Phi-e-rơ là gương mẫu của một người lãnh đạo, căn cứ vào những lời nói và hành động của ông trong sách Tin Lành Giăng, sách Công vụ các sứ đồ, và thơ tín I & II Phi-e-rơ. Từ thời điểm diễn ra sự thay đổi quyết định của ông như một “người chăn chiên của Chúa Giê-xu” trong Giăng 21, đến sự phát triển của một người lãnh đạo mạnh mẽ trong sách Công vụ các sứ đồ, đến sự xuất hiện cuối cùng như một tôi tớ hạ mình khiêm nhường của Đức Chúa Giê-xu Christ trong thơ tín I Phi-e-rơ, ông thể hiện những tính cách của một người đầy tớ lãnh đạo. Xuyên suốt từ đầu đến cuối trong các sách Tin Lành, những cuộc nói chuyện giữa Phi-e-rơ với Chúa Giê-xu và các môn đồ phản chiếu ông là một người mạnh mẽ, bốc đồng, tự khẳng định, và vội vàng hứa nguyện khi chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa về những lời phán hay những kế hoạch của Chúa Giê-xu. Si-môn Phi-e-rơ thể hiện tính cách của một người lãnh đạo trực tính giữa những môn đồ, sẵn sàng hỏi lại Chúa Giê-xu về những hành động và sự dạy dỗ (Giăng 13:6). Mặc dầu vội vàng hứa nguyện trước những chỉ dạy của Chúa Giê-xu (Giăng 13:9), Si-môn Phi-e-rơ hay thay đổi cam kết của ông trong thời gian chịu khổ nạn của Chúa Giê-xu (Giăng 18:15, 25). Tuy nhiên, Phi-e-rơ được biến đổi từ một môn đồ bốc đồng, năng động, không kiên định, trở thành một người lãnh đạo trung thành của Hội Thánh (Giăng 21).
1/ Phi-e-rơ là ai?
Tên của ông là Si-môn, một tên rất phổ biến và bình thường, sau này Chúa đã đổi tên ông thành Phi-e-rơ. Ông được gọi là Si-môn, Si-môn Phi-e-rơ, và cũng được gọi là Phi-e-rơ, là con trai của Giô-na. Ông làm nghề đánh cá hay còn gọi là một ngư phủ, ông sống với người em trai của mình là Anh-rê trong một làng gọi là Bết-sai-đa. Sau đó họ di chuyển đến Ca-bê-na-um. Phi-e-rơ có lập gia đình. Chúa Giê-xu đã chữa lành cho bà gia của ông (Lu-ca 4). Có lẽ đời sống của Phi-e-rơ là câu chuyện cứu chuộc tuyệt vời nhất từng được ghi lại trong các sách Tin Lành Ma-thi-ơ 10, 16:21-33; Lu-ca 6:12-16; Giăng 6:66-69, Giăng 18:25-27, Giăng 21.
2/ Đặc điểm và sự trưởng thành của Phi-e-rơ?
Điểm thứ nhất, có 4 danh sách các môn đồ được ghi lại trong Tân Ước (xem Ma-thi-ơ 10, Mác 3, Lu-ca 6 và Công vụ các sứ đồ 1). Trong tất cả 4 danh sách đó, điều đáng chú ý là Phi-e-rơ luôn ở vị trí đầu tiên. Si-môn được gọi là Phi-e-rơ. Phi-e-rơ trong tiếng Hy-lạp Πἑτρος Petros, có nghĩa là “đá.” Chúa Giê-xu thấy trong Phi-e-rơ một bản tính chân thật và huấn luyện, trui rèn ông thành một người có đời sống như Chúa muốn. Phi-e-rơ – người đứng đầu danh sách, là người dẫn đầu các môn đồ còn lại.
Điểm thứ hai, trong cả 4 danh sách được ghi lại trong các sách Tin Lành thì có 3 nhóm. Nhóm 1: Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng. Nhóm 2: Phi-líp, Ba-thê-lê-my, Thô-ma và Ma-thi-ơ. Nhóm 3: Gia-cơ, con trai A-phê, Tha-đê, Si-môn gọi là Xê-lốt và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Tên của họ có thể thay đổi vị trí nhưng họ luôn ở cùng một nhóm, chỉ có người đứng đầu danh sách là không thay đổi. Điều này cho biết ngay cả trong từng nhóm đều có người lãnh đạo của nhóm. Nhóm 1 là những người đầu tiên được kêu gọi, gồm có: Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng và Anh-rê; họ là những người thân thiết với nhau nhất và cũng là những môn đồ thân cận, gần gũi, thân mật với Chúa Giê-xu. Họ là những anh em biết nhau và là những người đánh cá trong một nhóm. Điều này cho thấy rõ nhân tố quan trọng trong sự lãnh đạo, từ trong nhóm đó, Chúa Giê-xu đã dành nhiều thì giờ với Phi-e-rơ. Nhóm 1 gần gũi với Chúa Giê-xu nhiều nhất, đến nhóm 2, cuối cùng nhóm 3. Trong một ý nghĩa nào đó, mặc dầu chức năng hoạt động của họ là quan trọng, mục vụ của họ là tuyệt vời, dầu cho tính khí của họ khác nhau nhưng hầu hết những trước giả Kinh Thánh Tân Ước đều từ nhóm 1 và nhóm 2. Tất cả họ là những người đầu tiên được kêu gọi, là những người nòng cốt được Chúa Giê-xu sử dụng.
Phi-e-rơ là một người năng động, hay bốc đồng, nóng nảy, nhiệt thành sốt sắng, kiên trì quyết đoán, và không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Ngược với một người trong nhóm là Giăng, một người làm việc trong sự yên tịnh, trầm tĩnh, suy tư, một tấm lòng yêu thương, tựa vào ngực Chúa Giê-xu. Nhưng cả hai môn đồ này – Phi-e-rơ và Giăng – đều cùng làm việc với nhau. Trong 12 đoạn đầu của sách Công vụ các sứ đồ, Chúa Giê-xu đã đặt để Giăng cùng với Phi-e-rơ làm việc với nhau và có những bài học quý báu cho cả hai. Dầu có những sự khác nhau về thuộc linh, về tính khí, gia cảnh, nhưng tất cả những nhóm người này gắn kết nhau và Chúa Giê-xu sử dụng những người này cho công việc của Ngài. Như đất sét, Chúa là thợ gốm, Ngài uốn nắn họ thành những chiếc bình khác nhau, sử dụng vào những việc khác nhau, tùy theo ý muốn của Ngài (II Ti-mô-thê 2:20-21).
Phi-e-rơ là một người nổi bật, cũng trong 12 đoạn đầu sách Công vụ các sứ đồ xoay quanh Phi-e-rơ, là người giảng Tin Lành tại Lễ Ngũ tuần, làm phép lạ đầu tiên tại cửa đền thờ, đối diện với Hội đồng Tôn giáo Do Thái (Tòa Công luận). Ông là người lãnh đạo mạnh mẽ, can đảm. Chúa Giê-xu lập Phi-e-rơ thành người lãnh đạo. Ngày hôm nay, Chúa đang và sẽ lập nên những người lãnh đạo trong Hội Thánh của Ngài. Theo nguyên văn, trong cả 4 sách Tin Lành đều ghi lại về tính cách và chức vụ của Phi-e-rơ, ông đi nhiều nơi hơn so với những môn đồ khác; không có người nào thường hay nói như Phi-e-rơ và không có người nào bị Chúa Giê-xu quở trách như Phi-e-rơ; không có người nào cản trở Chúa Giê-xu như ông và không một người nào từng xưng nhận Chúa Giê-xu Christ là Con Đức Chúa Trời một cách mạnh mẽ và không người nào chối Chúa một cách thẳn thừng như Phi-e-rơ; không một người nào được khen ngợi và được ban phước như Phi-e-rơ… Tất cả những điều này hình thành nên một Phi-e-rơ được Chúa sử dụng là người lãnh đạo.
3/ Chúa Giê-xu sử dụng tính cách con người của Phi-e-rơ và lập một người lãnh đạo với những đặc điểm nào?
Ít nhất có 3 yếu tố:
Thứ nhất, người lãnh đạo là người chân thật ngay thẳng. Ông là người đặt ra nhiều câu hỏi hơn hết so với các môn đồ khác (xem Ma-thi-ơ 15:15, Ma-thi-ơ 18:21-22, Ma-thi-ơ 19, Mác 11, Giăng 21:21). Người lãnh đạo luôn tìm cách giải quyết, những giải pháp, và Chúa Giê-xu đã nhìn thấy điều đó trong Phi-e-rơ.
Thứ hai, người lãnh đạo luôn cần có những sáng kiến hay hành động nhằm giải quyết khó khăn nào đó. Khi được hỏi những câu hỏi từ Chúa Giê-xu, người thường trả lời trước nhất là Phi-e-rơ (Giăng 21).
Thứ ba, người lãnh đạo là người can đảm, sáng tạo mạnh mẽ luôn hành động trong công việc, giữa trận chiến. Phi-e-rơ luôn có mặt trong những chỗ đó. Phi-e-rơ bước ra khỏi thuyền đi bộ trên mặt biển. Sự kiện Chúa Giê-xu sống lại, người xuất hiện đầu tiên là Phi-e-rơ và Giăng.
Bài học: Phi-e-rơ từ một người chân thật, ngay thẳng, sẵn sàng thực hiện điều cần phải làm để ông trở nên một người Chúa muốn. Ngài cũng đã ban cho ông những từng trải, kinh nhiệm đúng đắn, thay đổi đời sống của ông, ban cho ông sự mặc khải thánh (Giăng 6) và ban thưởng lớn cho ông (Ma-thi-ơ 16:18). Ông được giao phó việc giảng Tin Lành cho những người Giu-đa và người Gờ-réc đầu tiên – Cọt-nây (Công vụ các sứ đồ 10). Từ sự chối Chúa rất nghiêm trọng (Ma-thi-ơ 26:33, 69) đến sự phục hồi (Giăng 21:15-19), cuối cùng Chúa lập Phi-e-rơ thành một người lãnh đạo với những bài học quý báu. Phi-e-rơ được dạy những nguyên tắc rõ ràng, những phẩm tính của một người lãnh đạo, đó là sự thuận phục (Ma-thi-ơ 17), tiết độ (Giăng 18), sự khiêm nhường (Giăng 21:19), có tình yêu thương (Giăng 13, Giăng 21) và có sự can đảm (Giăng 21). Phi-e-rơ đã học tất cả những bài học này (I Phi-e-rơ 2, 4:16, 4; Công vụ các sứ đồ 4).
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)