Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Sứ đồ Giăng

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 4:18-22

Ông Giăng là một trong mười hai vị sứ đồ của Chúa Giê-xu. Ông đã đi theo Chúa suốt những năm Ngài thi hành chức vụ trên đất. Ông có một người anh tên là Gia-cơ cũng là người được Chúa Giê-xu kêu gọi làm sứ đồ của Ngài.

Trước khi đi theo Chúa, ông cùng với cha mình là ông Xê-bê-đê làm nghề chài lưới. Vào một ngày nọ, khi ông đang vá lưới trong thuyền thì Chúa đã đến và gọi ông cùng với anh mình đi theo Ngài (Ma-thi-ơ 4:21-22).

Khi theo Chúa trên mọi nẻo đường, ông cùng với mười một vị sứ đồ khác được Chúa ban cho những cơ hội quý giá để hiểu nhiều hơn về Chúa và công tác của Ngài. Bên cạnh đó, cùng với Phi-e-rơ và Gia-cơ, ông được Chúa ban cho đặc ân được trải nghiệm những giờ phút đặc biệt của Chúa như: được chứng kiến phép lạ Chúa làm để cứu sống con gái của Giai-ru (Mác 5:37-43, Lu-ca 8:51); được nhìn thấy sự hóa hình của Chúa ở trên núi (Ma-thi-ơ 17:1; Mác 9:2); được ở gần Chúa nhất trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Mác 14:32-34).

Các sách Phúc Âm cùng sách Công vụ các sứ đồ ký thuật rất nhiều chi tiết về ông từ khi theo Chúa cho đến khi bước vào công tác rao giảng Tin Lành. Dầu vậy, trong khuôn khổ bài viết sẽ tập trung vào ba điều được thể hiện ở nơi ông với những bài học áp dụng cho chúng ta ngày nay.

1. Ông sẵn sàng đáp ứng tiếng gọi của Chúa

Chúa Giê-xu đã có lời kêu gọi trực tiếp khi ông đang làm việc cùng với gia đình: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ khiến các ngươi nên tay đánh lưới người” (Ma-thi-ơ 4:19)Chúa đã tìm đến và mời gọi ông theo Ngài. Dù đang tất bật với công việc làm ăn nhưng lòng ông đã sẵn sàng khi nghe tiếng Chúa gọi. Kinh Thánh ký thuật rằng: “Tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài” (Ma-thi-ơ 4:21-22). Ông và anh mình đã đáp ứng một cách nhanh chóng với lời mời gọi của Chúa. Tinh thần đó rất giống với sự sẵn sàng ra đi của tiên tri Ê-sai khi nghe tiếng Chúa gọi và sai phái: “Có con đây, xin hãy sai con” (Ê-sai 6:8). Và chắc chắn đây là tâm tình Chúa cũng muốn thấy nơi mỗi chúng ta trong sự kêu gọi của Chúa cho công tác nhà Ngài.

Ngày nay, cuộc sống bộn bề bận rộn với những mối lo toan rất dễ để chúng ta thoái thác hoặc trì hoãn dấn thân cho công việc Chúa. Ông Giăng cũng đang rất bận rộn với công việc thường nhật (Ma-thi-ơ 4:21) nhưng ông đã gạt bỏ tất cả để đi theo Chúa. Điều này không có nghĩa là Chúa kêu gọi chúng ta bỏ công việc, bỏ gia đình để chỉ lo việc Ngài nhưng Ngài muốn thấy tinh thần sẵn sàng của mỗi chúng ta để đứng vào những chỗ khác nhau trong sự phục vụ Chúa. Vì vậy, quan trọng là tấm lòng chúng ta có muốn được góp sức để hầu việc Chúa hay không. Lòng muốn phục vụ Chúa là có thể sắp xếp được tất cả dù công việc nhiều đến đâu. Nhưng nếu tấm lòng không sẵn sàng thì dầu việc nhỏ cũng không thể góp phần. Mong rằng nhiều con dân Chúa cùng dấn thân để hầu lo gây dựng vương quốc của Chúa. Mọi điều trên đời này dù nhiều đến đâu vẫn không còn, chỉ có linh công là còn hoài.

2. Ông phó thác đời sống mình trong tay Chúa

Lời kêu gọi của Chúa trên ông cũng như các sứ đồ khác là bước vào con đường dấn thân trọn vẹn. Điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ dừng công việc mình đang làm và theo Chúa trọn thời gian. Ông không còn làm những công việc kiếm sống hằng ngày như trước nữa. Nhưng ông theo Chúa để được dạy dỗ, được huấn luyện, đồng thời để tập tành trong công tác phục vụ và sẽ là người tiếp nối công tác Chúa trên đất khi Ngài về trời. Và chính tại điểm này chúng ta học được tinh thần phó thác của ông nơi Chúa. Chúa không hứa hẹn trước gì với ông về phương diện vật chất khi theo Ngài. Trong lời kêu gọi, Chúa chỉ nói: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ khiến các ngươi nên tay đánh lưới người”. Dầu vậy, chúng ta thấy ông không một chút chần chừ, do dự hay toan tính gì. Ông cũng không thắc mắc với Chúa là con theo Chúa sẽ sống bằng gì khi không làm việc nữa. Ông quyết định cách dứt khoát là “bỏ thuyền… mà theo Ngài”. Ông dấn thân trọn vẹn cho Chúa và phó thác cuộc đời mình trong tay Chúa. Và quả thật, Chúa cũng không để những người trông cậy Ngài phải hổ thẹn. Suốt quãng thời gian ông ở với Chúa, không ngày nào ông phải chịu đói khát hay thiếu thốn. Chúa có đủ quyền năng để lo liệu cho ông cùng hàng ngàn người khác trong nhu cầu vật chất hằng ngày.

Xin Chúa cho mỗi chúng ta cũng luôn tin cậy và phó thác mình trong sự lo liệu của Chúa khi dấn thân phục vụ Ngài. Khi chúng ta bằng lòng hầu việc Chúa, trước mắt có thể là mất mát, thiệt thòi, phải hy sinh thời gian, công sức, tiền của… Tuy nhiên, Lời Chúa đảm bảo rõ ràng cho chúng ta: “Vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:31-33). Chúa biết rõ mọi nhu cần trong đời sống chúng ta và Ngài luôn có cách để lo liệu cho chúng ta không chỉ đủ mà còn dư dật. Vấn đề chúng ta có tin cậy, sẵn sàng dấn thân và phó thác tương lai mình trong tay Chúa hay không.

3. Ông vẫn có những lúc yếu đuối trong đời sống

Dầu ông Giăng đã sẵn lòng bước đi theo Chúa, được nghe nhiều lời dạy dỗ của Chúa, được chứng kiến nhiều việc quyền năng Chúa làm nhưng ông vẫn là một con người yếu đuối bất toàn, không ít lần tỏ ra thiếu đức tin và yếu đuối.

a. Khi đối diện với cơn bão, ông cùng với các sứ đồ đã lo sợ và bị Chúa quở trách “kẻ ít đức tin” (Ma-thi-ơ 8:26).

b. Ông và Gia-cơ nghe biết dân thành Sa-ma-ri không tiếp rước Chúa thì liền xin phép Chúa tiêu diệt họ. Chúa đã quở trách hai ông về tinh thần sai trật đó (Lu-ca 9:51-55).

c. Trước khi Chúa chịu thương khó, ông và các sứ đồ ở trong tình trạng tranh giành vị thế lẫn nhau. Ông cùng mẹ và anh mình là Gia-cơ đến xin Chúa cho được ở hai vị trí quan trọng là bên hữu và bên tả sau khi Chúa được vinh hiển. Điều đó cho thấy ông đã hiểu sai về đường lối của Chúa. Chúa nhắc ông cùng những người khác rằng: “Con người đến không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:20-28, Mác 10:35).

d. Dầu được nghe Chúa nói trước nhiều lần về sự thương khó cùng sự sống lại của Ngài nhưng khi Chúa bị bắt thì ông vô cùng sợ hãi và bỏ trốn không còn dám đi theo Chúa nữa (Ma-thi-ơ 26:56).

Từ những điều này chúng ta thấy rằng, dù là một vị sứ đồ nhưng ông vẫn có những lúc yếu đuối và tỏ ra ít đức tin cùng sự lo sợ và vấp ngã khi bước đi theo Chúa. Đây chính là sự nhắc nhở và cảnh tỉnh cho mỗi đời sống chúng ta phải luôn tỉnh thức và giữ mình trong suốt hành trình theo Chúa. Ai cũng có thể vấp ngã trên hành trình đức tin dù đã từng tuyên bố hết lòng theo Chúa hay đã từng trải nghiệm nhiều ơn lành của Chúa. Lời Chúa cảnh báo rằng “Vậy thì, ai tưởng mình đứng hãy giữ kẻo ngã” (I Cô-rinh-tô 10:12). Ai cũng có thể ngã bất cứ lúc nào nếu không cẩn trọng trong đời sống đức tin của mình. Ông Phao-lô tự nhắc mình rằng: “song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (I Cô-rinh-tô 9:27). Lời Chúa đã từng nhắc ông Giăng cũng là sự nhắc nhở cho chúng ta: “Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” (Ma-thi-ơ 26:41). Hành trình theo Chúa luôn đầy những cám dỗ và thử thách vây quanh vì chúng ta đi trên con đường hẹp. Vì vậy, xin Chúa cho chúng ta luôn cẩn trọng và nhờ sức Chúa gìn giữ để có thể thắng hơn mọi sự và trung tín theo Chúa cho đến cuối cùng. A-men.

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn