Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Na-a-man được chữa lành bệnh phung (Phần 1)

Giới thiệu: Việc Na-a-man, người bị bệnh phung được chữa lành, không chỉ là câu chuyện chữa lành khỏi một trong những căn bệnh khủng khiếp nhất trong thời kỳ cổ đại, mà còn là câu chuyện về sự cứu rỗi, minh họa sự giải cứu thuộc linh cho con người chỉ có được ở trong Đấng Christ và con người đến tiếp nhận sự cứu rỗi chỉ ở trong Đấng Christ. Na-a-man được chữa lành là một minh họa về những điều Đức Chúa Trời hành động qua chức vụ của Đức Chúa Giê-xu Christ và Hội Thánh của Ngài, cũng là minh họa kinh điển về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Ngài giơ tay ra với con người sống trong tối tăm và sử dụng những nỗi đau đớn của họ để kéo họ đến với chính Ngài, khi họ đáp ứng với ân điển cứu rỗi của Chúa trong sự ăn năn (Rô-ma 2:4).

1/ Na-a-man là ai?

Kinh Thánh trong 2 Các vua 5:1 cho biết Na-a-man là quan tổng binh của vua Sy-ri, một người có quyền trước mặt chủ mình, được tôn trọng lắm, bởi vì Đức Giê-hô-va dùng người giải cứu dân Sy-ri. Người này vốn mạnh mẽ và bạo dạn, song mắc căn bệnh phung. Trong câu chuyện này, chúng ta liên tưởng đến một tội nhân trước khi đến với Đức Chúa Trời.

Na-a-man trong ngôn ngữ Hy-bá-lai có nghĩa là “đẹp đẽ, vui mừng, dịu dàng, thân mật”, mang ý nghĩa “đầy nhân từ” hoặc “hình thái tốt”. Bởi ý nghĩa quan trọng của tên trong Kinh Thánh, nên chúng ta biết một đặc điểm nào đó về con người này. Tên của Na-a-man hàm ý rằng ông đẹp trai, ít nhất trước khi mắc bệnh phung. Hơn nữa, ý nghĩa tên cũng hàm ý Na-a-man là một người có lòng nhân từ và vui vẻ. Nhưng đáng buồn thay, tên của ông bị đảo ngược ngay sau đó, trở thành điều đáng xấu hổ, và gây ấn tượng với hình dạng bên ngoài và có thể cả tâm tính của ông bởi do căn bệnh đã tấn công cơ thể của ông. Điều này cho thấy hình ảnh đáng chú ý của con người đã từng được dựng nên cách đẹp đẽ về thuộc thể và thuộc linh trong ảnh tượng của Đức Chúa Trời trước khi tội lỗi gây thiệt hại trên cả thể xác và tâm tính của con người.

(1) Vị trí của Na-a-man: Na-a-man là một “quan tổng binh của vua Sy-ri,” là tướng của đạo quân Sy-ri, người nắm quyền kiểm soát thứ hai sau vua, và là người có vị trí và thẩm quyền rất lớn.

(2) Lòng yêu mến và uy tín của Na-a-man: “là một người có quyền trước mặt chủ mình, được tôn trọng lắm…”, cho thấy ông là người nổi tiếng, được mọi người yêu mến. Na-a-man là một anh hùng của dân tộc mình, như một tổng tư lệnh đã chiến thắng nhiều kẻ thù của dân Sy-ri. Theo luật quân đội, trên đầu của ông có thể là những vòng nguyệt quế chiến thắng và trên ngực của ông là những huy chương tôn trọng và dũng cảm. Nhưng theo quan điểm Kinh Thánh cũng như việc liên hệ đến sự chiến thắng và dũng cảm của ông, thì trong chương trình và quyền năng của Đức Chúa Trời, Na-a-man là một người được Chúa sử dụng, giống như Ngài đã sử dụng những Pha-ra-ôn và các vua A-si-ri, và Ba-by-lôn làm những công cụ để Chúa thực hiện mục đích và kế hoạch của Ngài.

(3) Nan đề của Na-a-man: bị bệnh phung. Trong Kinh Thánh, bệnh phung là hình ảnh của tội lỗi và tình trạng thuộc linh thật sự của một người không có ân điển cứu rỗi (sự chữa lành thuộc linh) trong Đức Chúa Giê-xu Christ. Dầu cho con người có thể nhìn thấy chúng ta hay chúng ta có thể nhìn thấy chính mình tốt đẹp như thế nào, nhưng trong con mắt thánh khiết của Đức Chúa Trời, về thuộc linh chúng ta bị bệnh phung, không có sự công bình của Đấng Christ. Điều này cho biết tình trạng thật của Na-a-man. Dầu con người nhìn hay nghĩ ông là người như thế nào, thì trong cái nhìn của Đức Chúa Trời thánh khiết, Na-a-man không có Chúa Giê-xu và chịu sự huỷ hoại của tội lỗi.

Nguyên tắc chúng ta cần hiểu đó là nhiều người ngày hôm nay đang bị huỷ hoại bởi bệnh phung kinh khiếp của tội lỗi. Một người có thể đạt được sự thành công, thịnh vượng, được tôn trọng và mạnh mẽ, nhưng họ hư mất về thuộc linh. Để nhận ra tình trạng hư mất của mình trước mặt Đức Chúa Trời, mong muốn thoát khỏi điều đó là những bước đầu tiên hướng đến sự cứu rỗi, và Na-a-man đã nhận ra điều này. Bệnh phung trong Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì về tội lỗi và ảnh hưởng của tội lỗi trong đời sống con người? Chúng ta có thể học điều gì từ câu chuyện này về tình trạng của một người sống trong tội lỗi và Đức Chúa Trời làm gì cho người này qua Chúa Giê-xu Christ để được chữa lành khỏi bệnh phung của tội lỗi? Chúng ta cần phải hiểu được bệnh phung trong Kinh Thánh cách ngắn gọn. Kinh Thánh cho biết về bệnh phung, sự cô lập, sự phân cách và sự làm sạch người bị bệnh phung như bức tranh của tội lỗi được mô tả trong Lê-vi ký 13-14.

2/ Ý nghĩa quan trọng của bệnh phung trong Kinh Thánh:

(1) Người bị bệnh phung được hiểu là người bị ô uế và phải cách ly khỏi xã hội trong một mức độ nào đó. Bất cứ nơi nào người đó đi đến, phải la lên: “ô uế, ô uế” và người đó phải mặc đồ đen, trùm mũ trên đầu, che mặt, và phải sống bên ngoài thành.

(2) Bất cứ khi nào Chúa Giê-xu chữa lành cho người bị bệnh phung, Ngài luôn tuyên bố cho người đó được sạch, không chỉ chữa lành thuộc thể, mà cả thuộc linh.

(3) Trong Kinh Thánh, bệnh phung thật là bệnh nan y của con người, như thể tội lỗi là căn bệnh nan y của con người, “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9). Cũng như Ê-sai 1:5, 6 cho biết: “Các ngươi sao còn cứ bạn nghịch, để lại bị đánh nữa? Đầu đều đau đớn cả, lòng đều mòn mỏi cả. Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, chẳng có chỗ nào lành: rặt những vết thương, vít sung cùng lằn mới, chưa rịt, chưa quấn, cũng chưa bôi dầu cho êm.” Con người không thể làm bất cứ điều gì để giải quyết tội lỗi của mình. Hơn nữa, tội lỗi của con người khiến họ xa cách với Đức Chúa Trời và thậm khí không thể có mối thông công gần gũi với người khác (xem I Cô-rinh-tô 5:9-13; II Cô-rinh-tô 6:14-7:1). Hình ảnh rõ nét khi Chúa chữa lành cho người bị bệnh phung, đó là quyền năng của Chúa làm sạch người bị bệnh phung chứng minh Ngài là giải pháp cho tội lỗi và sự ô uế của con người. Chỉ một mình Chúa là Đấng giải hòa con người với Đức Chúa Trời.

(4) Bệnh phung, giống như tội lỗi, bắt đầu từ bên trong chúng ta và rồi phát ra trên da (bên ngoài). Như vậy, điều đó nhắc nhớ chúng ta rất rõ ràng về nguyên tắc: mọi người đều là tội nhân và không chỉ là những việc làm xấu xa, nhưng con người bên trong là xấu xa. Vấn đề miệng nói và tay làm đều bởi do những điều xuất phát từ tấm lòng và tư tưởng bên trong (xem Lu-ca 6:43-45; Thi thiên 51:5; Thi thiên 58:3; Ma-thi-ơ 12:33-34; Ê-phê-sô 2:1).

(5) Bởi vì bản chất của căn bệnh, người bị bệnh phung thường bị xem là đã chết, nghĩa là chết thuộc linh mặc dầu thuộc thể vẫn sống. Vì vậy, con người không có Chúa Giê-xu thì không có gì khác hơn là chết thuộc linh, mặc dầu họ đang dở sống dở chết thuộc linh (Ê-phê-sô 2:1).

(6) Dù cho địa vị, danh tiếng, quyền lực, sự giàu có hay sự thịnh vượng của người đó như thế nào, bệnh phung cũng như tội lỗi không được người ta tôn trọng. Na-a-man là một người có vị trí và uy thế, nhưng ông cũng là người phung.

(7) Trong Y-sơ-ra-ên, theo Luật pháp, những người phung bị đuổi ra khỏi xã hội như hình ảnh của tội lỗi và ảnh hưởng của tội lỗi. Đức Chúa Trời đã sử dụng điều này để nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên về sự thánh khiết của Ngài. Làm sạch một người bệnh phung có nghĩa là phục hồi lại đời sống bình thường. Cuối cùng, bệnh phung của tội lỗi hủy hoại sự vui tươi và sự đẹp đẽ mà Đức Chúa Trời ban cho con người trong sự tạo dựng của Ngài. Tội lỗi làm chúng ta bị biến dạng, nhưng ở trong Đấng Christ chúng ta được dựng nên mới, và có thể được biến hóa trong sự vinh hiển giống như Ngài (xem II Cô-rinh-tô 5:17; Rô-ma 12:1-2; Ga-la-ti 4:19; II Các vua 5:14).

Na-a-man đã giữ một vị trí cao, có quyền trước mặt chủ mình và được tôn trọng lắm, nhưng có một nan đề rất lớn. Chúng ta cần hiểu Đức Chúa Trời thường sử dụng những thất bại của cá nhân của một người, bệnh tật và những nan đề của con người như một phương tiện để đạt đến cứu cánh của chính họ và đạt đến một sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Ngài (Thi Thiên 119:67, 71, 73). Đức Chúa Trời sử dụng những nan đề trong đời sống để đưa chúng ta đối diện với nan đề sâu hơn – nan đề của tội lỗi, để chúng ta cần đến sự tha thứ của Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi trong Đức Chúa Giê-xu Christ.

Na-a-man đã đi từ nan đề của ông đến giải pháp của Đức Chúa Trời, là điều xa hơn nhiều từ sự chữa lành bệnh phung của ông. Thật vậy, Na-a-man đã đến để nhận biết một Đức Chúa Trời chân thật. Vì vậy, II Các vua 5:2-15 cho biết Đức Chúa Trời đã hành động trong những cách khác nhau, qua dân sự đem Na-a-man đến với Chúa, để rồi ông xác nhận: “Bây giờ, tôi nhìn biết rằng trên khắp thế gian chẳng có chúa nào khác hơn Đức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên.”

3/ Những bài học quan trọng dành cho Cơ Đốc nhân từ câu chuyện này:

(1) Đức Chúa Trời luôn hành động để đưa con người đến với chính Ngài, dầu họ ở trong tình trạng tối tăm như thế nào.

(2) Đức Chúa Trời sử dụng bất cứ Cơ Đốc nhân tận tâm nào, dầu người đó có thể bình thường hay không quan trọng. Bởi vì Đức Chúa Trời quyền năng ở trong chúng ta, và điều này khiến chúng ta thấy mình có ý nghĩa quan trọng như những công cụ chiếu sáng của Chúa.

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn