“Lạy Cha Thánh, xin giúp chúng con có kết thúc tốt đẹp!” Đây phải là lời cầu nguyện của mọi Cơ Đốc nhân. Một khởi đầu tốt đẹp không đảm bảo một kết thúc thành công. Đây cũng là lời mô tả về cuộc đời của Sau-lơ, vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên, là người có một khởi đầu rất tốt đẹp (tham chiếu phần 1). Nếu ai đó có cơ hội lớn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì đó là Sau-lơ. Thế nhưng, Sau-lơ kết thúc bằng việc cầu đồng bóng và tự kết liễu cuộc đời trên chiến trường. Điều gì khiến Sau-lơ đánh mất tất cả phước lành Chúa dành cho ông? Nữ giáo sĩ người Tân Tây Lan có viết: “Không vâng lời Đức Chúa Trời giống như nói với Chúa giữ lại mọi phước lành của sự vâng lời. Đó không chỉ là sự dại dột mà còn là tình trạng điên rồ.”
3. Những tội lỗi của Sau-lơ dẫn đến kết thúc thảm bại
Sau-lơ bắt đầu phạm tội vì tội bất tuân. Tội không vâng lời của Sau-lơ có thể được theo dõi các đoạn Kinh Thánh trong 1 Sa-mu-ên 13-31.
A. Tội không vâng lời
Lần thứ nhất: Trước khi xuất quân (1 Sa-mu-ên 13:1-5) – Lúc nầy, vua Sau-lơ bị tiên tri Sa-mu-ên quở trách
a. Bối cảnh của lời quở trách
(1) Sau-lơ chọn 3.000 quân lính Y-sơ-ra-ên (2.000 người ở với ông tại Mích-ba và trên núi Bê-tên, 1.000 người ở với Giô-na-than tại Ghi-bê-a thuộc Bên-gia-min). Giô-na-than đánh bại quân Phi-li-tin và Y-sơ-ra-ên bị người Phi-li-tin căm ghét.
(2) Quân Phi-li-tin tập trung một quân đội đông đảo cùng với 30.000 chiến mã và 6.000 kỵ binh, đặng gây hoang mang, sợ hãi giữa vòng các binh lính của Sau-lơ. Điều nầy khiến nhiều quân lính Y-sơ-ra-ên khiếp sợ bỏ trốn.
b. Cơ bản của lời quở trách
(1) Sau-lơ được chỉ bảo chờ đợi Sa-mu-ên tại Ghinh-ganh 7 ngày, sau đó Sa-mu-ên sẽ đến để dâng tế lễ thiêu cùng tế lễ bình an và chúc phước cho đội quân (xem 1 Sa-mu-ên 10:8).
(2) Bảy ngày đã mãn, vị vua thiếu kiên nhẫn đã tự mình dâng tế lễ thiêu.
(3) Sa-mu-ên nói cho Sau-lơ biết hai thảm kịch do hành động bất tuân:
– Vương quốc của vua sẽ không bền lâu.
– Đức Chúa Trời đã chọn một người đẹp lòng Ngài, trong ý của Ngài.
Lần thứ hai: Mặc cho hành động bất tuân đầu tiên của Sau-lơ, nhưng vì cớ dân Y-sơ-ra-ên nên Đức Chúa Trời đã cho phép Sau-lơ đánh bại nhiều kẻ thù, kể cả dân Mô-áp, Ê-đôm, Am-môn, A-ma-léc, và Phi-li-tin (tham chiếu 1 Sa-mu-ên 14:47). Tuy nhiên, một lần nữa, Sau-lơ tái phạm tội không vâng lời.
a. Vua của Y-sơ-ra-ên khước từ Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên (1 Sa-mu-ên 15:1-9)
(1) Sau-lơ được truyền lệnh phải tiêu diệt toàn bộ dân A-ma-léc và vua của họ vì mối thù nghịch cùng Y-sơ-ra-ên trong quá khứ.
(2) Thậm chí không được chừa lại con vật nào.
(3) Tuy nhiên, Sau-lơ không vâng lời: ông để cho A-ga, vua A-ma-léc sống sót, và cho phép quân lính Y-sơ-ra-ên chừa lại những bầy gia súc tốt hơn hết.
b. Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên khước từ vua của Y-sơ-ra-ên (1 Sa-mu-ên 15:10-35)
Khi Sa-mu-ên hỏi về lý do tại sao Sau-lơ chừa lại những bầy gia súc tốt hơn hết, thì Sau-lơ trả lời cách yếu ớt: “Nhưng từ trong chiến lợi phẩm, dân chúng đã lấy chiên và bò, là vật tốt nhất trong các vật đáng tận diệt, để dâng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông tại Ghinh-ganh” (1 Sa-mu-ên 15:21-TTHĐ).
(1) Từ chối dứt khoát: “Sa-mu-ên nói: ‘Đức Giê-hô-va có vui thích về tế lễ thiêu và các sinh tế, bằng sự vâng theo tiếng phán của Ngài chăng? Kìa, sự vâng lời tốt hơn sinh tế. Sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.”(1 Sa-mu-ên 15:22-TTHĐ)
(2) Hối hận: “Sau-lơ nói với Sa-mu-ên: “Tôi đã phạm tội, vì đã vi phạm mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va và lời của ông. Vì tôi sợ dân chúng nên nghe theo tiếng của họ.” (1 Sa-mu-ên 15:24-TTHĐ)
(3) Thỉnh cầu: “Bây giờ, xin ông hãy tha tội cho tôi, trở lại với tôi, để tôi thờ phượng Đức Giê-hô-va.” (1 Sa-mu-ên 15:25-TTHĐ)
(4) Khước từ: “Sa-mu-ên trả lời Sau-lơ: “Tôi không trở lại với vua đâu. Vì vua đã từ bỏ lời Đức Giê-hô-va, nên Đức Giê-hô-va từ bỏ vua, không cho vua cai trị Y-sơ-ra-ên nữa.” Khi Sa-mu-ên quay đi thì Sau-lơ nắm vạt áo choàng của ông, và áo bị xé rách. Sa-mu-ên nói với ông: “Hôm nay Đức Giê-hô-va đã xé vương quốc Y-sơ-ra-ên khỏi vua như thế, để ban cho một người lân cận của vua, xứng đáng hơn vua.” (1 Sa-mu-ên 15:26-28-TTHĐ)
B. Tội cố chấp
Sau-lơ định giáng chức và giết con trai của mình là Giô-na-than vì không giữ lời thề kém khôn ngoan của ông (1 Sa-mu-ên 14:24-46).
a. Lời thề kém khôn ngoan của Sau-lơ:
(1) Sau-lơ bắt quân lính của mình nhịn ăn trong khi sắp giáp mặt với kẻ thù.
(2) Giô-na-than, anh hùng của chiến trận không biết gì về mệnh lệnh thiếu sáng suốt của Sau-lơ, vì vậy Giô-na-than đã ăn một chút mật ong.
b. Lời thề kém khôn ngoan khiến Sau-lơ phạm tội:
(1) Sau khi thắng trận, quân lính bị mệt đuối lắm, bèn xông vào của cướp, bắt chiên, bò, bò con, giết đi trên đất, rồi ăn thịt lộn với huyết; họ đã không giữ luật pháp của Môi-se (xem Lê-vi Ký 3:17; 17: 10-14; Phục truyền luật lệ Ký 12:23,24).
(2) Khi biết Giô-na-than đã phạm lời thề, Sau-lơ, vị vua cố chấp ra lệnh xử tử Giô-na-than. Tuy nhiên, quân lính Y-sơ-ra-ên từ chối và Giô-na-than được giải cứu.
C. Tội ghen ghét, ganh tỵ
Sau-lơ vô cùng căm ghét Đa-vít
1. Gốc rễ của lòng ghen ghét, ganh tỵ
a. Bối cảnh: Suốt hai lần gặp gỡ đầu tiên, Sau-lơ rất mến Đa-vít.
(1) Lần gặp đầu tiên: Sau-lơ và Đa-vít – người ca hát (1 Sa-mu-ên 16:14-23)
– Sau-lơ bị ác thần quấy rối
– Tìm một người biết đánh đàn hạc, để làm khuây khỏa vị vua bị quấy rối.
– Khi Đa-vít đánh đàn, ác thần lìa khỏi Sau-lơ.
(2) Lần gặp thứ hai: Sau-lơ và Đa-vít – chiến sĩ (1 Sa-mu-ên 17:1-58)
– Sau-lơ và Gô-li-át: Trong trận chiến với quân Phi-li-tin, Y-sơ-ra-ên bị thách thức bởi tên Gô-li-át khổng lồ suốt 40 ngày để chọn một người chiến đấu với hắn. Cả Sau-lơ lẫn binh lính của ông không sẵn lòng ra trận.
– Sau-lơ và Đa-vít: Đa-vít thuyết phục Sau-lơ để mình chiến đấu với kẻ khổng lồ Gô-li-át. Vua Sau-lơ trao áo chiến của mình cho Đa-vít, nhưng Đa-vít từ chối. Chỉ bằng một trành ném đá, Đa-vít tiêu diệt Gô-li-át.
b. Lý do: Điều gì khiến tình yêu mến của Sau-lơ dành cho Đa-vít thành sự hận thù?Tham chiếu 1 Sa-mu-ên 18:6-9
Những tội lỗi của Sau-lơ dẫn đến kết thúc thảm bại. Vậy hậu quả của lòng hận thù mà Sau-lơ phải gánh chịu là gì? Kết thúc cuộc đời của Sau-lơ như thế nào? Những bài học chúng ta rút ra được từ cuộc đời của vị vua này là gì? Kính mời quý độc giả cùng đón đọc và học ở phần 3.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)
Sách tham khảo
Kinh Thánh tiếng Việt (BTT)
Cadman. Wm. C. Thánh Kinh Tự Điển. Quyển Thượng – Hạ. Nhà in Tin Lành Saigon, 1958.
Henry, Matthew. Matthew Henry’s Commentary on the whole Bible, Vol 1. Joshua to Esther. New York: Flemming H. Revell Company, 1921.
Keil, C.E & Delitzsch, F. Commentary on the Old Testament in Ten Volumes: Joshua, Judges, Ruth, I&II Samuel. Vol 2. Grand Rapids, MI: Wm B Eerdmans, 1982.
Klein, Ralph W. 1 Samuel. Word Biblical Commentary. Vol 10. Watts Waco, Texas: Word Books Publisher.
Marshall, I. Howard et all.,. Thánh Kinh tân tự điển. 3rd Ed. by Viện Thần Học Việt Nam. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2009.
Wiersbe, Warren.W. The Wiersbe Bible Commentary: Old Testament. David C. Cook U.K., Kingsway Communications, 2007.