Giô-sép là một trong những nhân vật đáng chú ý nhất trong Kinh Thánh. Giống như một nhân vật khác trong Kinh Thánh, Đa-ni-ên (người đã sống sau đó khoảng 1000 năm), là người đã bị bắt làm phu tù ở tuổi thiếu niên và đã sống giữa đất ngoại bang đa thần giáo. Như Đa-ni-ên, Giô-sép đã trải qua những thử thách của đời sống với “nguyên tắc đạo đức hoàn hảo”: ông là người “chính trực, chân thật và thẳng thắn.” Và như Đa-ni-ên, ông có một đức tin mạnh mẽ và khả năng giải nghĩa các điềm chiêm bao và những điều này hình thành lối sống của Giô-sép. Đức Chúa Trời đã sử dụng những thử nghiệm của đời sống để uốn nắn ông và chuẩn bị ông cho công tác quan trọng của Ngài. Có thể câu chuyện của Giô-sép đã khích lệ Đa-ni-ên khi ông đối diện với những thử thách của đời sống. Hy vọng rằng điều nầy dạy dỗ Cơ Đốc nhân chúng ta ngày nay qua đời sống của Giô-sép để bước đi trong sự chính trực và sống có kết quả.
1/ Bối cảnh gia đình của Giô-sép:
Cha của ông là Gia-cốp (được Đức Chúa Trời ban cho tên mới là Y-sơ-ra-ên), và mẹ của ông là Ra-chên, con gái của La-ban (Sáng 29:10).
* Các anh chị em của Giô-sép (Sáng 29-31)
(1) Các con trai của bà Lê-a: Ru-bên, Si-mê-ôn, Lê-vi và Giu-đa, Y-sa-ca, Xê-bu-lôn, và con gái Đi-na.
(2) Các con trai của bà Bi-la: Đan và Nép-ta-li.
(3) Các con trai của Xinh-ba: Gát và A-se.
(4) Các con trai của Ra-chên: Bên-gia-min
* Vợ và con cái của Giô-sép (Sáng 41:45, 50-52)
(1) Ách-nát, con gái của Phô-ti-phê-ra, thầy cả thành Ôn (một thành nằm phía đông nam của Cairo, cũng gọi là Heliopolis, “thành của mặt trời”, đây là trung tâm lớn thờ thần mặt trời, gọi là thần Ra)
(2) Ma-na-se, con trai đầu của ông.
(3) Ép-ra-im, con trai thứ hai của ông.
2/ Giô-sép đã làm gì?
(1) Ông là đứa con trai có tài năng: ở tuổi 17, chăn chiên với các anh mình, và ông trung tín, thuật lại với cha các chuyện xấu của họ nói (Sáng 37:2)
(2) Ông được yêu mến: cha của ông thương yêu, may cho ông một cái áo dài có nhiều sắc (Sáng 37: 3, 4). Chiếc áo choàng dài tận đến mắc cá chân, tay dài đến cổ tay, trang phục như của tầng lớp quý tộc. Chiếc áo choàng là “niềm vinh dự rất lớn” không phải là “cái áo dài nhiều màu sắc” như người ta nghĩ!
* Phản ứng của các anh như thế nào?
+ Các anh của ông ghen ghét ông.
+ Các anh của ông không có những lời nói tử tế với ông.
3/ Sự chính trực của đời sống Giô-sép (Sáng 37:2-4)
Một trong những điểm gây ấn tượng về Giô-sép khác với các anh của mình là sự chính trực của đời sống. Mỗi lần chúng ta đọc về Giô-sép, chúng ta thấy ông thích làm điều đúng/điều công bình. Điều này đã cho thấy Giô-sép khác với những người anh của ông. Sự chính trực, chân thật và mong muốn làm điều đúng trong cả đời sống đã khắc sâu trong đời sống của Giô-sép.
Sáng thế Ký 37: 2 cho chúng ta thấy rõ tấm lòng thánh khiết của Giô-sép. Công việc của Giô-sép là chăn chiên của cha mình với những người anh cùng cha khác mẹ, họ là những con trai của Bi-la và Xinh-ba. Chúng ta có thể nhớ Bi-la là người hầu gái của Ra-chên và Xinh-ba là người hầu gái của Lê-a. Cả hai người đàn bà này đã sanh cho Gia-cốp những người con qua những người vợ của ông, những con trai của Bi-la là Đan và Nép-ta-li, những con trai của Xinh-ba là Gát và A-se. Đây là lần đầu tiên Giô-sép được sai đi chăn chiên với những người anh của mình. Những gì Giô-sép đã thấy họ làm đã khiến ông bị sốc rất nặng. Có thể đây là hành động đầu tiên của Giô-sép phơi bày bản tính đồi bại của các người anh mình.
Những người anh của Giô-sép là những người đê tiện, vì họ đã làm nhiều điều gian ác như là phạm tội giết người (Sáng 34:25), ganh ghét (Sáng 37:4), ganh tỵ (Sáng 37:11), bán em mình làm nô lệ (Sáng 37:28), dối trá (Sáng 37:31-33) và trái đạo đức (Sáng 38:12-18).
Bất cứ điều gì những người anh Giô-sép đã làm, đã khiến cho Giô-sép bị sốc nhiều đến nỗi ông đến cùng cha mình và thuật lại mọi chuyện xấu các anh nói.Như vậy, sự việc nầy gây ra những xung đột giữa Giô-sép và những người anh của ông. Những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình có thể là mầm mống của rễ cay đắng trong lòng của những người anh và mưu đồ xấu xa nảy sinh từ đây. Thật ra, Giô-sép đã thuật lại cho cha mình một cách chính trực về những việc làm gian ác của các anh, chứ ông không có quyền hạn và trách nhiệm gì trên các anh của mình. Việc nầy và những sự việc theo sau trong phân đoạn Sáng thế Ký 37 nầy chứng minh rằng khi còn nhỏ, Giô-sép có trí khôn và sự sáng suốt cũng như đã được nuôi dạy thường xuyên về đường lối Chúa.
* Những bài học cho Cơ Đốc nhân ngày nay:
(1) Mỗi một Cơ Đốc nhân phải có lòng trong sạch, vì “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!” (Mat 5:10). Đức Chúa Trời chúng ta đang thờ phượng và phục vụ là một Đức Chúa Trời thánh khiết và Ngài mong muốn dân sự của Ngài là một dân thánh như được bày tỏ trong 1 Phi-e-rơ 1:16; 2 Cô-rinh-tô 6:17. Ngài muốn chúng ta tránh xa những điều ưa thích của thế gian và những việc làm gian ác. Ngài muốn chúng ta sống khác biệt với người thế gian. Chúng ta phải khác với người thế gian trong lối sống từ lời ăn tiếng nói, việc làm và hành động. Sự trong sạch phải là một dấu hiệu phân biệt đặc trưng của đời sống Cơ Đốc nhân.
(2) Cơ Đốc nhân chúng ta phải luôn cố gắng làm điều đúng trong mọi tình huống bởi quyền năng của Chúa. Đời sống của chúng ta phải được bày tỏ bởi sự chính trực, sự ngay thẳng. Nhưng có nhiều người sẵn sàng làm điều sai trái, đặc biệt nếu điều đó làm cho đời sống của họ dễ dàng hơn, nhưng Cơ Đốc nhân phải luôn luôn làm điều đúng mặc dầu phải trả giá. Thật dễ dàng cho Giô-sép nếu ông che đậy những điều xấu các anh của ông đã làm. Sẽ dễ dàng hơn cho Giô-sép nếu ông liên kết với các anh trong tội lỗi của họ. Nhưng, Giô-sép đã quyết định làm điều đúng, mặc dầu ông phải trả giá mọi điều.
Con người thường có suy nghĩ rằng “một lời nói dối nhỏ” để cho đời sống của họ được an toàn. Đừng làm điều đó! Hãy nói sự thật! Lừa dối một chút và sẽ khiến con người cảm thấy dễ dàng hơn. Nhưng là con cái của Chúa, chúng ta hãy luôn luôn chính trực trong mọi cách cư xử của mình. Thật dễ khi chúng ta làm đẹp lòng người ta mà không theo ý muốn của Chúa trong trường học và nơi làm việc, để thích hợp với đám đông. Đừng làm điều đó! Hãy làm điều đúng bất cứ giá nào! (Ê-phê-sô 6:5-9).
(3) Một bài học khác phải học là Cơ Đốc nhân đừng bao giờ phạm vào tội phao vu, hay thèo lẻo (Lê-vi-ký 19:16; Châm ngôn 26:20-22). Nếu ở đây có điều gì đó cần phải nói, chắc chắn chúng ta nói với đúng người. Gia-cốp có quyền biết về những việc các người anh của Giô-sép làm, vì vậy Giô-sép đã thuật lại cho một mình Gia-cốp! Thuật lại cho cha mình với mong muốn ngăn cản việc gian ác. Một người phao vu hay thèo lẻo luôn luôn nói sai cho người khác. Họ không cố gắng ngăn cản điều gian ác, nhưng chỉ muốn lan truyền ra! Vì vậy, khi Cơ Đốc nhân phải nói một điều gì đó, hãy luôn nói sự thật, lời thật. Giô-sép đã nói những điều các anh đã làm, không thêm bớt sự việc. Những người phao vu hay thèo lẻo thích thêm vào hoặc bớt đi những chi tiết để phù hợp với việc làm của họ.
(Theo sự hỗ trợ từ NTĐ. Lê Thị Lệ Hoà)