Kinh Thánh: Lu-ca 3:21-22
“Vả, khi hết thảy dân chúng đều chịu phép báp-têm, Đức Chúa Jêsus cũng chịu phép báp-têm. Ngài đương cầu nguyện thì trời mở ra, Đức Thánh Linh lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài; lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường.” (BTT)
Chức vụ của Chúa Jêsus có một khởi đầu thật đặc biệt. Thay vì thể hiện sự khôn ngoan qua việc rao giảng hay bày tỏ quyền năng qua việc chữa lành, thì Ngài lại nhận báp-têm (báp-têm trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là nhúng, ngâm, nhận chìm và làm ngập). Phép báp-têm của Giăng là lời xưng nhận tội lỗi và cam kết ăn năn. Nhưng Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời trong thân thể con người: trong Ngài không có tội lỗi chi hết. Vậy cớ sao Ngài lại chịu báp-têm để nước “ngập” qua thân thể?
Một cách hay để xem xét vấn đề này là đặt một câu hỏi khác: “Tại sao Chúa Jêsus lại chết trên cây thập tự?’’. Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa Jêsus gánh lấy tội lỗi của thế gian, chịu hình phạt vì tội lỗi để chuộc chúng ta ra khỏi ách của sự chết. Nói cách khác, Chúa Jêsus mang lấy tình trạng tội lỗi của con người như được chép trong II Cô-rinh-tô 5:21: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.”
Báp-têm của Chúa Jêsus ba năm trước đó, đã đánh dấu việc Ngài gánh tội lỗi, điều mà sau này khiến linh hồn Ngài buồn rầu lắm (Mác 14:34). Thi thiên 42:6-7 liên kết báp-têm của Đấng Christ với cái chết được tiên tri trước của Ngài. Đối với Chúa Jêsus, sự chết như của lễ chuộc tội không làm Ngài kinh ngạc; bởi đó là sứ mạng của Ngài. Đó là lý do vì sao Ngài dùng chung “dòng nước nhiễm bẩn” của những con người tội lỗi khi chịu phép báp-têm. Ngài cũng trải lòng cùng Đức Chúa Cha trong lời cầu nguyện, và khi làm thế, Ngài chứng kiến thiên đàng mở ra và được Đức Thánh Linh xức dầu qua hình ảnh chim bồ câu. Đức Chúa Cha đã phán những lời có thể nghe thấy được để xác định Con Ngài chính là tâm điểm của tình yêu và mục đích của Đức Chúa Trời.
Phép báp-têm của Cơ Đốc nhân không chỉ là dấu hiệu của sự ăn năn mà còn là sự đồng chết, đồng chôn và đồng sống lại với Đấng Cứu Thế (Rô-ma 6:3-4). Ngày nay khi nhận phép báp-têm, chúng ta nhìn lại thập tự giá, còn Chúa Jêsus ngày xưa thì hướng đến thập tự giá. Chúng ta chịu phép báp-têm vì Danh Ngài là việc quan trọng cũng như Ngài nhận báp-têm vì chúng ta là điều cần thiết (Ma-thi-ơ 3:15). Đó là cách đặc biệt để chúng ta tuyên bố mình được gắn kết với Chúa Jêsus; và được hiệp nhất trong tình yêu và mục tiêu hằng ngày của Phúc Âm. Hãy vui mừng nhớ lại phép báp-têm của mình, rằng bạn không còn ở dưới sự thống trị của tội lỗi nữa, và cam kết dự phần với Chúa Jêsus trong công tác rao giảng Phúc Âm; còn nếu bạn chưa chịu báp-têm, hãy vui mừng nhận phép báp-têm như một bước khởi đầu quan trọng trong địa vị là môn đồ của Con Trời.
Lạy Đức Chúa Cha, cảm ơn Ngài vì lời ký thuật cho biết Ngài đã công khai xức dầu và xác nhận Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng gánh lấy tội lỗi của thế gian, trong đó có con. Cảm ơn Ngài vì mối liên kết trong phép báp-têm: Đấng Christ sẵn lòng gánh lấy tội lỗi của con và con hứa nguyện sống theo mục đích của Phúc Âm. Bất chấp những bận rộn, những sự nhộn nhịp cùng những vấn đề trong đời sống hằng ngày, xin giúp con ghi nhớ ý nghĩa của phép báp-têm trong Đức Chúa Jêsus Christ cùng với sứ mạng của Phúc Âm trong cuộc sống hằng ngày. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work