Trong Kinh Thánh chỉ có hai sách mang tên của hai người nữ là Ru-tơ và Ê-xơ-tê, và sách Ru-tơ có một vị trí quan trọng trong lịch sử nhân loại. Đó là một câu chuyện tuyệt đẹp, một câu chuyện ngắn bao gồm 4 đoạn ngắn gọn, tập trung vào một số nhân vật chính và họ đã đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch kỳ diệu của Đức Chúa Trời để giải cứu nhân loại qua Đức Chúa Giê-xu Christ. Đây là câu chuyện về một người nữ ngoại bang đã trở thành một thành viên trong gia đình Y-sơ-ra-ên như thế nào? Chỉ với 85 câu Kinh Thánh đã bày tỏ cho thấy người nữ trẻ tuổi này đã theo đuổi Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên bởi đức tin và bởi ân điển Đức Chúa Trời đã đem bà ra khỏi tình trạng gian ác, tội lỗi.
1/ Chuyến đi từ Bết-lê-hem (Ru-tơ 1:1-5)
Sách Ru-tơ viết về câu chuyện của một người nữ trẻ tuổi đã có một cam kết kiên định bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời và đã hành trình đến Bết-lê-hem, nơi đó bà đã sanh ra một đứa trẻ đã thay đổi thế nhân. Thậm chí người nữ này không phải là người Giu-đa hay là người Y-sơ-ra-ên, người nữ này đến từ xứ Mô-áp, nhưng đã đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời và đã đến Bết-lê-hem, xứ Giu-đê như thế nào? Để trả lời những câu hỏi này chúng ta phải bắt đầu với câu chuyện của một nhân vật khác, câu chuyện về Na-ô-mi, và đó là chỗ sách Ru-tơ bắt đầu, Ru-tơ 1:1-2.
Sách Ru-tơ bắt đầu với một chuyến đi từ Bết-lê-hem, và Ru-tơ 1:1 cho biết câu chuyện đã xảy ra “Trong đời các quan xét, một cơn đói kém xảy đến trong xứ,”và câu cuối cùng trong sách Các Quan Xét cho biết hai điều quan trọng về những ngày đó, “Đang lúc đó, không có vua trong Y-sơ-ra-ên” và “ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải.” (Các Quan Xét 21:25). Đây là thời kỳ khi dân Y-sơ-ra-ên không vâng theo giới mạng, luật lệ của Đức Chúa Trời, vì vậy cơn đói kém này không phải là một sự tình cờ. Mọi sự việc ở trong kế hoạch của Đức Chúa Trời để đem dân Y-sơ-ra-ên trở về với Ngài. Na-ô-mi và gia đình của bà đã rời khỏi Bết-lê-hem để tránh cơn đói kém để đến xứ Mô-áp. Có khả năng, họ có một mục đích là sống ở đó trong một thời gian ngắn, nhưng mọi điều xảy ra như thế nào. Tại nơi đây, gia đình của bà Na-ô-mi đã sinh sống và xứ Mô-áp trở thành nơi ở mới của họ. Đáng buồn, mọi điều đã diễn ra không có điều gì là tốt cho Na-ô-mi trong xứ Mô-áp hơn là ở trong Bết-lê-hem (Ru-tơ 1:3-5).
Na-ô-mi đã rời khỏi Bết-lê-hem mong để thoát khỏi sự khó khăn, nhưng thay vào đó là sự mất mát người chồng và hai con trai của bà trong xứ Mô-áp. Vì vậy, sách Ru-tơ mở đầu với một loạt những sự mất mát đối với Na-ô-mi. Khi bà rời khỏi quê hương mình, Na-ô-mi mất mọi thứ trong chuyến đi của bà từ Bết-lê-hem. Đức Chúa Trời đã hành động trong đời sống của Na-ô-mi mặc dầu bà không thể hiểu điều đó lúc bấy giờ. Ngài đã ban điều tốt lành cho Na-ô-mi từ sự đau khổ bà trải qua và Ngài thực hiện điều đó qua một người nữ trẻ tuổi Mô-áp có tên là Ru-tơ.
2/ Bối cảnh thân phận của Ru-tơ
Ru-tơ là nhân vật chính của câu chuyện, là một người Mô-áp, bà không phải là người Y-sơ-ra-ên, cũng không phải là người Giu-đa. Bà đã sống trong xứ Mô-áp, nằm ở phía đông Y-sơ-ra-ên, ở bên kia Biển Chết trong vùng đồng vắng khô khăn cằn cỗi.
Mô-áp là dân thờ lạy các thần tượng, là dòng dõi của một người tên Mô-áp – là con trai được sinh ra từ một mối quan hệ loạn luân giữa Lót và con gái lớn của ông (Sáng thế Ký 19:30-38). Họ là một dân kiêu ngạo vì sự vô luật pháp, vô đạo đức và bạo lực tàn bạo của họ (Lê-vi Ký 18:24-25; Phục truyền Luật lệ Ký 9:4-5; Ê-sai 16:6; Thi Thiên 60:8).
Dân Mô-áp luôn tấn công và hà hiếp dân Y-sơ-ra-ên, và luôn tìm cách hủy hoại dân sự của Đức Chúa Trời, trong suốt thời kỳ lang thang trong đồng vắng được ghi lại trong Dân số Ký 22-25; Phục truyền Luật lệ Ký 23: 3-6. Thật vậy, đây là một dân đã chống nghịch Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài. Mô-áp đã bị rủa sả bởi Đức Chúa Trời, vì vậy Ru-tơ cũng ở dưới sự rủa sả đó, bởi vì họ đã từ chối Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống.
Ru-tơ được nói đến cách ngắn gọn trong Ru-tơ 1:4 là một người nữ đã kết hôn với một trong hai người con trai của Na-ô-mi trước khi họ qua đời. Trong phần tiếp theo của câu chuyện, cho thấy Ru-tơ có một cam kết kiên định bởi đức tin đã thay đổi mọi điều cho Na-ô-mi và thật sự thay đổi mọi điều cho thế nhân. Trong Ru-tơ 1:6, khi Na-ô-mi được biết cơn đói kém trong Y-sơ-ra-ên đã kết thúc, vì vậy bà chuẩn bị trở về quê hương Bết-lê-hem.
Trước tiên, hai người con dâu của bà, Ọt-ba và Ru-tơ, khởi đầu hành trình với bà lên đường trở về Bết-lê-hem. Nhưng đi được một quãng đường, Na-ô-mi bảo họ hãy trở về xứ Mô-áp, và có sự qua qua lại lại giữa hai người con dâu nói với bà, “Không chúng tôi sẽ đi với mẹ” và Na-ô-mi tiếp tục nói với họ, “Không, hãy trở về đi” cuối cùng chỉ có Ọt-ba trở lại xứ Mô-áp.
3/ Sự cam kết kiên định bởi đức tin Ru-tơ (Ru-tơ 1:7 -17)
Trong khi Ọt-ba trở lại với dân tộc và thần của mình, Ru-tơ vẫn tiếp tục, không chịu phân rẽ Na-ô-mi để đi theo về Bết-lê-hem. Na-ô-mi nói cùng Ru-tơ lần cuối trong c.15, “Nầy, chị con đã trở về quê hương và thần của nó, con hãy trở về theo nó đi.” Và đó là khi Ru-tơ có một sự cam kết kiên định bởi đức tin trong c.16-17, “Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ, vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó, mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ơ nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi. Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi. Mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!” Ru-tơ đã cam kết với Na-ô-mi và dân sự của Na-ô-mi, nhưng điều quan trọng nhất trong tất cả, chính Ru-tơ đã cam kết với Đức Chúa Trời của Na-ô-mi, cam kết với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.
Trong Tân Ước những người Tê-sa-lô-ni-ca nói như thế nào, “và thế nào đã trở lại cùng Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9b) và đó chính xác là điều Ru-tơ quyết định ở đây. Ru-tơ đã cắt đứt quan hệ với dân sự và thần tượng của bà, và chính bà đã cam kết bởi đức tin nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Như Ru-tơ, Cơ-Đốc nhân chúng ta cần là những người có một cam kết kiên định bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời.
4/ Cả thành đều cảm động, xôn xao (Ru-tơ 1:18-22)
Khi Na-ô-mi và Ru-tơ về đến Bết-lê-hem, cả thành đều cảm động, xôn xao. Dân sự trong thành không thể tin điều đó và tự hỏi, đây có phải thật sự là Na-ô-mi đã trở về lại sau nhiều năm đó chăng? Những người đàn bà đã la lên, “Ấy có phải Na-ô-mi chăng? Bà đáp: Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Đấng Toàn năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm.” Bà tiếp tục nói, “Tôi đi ra được đầy dẫy, nhưng Đức Giê-hô-va dắt tôi về tay không. Đức Giê-hô-va đã giáng họa cho tôi, và Đấng Toàn năng khiến tôi khốn khổ, vậy còn gọi tôi là Na-ô-mi làm chi?”
Na-ô-mi ở trong tình trạng đau buồn khi bà trở về Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, bà không biết Đức Chúa Trời đang hành động đem đến điều tốt lành từ tình trạng của bà. Ngài đang hành động mọi điều, Na-ô-mi không thể hiểu, tuy nhiên, điều tốt đẹp đã xảy ra trong c. 22, “Na-ô-mi và Ru-tơ, người Mô-áp, dâu của Na-ô-mi, từ ở xứ Mô-áp trở về là như vậy. Hai người đến Bết-lê-hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch.” Thật vậy, Đức Chúa Trời có kế hoạch cho bà Na-ô-mi và Ngài vẫn tiếp tục gọi tên bà. Nhằm đầu mùa gặt lúa mạch là một dấu hiệu về ân điển của Đức Chúa Trời và một khởi đầu mới. Sau đoạn mở đầu đầy tối tăm đó, là một tia sáng, và mọi điều thay đổi xảy đến với Ru-tơ và Na-ô-mi.
Câu chuyện của Ru-tơ bày tỏ cho chúng ta những mặc khải có ý nghĩa quan trọng và những bài học quý báu về sự cứu chuộc, về tình yêu thương, về ân điển và hy vọng:
(1) Mặc khải quan trọng thứ nhất, sách Ru-tơ bày tỏ sự chu cấp, giữ gìn của Đức Chúa Trời ban cho một Đấng cai trị dân sự của Ngài, (Sáng thế Ký 12:1-3; 17:6; 35:11; 49:10).
(2) Mặc khải quan trọng thứ hai, sách Ru-tơ mô tả đặc điểm nổi bật trong mỗi nhân vật có sự đáp ứng đức tin kiên định đối với Đức Chúa Trời là Đấng sử dụng họ để thực hiện ý muốn của Ngài.
(3) Mặc khải quan trọng thứ ba, sách Ru-tơ bày tỏ sự thành tín của Đức Chúa Trời ban sự bình yên cho dân sự Ngài, là mục đích của Chúa cho dân sự Ngài. (Khi Đức Chúa Trời ban luật pháp cho dân sự Ngài trên núi Si-nai, nuôi nấng và bảo vệ họ trong những năm tháng lang thang trong đồng vắng, đưa họ qua sông Giô-đanh để tiến vào Đất Hứa Ca-na-an (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:14; Phục truyền Luật lệ Ký 3:19-20; 12:8-11; 25:19; Giô-suê 1:13-15; 21 44; 22:4; 23:1).
(4) Mặc khải quan trọng thứ tư, sách Ru-tơ bày tỏ ân điển của Đức Chúa Trời ban sự cứu chuộc cho dân sự của Ngài bởi ban cho “người chuộc sản nghiệp”. Trước tiên, Ngài đã ban cho Bô-ô để chuộc Ru-tơ và Na-ô-mi. Qua Ru-tơ, Ngài đã ban cho Đa-vít giải cứu dân Y-sơ-ra-ên. Cuối cùng, qua Đa-vít, Ngài ban Đức Chúa Giê-xu Christ để cứu nhân loại. Chính Đức Chúa Trời đã thực hiện điều đó bởi tình yêu thương Ngài qua Cứu Chúa Giê-xu Christ, đây là ân điển.
Ru-tơ là người góa phụ không con cái, và là người nghèo nàn, Đức Chúa Trời đã sử dụng bà để hoàn thành mục đích của Ngài. Học từ quyết định quan trọng của Ru-tơ, Cơ-Đốc nhân chúng ta có quyết định như thế nào đối với Chúa Giê-xu? Trong Chúa Giê-xu, chúng ta trở nên mới và được tự do trong Ngài! Đức tin Cơ Đốc nhân chân thật là sự cam kết kiên định nơi Chúa (Ma-thi-ơ 16:24; Lu-ca 14:26-27, 33).
(Theo sự hỗ trợ từ Nữ Truyền đạo Lê Thị Lệ Hoà)