đại của Ngài. Bây giờ ông phải đứng dậy và đi vào thành, không bằng sự hiên ngang trong uy quyền nhưng như một tù nhân, quờ quạng trong tăm tối, khốn khổ đắng cay, phải nhờ người cầm tay dẫn ông từng bước. Họ đưa ông đến nhà Giu-đa, ở đó ba ngày ông không thấy, không ăn và không uống, “người đương cầu nguyện” – Đó chính là lời xác nhận của Chúa Giê-xu khi giới thiệu với A-na-nia về Sau-lơ.
Dấu hiệu của người nhận ơn cứu rỗi của Chúa, cuộc đời bắt đầu thay đổi được thể hiện bằng tấm lòng thiết tha tìm kiếm ánh sáng của chân lý và sự dẫn dắt từ Chúa. Bây giờ ông phải làm gì tại Đa-mách? Và sẽ làm gì khi trở lại Giê-ru-sa-lem?
– Ngài thay đổi mọi sự tính toan, có lẽ ông đang trải qua cuộc chiến nội tâm rất quyết liệt, suy nghĩ và thay đổi ngay. Vì về sau nầy nhiều lần ông phải đau xót và hối tiếc về những nỗ lực chống nghịch đạo của Chúa và phạm thượng với Danh Ngài. Sự sống, niềm tin của Sau-lơ hoàn toàn sụp đổ khi ông “đá vào ghim nhọn thì là khó chịu cho ngươi vậy” (Công 26:14).
Vì vậy, từ nay mục đích của đời sống không vì chính mình hay quyền thế, danh vọng nữa mà là Chúa Giê-xu! Đấng ấy đã ban mạng lịnh cho A-na-nia phải truyền cho Sau-lơ rằng: “Hãy đi, vì ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua và con cái Y-sơ-ra-ên…” (Công 9:15).
Nhận mạng lịnh và được sự trang bị đặc biệt từ chính Chúa; hơn ba năm trong hoang mạc A-ra-bi, ở với Chúa, nhận sự mạc khải từ Chúa; trở thành một Phao-lô trở về Giê-ru-sa-lem, được sai đi rao giảng Tin lành cho dân ngoại… Phao-lô đầy nóng cháy bởi quyền phép Đức Thánh Linh, Phao-lô can đảm, trung tín rao giảng Phúc âm. Sẵn sàng chịu sự khổ nhọc của người giảng Tin Lành qua những chuyến hành trình truyền giáo từ trong xứ Do Thái đến các vùng lân quốc (II Cô 11:22-29). Đến đâu ông cũng rao giảng Tin Lành của Chúa Giê-xu, thành lập Hội Thánh, dạy dỗ lời Chúa để mọi người sống thánh khiết, yêu thương, đắc thắng mọi sự cám dỗ, đứng vững trong đức tin, sống trong ân điển cứu chuộc của Đấng Christ.
Bài học cho chúng ta:
Từ một con người “đại tội nhân, tội khôi” như Sau-lơ, Chúa vẫn yêu thương, chờ đợi, tha thứ và vui dùng trong công việc của Ngài, Ngài biến đổi Sau-lơ – một kẻ thù ghét, bắt bớ để tàn diệt Tin Lành nay trở nên sứ giả sốt sắng rao truyền Tin Lành.
Báu vật rất quý giá của Sứ đồ Phao-lô để lại trong sự xây dựng và phát triển Hội Thánh trải mọi thời đại ấy là 13 thư tín trong Kinh Thánh, một phần ba của Tân Ước, chứa đựng biết bao sự dạy dỗ cho con dân Chúa thấu hiểu hơn vì: chỉ có một Chúa, một đức tin, một Đức Thánh Linh, một phép báp-têm, một Đức Chúa Trời… và chỉ trong Tin Lành nầy mà chúng ta được cứu (Ê-phê-sô 4).
Một vị sứ đồ đầy quyền năng Chúa ban làm nhiều phép lạ khác thường (Công 19:11, 12), nhưng vẫn phục vụ Chúa bằng sự khiêm nhường, chịu khổ nhục, thử thách với nhiều nước mắt ở giữa anh em mình, theo gương mẫu của Chúa Giê-xu (Giăng 13), nên Phao-lô kêu gọi chúng ta “Hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Đấng Christ vậy” (I Cô 11:1).
Đời sống tận tụy phục vụ Chúa, hi sinh chịu bao cực khổ của người giảng Tin Lành. Cuối cùng Phao-lô nói: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin…” (II Tim 4:7).
Cuối cùng, Phao-lô đã qua đời khoảng năm 67-68 SC., người đã bị chém đầu tại La Mã theo lệnh của hoàng đế Nero. Giáo phụ Tertullian mô tả Sứ đồ Phao-lô là người tuận đạo mẫu mực giữa sự đau khổ của Hội Thánh.
Xin Chúa cho chúng ta:
- Thưa vâng khi Chúa gọi và sẵn sàng thưc thi mạng lịnh của Chúa.
- Luôn khao khát sống đẹp lòng Chúa dù trong mọi hoàn cảnh.
- Trung tín rao truyền Phúc âm dẫu khó khăn hay thuận lợi.
- Sống thoả lòng và tin cậy Chúa vì Ngài là Đấng Chủ tể, cai trị trên cả mọi điều.
- Vững vàng trong đức tin cho đến kỳ Chúa trở lại.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)