Giô-sa-phát là vị vua đã “tìm cầu Đức Chúa Trời của tổ phụ mình (vua A-sa), giữ theo các điều răn của Ngài, và không làm như Y-sơ-ra-ên” (2 Sử ký 17:4), và “vững lòng theo các đường lối của Đức Giê-hô-va” (2 Sử ký 17:6) trong những ngày đầu tiên của đời sống. Ông đã sống trong thời kỳ có sự xung đột liên tục với vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên. Trong những năm sau đó, hầu hết những quyết định sai lầm của ông là việc hòa giải với vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên. Ông không thấy được sự ly giáo sâu sắc giữa vương quốc của ông – đi theo Đức Chúa Trời, và vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên – đã chìm ngập trong sự sùng bái thần tượng: hầu hết những gì Giô-sa-phát hiểu đó là cả hai vương quốc có cùng một nguồn gốc và ông đã ao ước nhìn thấy họ giải hòa trong tình bằng hữu, ban giao. Tuy nhiên, thái độ này làm Đức Chúa Trời nổi giận trên ông. Trong phần 1 này, chúng ta có thể học những điểm mạnh của Giô-sa-phát.
1/ Giô-sa-phát là ai?
(1) Giô-sa-phát là người Giu-đa, trong vương quốc Giu-đa, ông thuộc dòng dõi vua Đa-vít – là người kế vị Đa-vít, Sa-lô-môn, Rô-bô-am, A-bi-gia, A-sa (Ma-thi-ơ 1:6-8).
(2) Cha của ông – vua A-sa – là người đã cai trị trên Giu-đa 46 năm và làm điều thiện, ngay thẳng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời:
- A-sa đã ra lệnh cho dân sự tìm kiếm Đức Chúa Trời, đã cất bỏ các bàn thờ của thần ngoại bang và những nơi cao, đập bể các trụ thờ, đánh đổ những tượng thần, khuyên Giu-đa phải tìm cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời, làm theo luật pháp và điều răn của Ngài.
- A-sa cũng trừ bỏ những nơi cao và trụ thờ mặt trời khỏi các thành của Giu-đa.
- A-sa cho xây những thành bền vững trong đất Giu-đa. Ngài đã ban cho họ bình an bốn phía (2 Sử ký 14-16).
(3) Mẹ của Giô-sa-phát là A-xu-ba, con gái của Si-li (2 Sử ký 20:31). Bà đã kết hôn với A-sa, và cùng với A-sa đã dạy dỗ Giô-sa-phát “làm điều ngay thẳng trước mặt Đức Giê-hô-va” (2 Sử ký 20:31-32; 1 Các vua 22:42).
(4) Giô-sa-phát lên ngôi vua nước Giu-đa ở tuổi 35 và cai trị 25 năm tại Giê-ru-sa-lem. Ông là vị vua thứ 6, thuộc vương quốc Giu-đa và là vị vua thứ 4 sau khi đất nước Y-sơ-ra-ên bị phân chia thành vương quốc Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Sự cai trị của Giô-sa-phát cùng thời với triều đại các vua trong vương quốc Y-sơ-ra-ên: vua Ôm-ri, A-háp, A-cha-xia và Giô-ram (triều đại này đã kết thúc với cái chết của Giô-ram dưới tay vua Giê-hu, 2 Các vua 9-10). Các tiên tri Ê-li và Ê-li-sê thi hành chức vụ trong suốt thời kỳ cai trị của ông.
2/ Giô-sa-phát đã làm những điều gì?
(1) Giô-sa-phát đã hành động cách khôn ngoan:
- Ông làm cho nước mình ra mạnh, đặt những cơ binh nơi các thành bền vững của Giu-đa, lập đồn trong xứ Giu-đa và trong thành Ép-ra-im (2 Sử ký 17:1-2).
- Ông xây cất trong xứ Giu-đa những đền đài và thành kho tàng, nhiều công việc trong Giu-đa và tại Giê-ru-sa-lem có những lính chiến mạnh dạn (2 Sử ký 17:12- 13).
- Ông đã tập hợp một đạo quân 116.000 người mạnh dạn (2 Sử ký 17:14-19).
- Ông đã đi theo đường lối đầu tiên của Đa-vít, tổ phụ mình, không tìm cầu Ba-anh.
- Ông đã tìm cầu Đức Chúa Trời của tổ phụ mình, giữ theo các điều răn của Ngài (2 Sử ký 17:3-4).
- Ông vững lòng theo các đường lối của Đức Giê-hô-va, phá dỡ các nơi cao và những thần tượng A-sê-ra khỏi Giu-đa (2 Sử ký 17:6).
- Ông sai 5 tôi tớ cùng đi với 9 người Lê-vi và 2 thầy tế lễ đem theo họ sách luật pháp của Đức Giê-hô-va, đi vòng các thành xứ Giu-đa dạy dỗ dân sự (2 Sử ký 17:7-9).
- Ông lập quan xét trong khắp cả nước để xét đoán dân sự trong xứ (2 Sử ký 19:5).
- Ông đi ra tuần soát dân sự, từ Bê-e-sê-ba cho đến núi Ép-ra-im, dẫn dắt dân sự trở về cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời (2 Sử ký 19:4).
- Ông đã trừ diệt những bợm vĩ gian còn lại trong xứ từ đời A-sa, cha mình (1 Các vua 22:47).
(2) Giô-sa-phát đã vui hưởng những kết quả công bình:
- Đức Giê-hô-va ở cùng và khiến nước vững chắc trong tay vua Giô-sa-phát (2 Sử ký 17:5).
- Giu-đa có sự hòa bình với các nước xung quanh bởi vì sự kính sợ Chúa ở trên họ (2 Sử ký 17:10). Như Châm ngôn 16:7 cho biết, “Khi tánh hạnh của người nào đẹp lòng Đức Giê-hô-va, thì Ngài cũng khiến các thù nghịch người ở hòa thuận với người.”
- Giô-sa-phát đã thịnh vượng, càng ngày càng cường đại, có dân Phi-li-tin và người A-rạp đã đem những vật triều cống dâng cho Giô-sa-phát (2 Sử ký 17:11): dân Phi-li-tin dâng những lễ vật và bạc cống thuế; dân A-rạp đã đem 7.700 con chiên đực và 7.700 con dê đực.
- Giô-sa-phát được nhiều của cải và sự vinh hiển (2 Sử ký 18:1).
- Dân Giu-đa được giải cứu cách kỳ diệu khỏi sự vây hãm bởi dân Mô-áp, dân Am-môn và dân Mao-nít (2 Sử ký 20:1-28):
- Một đám quân rất đông, kể cả những gia đình, đã xâm chiếm đất Giu-đa để diệt trừ người Giu-đa (2 Sử ký 20:1-2).
- Giô-sa-phát và dân Giu-đa đã hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời, kiêng ăn và tìm cầu sự giải cứu từ Chúa (2 Sử ký 20:1-13).
- Đức Chúa Trời đã hứa rằng: “vì trận giặc này chẳng phải của các ngươi đâu, bèn là của Đức Chúa Trời.” (2 Sử ký 20: 14-17).
- Hết thảy người Giu-đa và người thành Giê-ru-sa-lem cùng Giô-sa-phát trở về Giê-ru-sa-lem cách vui vẻ, vì quân thù nghịch bị đánh bại. Họ gảy đàn cầm, đàn sắt và thổi sáo trở về Giê-ru-sa-lem, đến đền của Đức Giê-hô-va. Các nước thiên hạ lấy làm kinh hãi Đức Chúa Trời. Nước của Giô-sa-phát được hòa bình, Giô-sa-phát được an nghỉ bốn bên. (2 Sứ ký 20:27-30).
- Một người can đảm và trung tín của Chúa, Giô-sa-phát đã hỏi ý kiến từ các tiên tri của Đức Chúa Trời trước khi có những quyết định và đã tin Đức Chúa Trời ban cho sự chiến thắng. Một người lãnh đạo quân sự chiến thắng, ông được vinh hiển và thịnh vượng từ vật triều cống.
3/ Cơ-Đốc nhân có thể học được gì từ Giô-sa-phát?
- Vâng theo các mạng lịnh của Đức Chúa Trời là cách khôn ngoan để sống.
- Không có sự cứu giúp của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể làm điều gì đáng giá.
- Kiên định tin cậy Đức Chúa Trời là cách duy nhất để thành công trong đời sống.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)