Trong những ngày đầu tiên, Giô-sa-phát là vị vua Giu-đa đã “tìm cầu Đức Chúa Trời của tổ phụ mình (vua A-sa), giữ theo các điều răn của Ngài, và không làm như Y-sơ-ra-ên” (2 Sử Ký 17:4), và “vững lòng theo các đường lối của Đức Giê-hô-va” (2 Sử Ký 17:6). Ông đã sống trong thời kỳ luôn có sự xung đột với vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên. Trong những năm sau đó, hầu hết những quyết định sai lầm của ông là việc hòa giải với vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên. Trong phần 2 này, chúng ta có thể học sự thất bại của Giô-sa-phát. Lúc này, vương quốc phía bắc sống trong bóng tối bởi vì dân sự lúc đó đã ở dưới sự cai trị của A-háp là vị vua không vâng lời luật pháp của Đức Chúa Trời và phạm tội nghịch cùng Ngài. Vương quốc phía nam bước đi trong sự sáng bởi do Giô-sa-phát lãnh đạo dân sự vâng lời luật pháp của Đức Chúa Trời.
Giô-sa-phát đã hành động cách sai lầm như thế nào? Trước đó, Giô-sa-phát không có liên hệ gì với A-háp cho đến khi ông có một quyết định không khôn ngoan. Đó là lúc Giô-sa-phát bắt đầu kết sui gia cùng A-háp, một tình bạn rất nguy hiểm với vị vua gian ác khi cho phép con trai mình là Giô-ram kết hôn cùng A-tha-li, con gái của A-háp và Giê-sa-bên (tham chiếu 2 Sử Ký 18:1; 21:5-6).
- Hãy đọc 2 Sử ký 18:3-4. Qua sự kết sui gia này Giô-sa-phát đã có một mối liên hệ với vị vua gian ác A-háp, và ông ta đã nói gì với Giô-sa-phát? A-háp muốn Giô-sa-phát liên kết với đạo quân của ông và đi lên chinh chiến chống kẻ thù của mình trong Ra-mốt tại Ga-la-át. Giô-sa-phát đã không khôn ngoan khi đồng ý với lời đề nghị của A-háp. Có phải Giô-sa-phát thật sự như A-háp và có phải dân sự của ông như dân sự của A-háp không? (Tôi cũng như vua, dân sự tôi cũng như dân sự vua, tôi sẽ cùng vua đi chinh chiến). Đáng lý ra, khi nói với A-háp về quyết định của mình, Giô-sa-phát nên khuyên A-háp phải tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời cho cuộc chiến này.
- Hãy đọc 2 Sử ký 18:5-27. A-háp cho gọi bốn trăm người có liên hệ với sự thờ phượng gớm ghiếc do Giê-rô-bô-am, vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên, lập ra để hỏi ý kiến của họ. Chúng ta nghĩ gì về các tiên tri của A-háp? Đó là các tiên tri giả – chính A-háp không vâng lời Ê-li, tiên tri của Đức Chúa Trời. Tất cả những tiên tri của A-háp đã trả lời: “Hãy đi lên, Đức Chúa Trời sẽ phó nó vào tay vua,” là điều A-háp muốn nghe. Giô-sa-phát có thể biết ngay rằng đây không phải là những tiên tri thật. Vì vậy, Giô-sa-phát thắc mắc liệu có tiên tri nào của Đức Giê-hô-va ở đây có thể chỉ dẫn họ không.
- Hãy đọc trong 2 Sử ký 18:7. Chúng ta thấy sự gian ác và sự bội nghịch của A-háp đối với Đức Chúa Trời trong thái độ của ông đối với các tiên tri của Ngài. A-háp ghét Mi-chê, con trai của Giêm-la, bởi vì Mi-chê không bao giờ nói bất cứ điều gì tốt đẹp về ông.
Suy gẫm: Tội lỗi thường làm cho chúng ta cứng lòng. Khi cho phép một tội nhỏ nào, chúng ta không còn muốn nghe lẽ thật của Đức Chúa Trời nữa, nhưng chỉ muốn nghe những điều lành mình muốn và rồi không cần tránh xa tội lỗi (tham chiếu 2 Ti-mô-thê 4:3-4). Mặc dầu nghe lẽ thật của Đức Chúa Trời, nhưng điều nầy không giúp chúng ta thoát khỏi sự hình phạt đau đớn do tội lỗi chúng ta đã phạm.
- Ở đây, Giô-sa-phát nhạy bén, mềm mại đối với Lời của Đức Chúa Trời bởi vì ông muốn làm đẹp lòng Chúa mặc dầu ông đã có quyết định đầy nguy hiểm khi liên kết với A-háp. Dù vậy, cuối cùng Giô-sa-phát cũng không vâng theo Lời Chúa y như A-háp. Như vậy, đối với Giô-sa-phát duy trì liên minh với A-háp quan trọng hơn là vâng lời Chúa.
- Thông qua Mi-chê, Chúa muốn cảnh báo A-háp rằng ông không nên tấn công và cũng không nên tin lời nói dối của các tiên tri nói dối.
- Hãy đọc 2 Sử ký 18:28-34. A-háp không phải người bạn thật với Giô-sa-phát. Mặc dầu đã nghe sự thật, ông vẫn lập mưu cùng Giô-sa-phát tấn công Ra-mốt Ga-la-át. Đáng lý ra, ông phải tin những lời Mi-chê, tiên tri của Đức Chúa Trời đã nói. Thế nhưng, ông đã quyết định cải trang khi lâm trận, và nghĩ rằng nếu ông cải trang, ông sẽ không thể bị giết; và thay vào đó, A-háp đã bảo Giô-sa-phát mặc chiếc áo xống vua đi ra trận hòng dễ bị giết. Khi A-háp đã bảo Giô-sa-phát làm như vậy, có phải A-háp là đang quan tâm cho sự an toàn của Giô-sa-phát? Đây là mối liên hệ đầy nguy hiểm mà Giô-sa-phát không khôn ngoan đã vướng vào.
Suy gẫm: Chúng ta nhớ khi từ chối lẽ thật của Đức Chúa Trời thì chúng ta dễ dàng nghe những lời nói dối của Sa-tan. Nó là cha của mọi lời dối trá và mục đích của nó là hủy diệt sự sống (tham chiếu Giăng 8:44)
- Hãy đọc 2 Sử ký 18:30-34, Giô-sa-phát đã có những quyết định không khôn ngoan và ở trong tình huống rất nguy hiểm. Khi bị các quan cai xe của vua Sy-ri áp đánh, Giô-sa-phát kêu lớn tiếng, Chúa đã tiếp cứu và Ngài đã giải cứu ông khỏi vua Sy-ri.
- Trong khi A-háp đã nghĩ rằng ông có thể tránh khỏi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời bởi sự cải trang. Đức Chúa Trời nhìn thấy mọi điều và không ai có thể trốn khỏi mặt Chúa (Hê-bơ-rơ 4:13). Cái chết của A-háp dường như có thể là ‘ngẫu nhiên’ nhưng đối với Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng cao cả không có điều gì tình cờ hay ngẫu nhiên. Ngài đã điều hướng mũi tên đó tấn công vào A-háp xuyên qua chiếc áo giáp không thể bảo vệ ông. A-háp đã chết và không chiến thắng trong cuộc chiến này như Mi-chê đã cảnh báo.
- Đức Chúa Trời yêu thương Giô-sa-phát và như người cha yêu thương kỷ luật con cái của mình. Ngài ban một sứ điệp quở trách Giô-sa-phát, đó là thông điệp của Chúa cho Giô-sa-phát trong 2 Sử ký 19:1-4. Chúa biết điều nguy hiểm cho Giô-sa-phát khi ông liên kết với các lực lượng của vị vua gian ác A-háp. Ngài đã quở trách Giô-sa-phát, và đã phán những lời cảnh báo Giô-sa-phát đừng có quyết định không khôn ngoan nữa.
Suy gẫm: Thỉnh thoảng, Cơ Đốc nhân chúng ta cũng có những quyết định không khôn ngoan và điều đó đưa chúng ta vào những tình huống rất nguy hiểm. Đức Chúa Trời nhìn thấy mọi điều chúng ta nói và làm, chúng ta có thể kêu cầu Ngài ngay trong những khi chúng ta không có lựa chọn khôn ngoan!
- Đức Chúa Trời đã ban cho Cơ Đốc nhân chúng ta Lời của Ngài để bảo vệ đời sống của chúng ta. Chúa biết chúng ta sống trong thế giới đầy tội lỗi và sự tối tăm. Bởi đi theo Ngài và không liên kết với những quyền lực của thế gian, chúng ta sẽ được bảo vệ, không bị xa cách với Đức Chúa Trời.
- Vì vậy, khi ở trong Lời của Chúa mỗi ngày, cầu nguyện và chính mình có mối liên hệ mật thiết với Chúa, chúng ta có thể chiếu sự sáng của Chúa cho những người chưa được cứu. Qua đời sống trong sạch của Cơ Đốc nhân, những người khác sẽ nhìn thấy Chúa Jêsus và muốn biết về Ngài hơn.
- Nếu sống như A-háp, là người đầy tội lỗi và không xoay hướng với tội lỗi để trở về cùng Đức Chúa Trời, chúng ta phải gánh chịu hình phạt cho tội lỗi của mình. Có thể chúng ta không cảm thấy mình gian ác như A-háp, nhưng tiền công của tội lỗi là sự chết (Rô-ma 6:23). Hình phạt cho tội lỗi của chúng ta là xa cách Đức Chúa Trời đời đời. Tuy nhiên, chúng ta không phải chịu hình phạt này bởi vì Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời đã chịu chết trên Thập Tự Giá, được chôn và đến ngày thứ ba Ngài đã sống lại vì tội lỗi của chúng ta. Bất cứ ai tin nhận Chúa Jêsus, thì được Ngài tha thứ tội lỗi. Bởi vì Chúa Jêsus đã chịu chết thay cho chúng ta trên Thập Tự Giá, Đức Chúa Trời xưng công bình cho chúng ta, làm sạch mọi tội lỗi của chúng ta bởi huyết của Ngài khi chúng ta tin nhận Ngài.
Chúa đang cảnh báo điều gì mà chúng ta không làm? Nếu chúng ta có những quyết định không khôn ngoan, ngay hôm nay chúng ta có thể xoay hướng khỏi những điều sai trật bởi sự cứu giúp của Chúa Thánh Linh và có những quyết định khôn ngoan làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nếu những ai chưa phải là Cơ Đốc nhân, thì Chúa Jêsus đang kêu gọi quý vị đến với Ngài, ăn năn xưng nhận tội lỗi của mình để nhận được sự tha thứ tội lỗi và ơn cứu rỗi từ nơi chính Ngài.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)