Theo Chúa là một hành trình có bước khởi đầu và điểm kết thúc. Khởi đầu là lúc chúng ta tin nhận Chúa. Đây là bước phải có để đặt mình vào mối liên hệ cá nhân với Chúa. Nhưng quan trọng hơn hết là có trung tín với Chúa đến cuối cuộc đời hay không. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta “Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống” (Khải huyền 2:10). Nếu khởi đầu tốt, yêu mến Chúa, sốt sắng hầu việc Chúa nhưng bỏ giữa chừng thì cũng hư mất như người không tin. Điều này đã được thể hiện rõ nơi cuộc đời của vua Giô-ách.
Giô-ách là vị vua thứ bảy của vương quốc Giu-đa. Vua cai trị 40 năm tại Giê-ru-sa-lem. Cuộc đời và sự trị vì của vua được ký thuật trong II Các vua 11-12; II Sử Ký 22:10-24:27. Giô-ách là con trai của vua A-cha-xia và mẹ ông tên là Xi-bia (II Các vua 11:2; II Sử ký 22:11; 24:1). Giô-ách chào đời không bao lâu thì cha ông qua đời. Bấy giờ, tính mạng của Giô-ách bị đe dọa vì A-tha-li, mẹ của vua A-cha-xia chỗi dậy giết hết thảy dòng vua. Tuy nhiên, Giô-ách đã được Giô-sê-ba (Giô-sa-bát), chị (em) của vua A-cha-xia và là vợ của thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa đem giấu khỏi sự truy sát của A-tha-li. Từ đó, Giô-ách sống ẩn dật với Giô-sê-ba tại nơi đền thờ của Đức Giê-hô-va trong sáu năm (II Các vua 11:1-3; II Sử ký 22:10-12).
Đến năm thứ bảy, thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa đã tập hợp quan quân trong đền thờ để công bố Giô-ách, con trai của vua A-cha-xia sẽ cai trị theo lời Đức Giê-hô-va đã phán về con cháu Đa-vít cho họ (II Các vua 11:4; II Sử ký 23:1-3). Từ đó theo sự sắp đặt của Giê-hô-gia-đa, họ đã giết A-tha-li và tung hô Giô-ách là vua khi Giô-ách mới được bảy tuổi (II Các vua 11:4-12,16,20,21; II Sử ký 23:11-15). Vì Giô-ách còn nhỏ nên mọi sự cai trị được thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa chỉ dẫn. Giê-hô-gia-đa vốn là người kính sợ Chúa (II Các vua 12:2) nên bấy giờ cả dân sự đi trong đường lối tin kính Chúa, dẹp bỏ tà thần và mọi điều bất khiết trước mặt Chúa (II Các vua 11:17-18; II Sử ký 23:6,16-19)
Trọn lúc được thầy tế lễ Giô-hô-gia-đa dạy dỗ, Giô-ách luôn nghe theo nên đi trong con đường thiện lành trước mặt Đức Giê-hô-va (II Các vua 12:2; II Sử ký 24:2). Vua bày tỏ lòng yêu mến Chúa qua việc truyền sửa lại những nơi hư nứt trong đền thờ Đức Giê-hô-va bởi A-tha-li phá hủy trong thời gian chiếm ngôi vua (II Các vua 12:4-16; II Sử ký 24:4-14). Vua Giô-ách đã đốc thúc người Lê-vi nhanh chóng sửa lại và bởi sự đóng góp của toàn thể dân sự nên đền của Đức Giê-hô-va được tu bổ như cũ và làm cho vững chắc (II Sử 24:5,10,13).
Tuy nhiên, sau khi thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa qua đời, vua Giô-ách lại đi trong con đường gian ác. Vua nghe theo lời xúi giục của các quan trưởng Giu-đa mà lìa bỏ Chúa, đi thờ lạy và phục sự A-sê-ra cùng các hình tượng hư không (II Sử ký 24:17-19). Chúa nhân từ sai các đấng tiên tri đến nhắc nhở cảnh báo nhưng cả vua và dân đều không chịu nghe. Không những thế, khi Chúa cảm động Xa-cha-ri, con thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa đứng dậy để cảnh cáo vua và dân sự về việc lìa bỏ Chúa thì vua đã sai người ném đá Xa-cha-ri chết ngay trong hành lang đền thờ Đức Giê-hô-va (II Sử ký 24:19-22). Bởi cớ đó, cơn giận Chúa nổi lên cùng vua Giô-ách. Chúa dùng quân Sy-ri hãm đánh vua Giô-ách và giết các quan trưởng Giu-đa (II Sử ký 24:23-25). Quan quân thì bị giết, còn vua Giô-ách thì bị đau nặng. Cuối cùng, vua bị chính các tôi tớ mình mưu phản và giết chết tại trên giường bệnh. Vua được chôn trong thành Đa-vít nhưng không phải trong mồ các vua (II Các vua 12:20, II Sử ký 24:25).
Như vậy, vua Giô-ách có một khởi đầu phước hạnh với Chúa nhưng kết thúc thật bi thảm bởi sự lựa chọn sai lầm và sự cứng lòng của mình. Vua vốn là người tin kính Chúa nhưng đã không giữ trọn tấm lòng với Chúa cho đến cuối cùng. Vua nghe theo lời xúi giục của những kẻ bất kính mà bịt tai trước những lời nhắc nhở của Chúa nên chuốc lấy hình phạt kinh khiếp cho mình.
Đây là bài học cảnh tỉnh cho mỗi đời sống chúng ta trên bước đường theo Chúa. Có thể lúc này chúng ta đang mạnh mẽ, nhiệt huyết, sốt sắng trong sự phục vụ Chúa. Tuy nhiên, đức tin đó phải được giữ cho đến cuối cùng. Kẻ chống nghịch Chúa sẽ luôn tìm cách để quyến dụ chúng ta rời bỏ con đường tin kính. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng đã nói rằng “kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8). Ma quỷ không sẽ bao giờ buông tha cho chúng ta. Nó sẽ dùng mọi cách để phá đổ đức tin chúng ta như đã làm đối với vua Giô-ách và nhiều người khác. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ sự thất bại của vua Giô-ách, chúng ta cần phải:
1. Mỗi ngày xin Chúa ban sự khôn ngoan để nhận ra đâu là cạm bẫy của ma quỷ và tránh đi
Như Lời Chúa dạy “Bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi”(I Tê-sa-lô-ni-ca 5:22). Dứt khoát với những điều sai trật, kiên định theo Lời Chúa dạy.
2. Hạ mình sửa đổi trước sự nhắc nhở của Lời Chúa mỗi khi phạm tội
Phạm tội mà không ăn năn thì càng lún sâu trong con đường tội lỗi và đến chỗ hư mất. Đó là điều mà ma quỷ muốn thấy nơi chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần nhớ rằng ai cũng có những lúc yếu đuối vấp phạm. Nhưng phước hạnh hay thảm họa ở chỗ có chịu ăn năn hay không. Vua Đa-vít cũng yếu đuối phạm tội như vua Giô-ách nhưng lại hạ mình ăn năn trước lời quở trách của nhà tiên tri Na-than (II Sa-mu-ên 12:1-13) nên được Chúa tha thứ và phục hồi. Xin Chúa cho chúng ta luôn hạ mình để sửa đổi theo Lời Chúa để có một kết thúc tốt đẹp trong Chúa.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)