Có hai vua Giê-rô-bô-am trong lịch sử tuyển dân: Giê-rô-bô-am con trai Nê-bát là vị vua đầu tiên cai trị vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc (928–907 TCN; I Vua 11:26–14:20); Giê-rô-bô-am con trai Giô-ách là vị vua thứ mười ba của vương quốc phía bắc (784–748 TCN; II Vua 14:23–29). Nhân vật đang được nói đến trong bài học này là Giê-rô-bô-am thứ nhất.
Không phải khởi đầu hứa hẹn nào cũng dẫn đến kết thúc tốt đẹp. Cuộc đời vua Giê-rô-bô-am là một trong những câu chuyện lịch sử minh họa điều đó. Ông có một khởi đầu rất hứa hẹn, nhưng di sản ông để lại cho tất cả các vị vua kế vị của Y-sơ-ra-ên lại là “tội lỗi của Giê-rô-bô-am, con trai Nê-bát.” Ông trở nên nổi tiếng là người “đã khiến Y-sơ-ra-ên phạm tội.” Nguyên nhân của điều đó là vì ông đã cố tình loại trừ Chúa ra khỏi những kế hoạch củng cố quyền lực của mình hơn là tin cậy Ngài.
I. KHỞI ĐẦU HỨA HẸN
Trong bối cảnh vua Sa-lô-môn đem sự thờ thần tượng vào đời sống dân Y-sơ-ra-ên và như thế “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, chẳng vâng theo Đức Giê-hô-va cách trọn lành như Đa-vít, cha người, đã làm” (I Vua 11:6), Giê-rô-bô-am đã có một khởi đầu hứa hẹn. Đức Chúa Trời tuyên bố với vua Sa-lô-môn rằng:“Bởi vì ngươi đã làm điều nầy, không giữ giao ước và luật pháp ta truyền cho ngươi, nên ta chắc sẽ đoạt lấy nước khỏi ngươi, cho kẻ tôi tớ ngươi.” (I Vua 11:11). “Kẻ tôi tớ” đó chính là Giê-rô-bô-am!
Giê-rô-bô-am, con trai Nê-bát và quả phụ Xê-ru-ha, người Ép-ra-im, xứ Xê-rê-đa, xuất thân là một tôi tớ của vua Sa-lô-môn (I Vua11:26). Vua Sa-lô-môn thấy ông còn trẻ, mạnh khoẻ và có tài nên đặt ông phụ trách toàn bộ lực lượng lao dịch trong công trình Mi-lô, lấp vá lại lỗ hổng của thành Đa-vít mà cha vua đã xây. Một phần của sự thịnh vượng mà Sa-lô-môn đã đạt được là nhờ lao động cưỡng bức và đánh thuế cao. Dân chúng bất mãn và nhiều vụ nổi loạn chống lại vua đã xảy ra. Giê-rô-bô-am cũng ở trong số đó, nhưng ông có lý do khác.
Kinh Thánh cho biết ông nổi lên chống lại vua Sa-lô-môn vì ông đã nhận được sứ điệp từ nhà tiên tri A-hi-gia, người đã xé chiếc áo choàng của mình ra thành mười hai mảnh, và nói với Giê-rô-bô-am lấy mười mảnh. Đức Chúa Trời sẽ giật vương quốc khỏi tay Sa-lô-môn và ban cho Giê-rô-bô-am mười chi phái; nhà Đa-vít sẽ giữ lại một phần vương quốc, kể cả Giê-ru-sa-lem, như Ngài đã hứa với Đa-vít (I Vua 11:31-32). Hay được điều đó, Sa-lô-môn tìm cách giết Giê-rô-bô-am, nhưng Giê-rô-bô-am trốn qua Ai Cập, xin tị nạn chính trị với vua Si-sắc tại đó (I Vua 11:40).
Sau khi Sa-lô-môn qua đời, Giê-rô-bô-am trở về Y-sơ-ra-ên và dẫn dân chúng ra mắt vua Rô-bô-am, yêu cầu vị vua mới giảm bớt thuế cao và lao động nặng nhọc mà vua cha đã áp đặt cho họ (IVua 12:1-5). Thay vì lắng nghe tiếng kêu của dân chúng và lời khuyên của các cố vấn lớn tuổi, Rô-bô-am nghe lời những người trẻ thiếu kinh nghiệm của mình và tuyên bố: “Cha ta đã khiến cho ách các ngươi nặng nề; ta sẽ làm ách các ngươi càng nặng nề hơn nữa. Cha ta có sửa phạt các ngươi bằng roi da, ta sẽ sửa phạt các ngươi bằng roi bọ cạp.” (I Vua 12:14)
Chúa đã dùng điều đó để làm ứng nghiệm lời tiên tri mà A-hi-gia đã tuyên bố với Giê-rô-bô-am. Khi dân Y-sơ-ra-ên thấy rằng vua Rô-bô-am không quan tâm lắng nghe những lo lắng của họ và sẽ không lãnh đạo bằng sự khôn ngoan của cha mình, họ đã tôn Giê-rô-bô-am làm vua thay thế (I Vua 12:20). Đất nước bị chia thành hai vương quốc dưới sự lãnh đạo của Giê-rô-bô-am ở phía bắc và Rô-bô-am ở phía nam.
Đức Chúa Trời cũng hứa rằng dòng dõi của Giê-rô-bô-am sẽ tiếp tục cai trị với một điều kiện: “Nếu ngươi vâng theo lịnh ta, đi trong các đường lối ta, làm điều thiện trước mặt ta, giữ gìn luật lệ và điều răn ta, y như Đa-vít, tôi tớ ta, đã làm, thì ta sẽ ở cùng ngươi, lập cho ngươi một nhà vững chắc, y như ta đã lập cho Đa-vít, và ta sẽ ban Y-sơ-ra-ên cho ngươi.” (I Vua 11:38-39)
II. KẾT THÚC TỒI TỆ
Đáng tiếc, thay vì tin cậy lời hứa của Đức Chúa Trời, Vua của các vua, thì Giê-rô-bô-am lại chọn bảo vệ quyền lực và tìm cách bảo đảm tương lai theo toan tính của mình. Ông tin vào chiến lược chính trị của mình hơn là lời hứa của Chúa.
Trước hết, ông đã phản bội Chúa, dẫn dân chúng đi vào con đường thờ thần tượng và làm ô uế chức thầy tế lễ. Giê-rô-bô-am lo sợ rằng những chuyến đi về Giê-ru-sa-lem thờ phượng Đức Chúa Trời có thể thúc đẩy mười chi phái phía bắc trở về với nhà Đa-vít (I Vua 12:26-27). Do đó, Giê-rô-bô-am đã chọn hai vị trí chiến lược, Bê-tên ở phía nam và Đan phía bắc vương quốc, để đặt hai tượng bò con bằng vàng, và nói với dân chúng: “Các ngươi đi lên Giê-ru-sa-lem thật khó khăn! Hỡi Y-sơ-ra-ên! Đây là các thần đã đem các ngươi ra khỏi Ai Cập.” Điều đó đã gây cho dân chúng phạm tội thờ lạy thần tượng (I Vua 12:28). Ông không bảo dân chúng bỏ thờ phượng Chúa, mà thay thế Chúa bằng một đối tượng khác, và làm cho dân chúng bị lầm lạc. Vua đã phá hủy sự thờ phượng đúng đắn của dân chúng, cũng như ý muốn của Đức Chúa Trời khi Ngài thiết lập đền thờ ở Giê-ru-sa-lem làm trung tâm thờ phượng của cả nước.
Kế đến, vua đã từ chối lời cảnh báo của Chúa, ngoan cố đi trong con đường tội lỗi của mình. Trong khi vua đang dâng hương tại Bê-tên, một nhà tiên tri từ Miền Nam đã xuất hiện và công bố sứ điệp cảnh cáo từ Chúa. Vua đưa tay lên để ra lệnh bắt giữ nhà tiên tri, thì bàn tay vua bị khô cứng, và bàn thờ nứt ra, tro bị đổ xuống. Vua xin nhà tiên tri khẩn cầu với Chúa, và Chúa đã phục hồi bàn tay cho vua (I Vua 13:1-6, 9). Thế nhưng, lời cảnh cáo và phép lạ ấn tượng đó vẫn không khiến vua ăn năn. “Giê-rô-bô-am vẫn không từ bỏ đường lối gian ác của mình, nhưng vua cứ lập những người trong số thường dân làm thầy tế lễ cho các nơi cao; bất cứ ai tình nguyện thì được vua phong làm thầy tế lễ tại các nơi cao ấy.” (I Vua 13:33 TTHĐ).
Hậu quả của sự cứng lòng đó là vua bị Chúa từ bỏ, và mất điều mà Chúa đã hứa ban cho dòng dõi ông. Khi con trai vua là A-bi-gia đau nặng, vua cùng đường nên nhờ vợ cải trang đến gặp nhà tiên tri A-hi-gia để tìm kiếm ý Chúa. Nhà tiên tri đã đưa ra phán quyết của Đức Chúa Trời, “Ta sẽ giáng tai họa trên nhà Giê-rô-bô-am, các nam đinh của nó, bất luận kẻ nô lệ hay là người tự do, ta sẽ diệt hết khỏi trong Y-sơ-ra-ên, và quét sạch nhà nó, như người ta quét phân, cho đến chẳng còn sót chi hết.” (I Vua 14:10). A-bi-gia chết, và không bao lâu sau đó vua Giê-rô-bô-am cũng qua đời (I Vua 14:1-18). Sách Các Vua không ghi rõ nguyên nhân qua đời; còn sách Sử ký cho biết “Đức Giê-hô-va hành hại người, thì người chết.” (II Sử 13:20). Con trai vua là Na-đáp kế vị, làm điều ác trước mặt Chúa như cha mình. Chỉ trong năm thứ hai làm vua, Na-đáp đã bị Ba-ê-sa thuộc chi phái Y-sa-ca ám sát và tiếm ngôi. Sau đó, Ba-ê-sa giết tất cả những ai còn sót lại trong nhà Giê-rô-bô-am, làm ứng nghiệm lời tiên tri về Giê-rô-bô-am qua A-hi-gia (I Vua 15:27-30).
Tuy nhiên, hậu quả không dừng ở đó: Dù nhà Giê-rô-bô-am đã bị diệt vong, tội lỗi của ông tiếp tục lưu truyền. Cụm từ “tội lỗi của Giê-rô-bô-am, con trai Nê-bát, tức tội đã gây cho Y-sơ-ra-ên phạm tội” được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần mỗi khi mô tả một vị vua Y-sơ-ra-ên phía bắc. Tất cả các vị vua phía bắc đều theo vết xe đổ của Giê-rô-bô-am, làm điều ác trước mặt Chúa. Cuối cùng, chúng ta đọc rằng: Giê-rô-bô-am, con trai Nê-bát đã “quyến dụ Y-sơ-ra-ên bội nghịch Đức Giê-hô-va, và khiến cho họ phạm tội lớn. Dân Y-sơ-ra-ên đều đi trong hết thảy tội lỗi của Giê-rô-bô-am đã phạm, chẳng từ bỏ chút nào, cho đến ngày Đức Giê-hô-va đày đuổi họ khỏi trước mặt Ngài, y như Ngài đã phán bởi miệng của các tiên tri, tôi tớ Ngài. Vậy, Y-sơ-ra-ên bị cất khỏi xứ mình, lưu đày qua A-sy-ri cho đến ngày nay.” (II Vua 17:21-23). Thế thì, “tội lỗi của Giê-rô-bô-am” là lý do chính khiến dân Y-sơ-ra-ên bị đuổi ra khỏi xứ và lưu đày qua A-sy-ri. Mặc dù được Chúa chọn và lập, Giê-rô-bô-am cuối cùng đã khiến dân Y-sơ-ra-ên gánh chịu hậu quả về chính trị, kinh tế và tâm linh.
III. BÀI HỌC
Cuộc đời Giê-rô-bô-am để lại cho người tin Chúa một số bài học quan trọng. Thứ nhất, một khởi đầu hứa hẹn chưa đủ, người tin Chúa không chỉ vui mừng tiếp nhận lời hứa của Chúa cho mình, mà còn cần phải bước trong sự vâng phục Chúa để kinh nghiệm Ngài làm thành lời hứa. Nhiều lời hứa của Đức Chúa Trời là những lời hứa có điều kiện, nhằm giúp chúng ta thực hành tin cậy và vâng lời để trưởng thành hơn trong sự nhận biết Chúa; sự bất tuân của chúng ta sẽ khiến chúng ta đánh mất phần thưởng phước hạnh của những lời hứa ấy.
Thứ hai, như Giê-rô-bô-am, chúng ta có thể bị cám dỗ tự lo liệu và bảo đảm tương lai của mình theo cách của mình hơn là tin cậy lời hứa của Chúa. Đối diện những lo ngại, thách thức trong cuộc sống, thay vì tìm kiếm Chúa trước hết và trao phó những điều đó cho Chúa, chúng ta tìm mọi cách, kể cả hy sinh mối quan hệ với Chúa, để cố nắm giữ, kiểm soát những điều ngoài tầm tay, và đánh mất điều mình đã có – lời hứa Chúa ban cho người tin cậy Ngài.
Thứ ba, nỗ lực nắm giữ quyền lực theo cách của con người là cách đánh mất nó hiệu quả nhất. Nhận biết rằng tất cả quyền lực và thẩm quyền đến từ bên trên, người tin Chúa sẵn lòng phục tùng cách làm việc của Đức Chúa Trời hơn là chiến lược, chương trình hoặc mưu mô, toan tính của riêng mình. Người ấy sẽ trở nên một quản gia tốt của Đức Chúa Trời, sử dụng thẩm quyền Chúa ban để đem lại ích lợi cho cộng đồng theo ý Chúa.
Thứ tư, càng được Chúa cất nhắc, càng phải nhạy bén và vâng theo sự cảnh cáo của Chúa, vì những gì mình làm không chỉ ảnh hưởng đến mình mà còn đến cả cộng đồng. Giê-rô-bô-am bị Chúa xét đoán nặng nề sau khi Ngài đã cảnh cáo mà ông không ăn năn. Thế nhưng, hậu quả ông để lại trên những thế hệ đi sau thật tồi tệ và kinh khủng. Dù một số vị vua sau này thờ hình tượng ngoại giáo tồi tệ hơn cả Giê-rô-bô-am, nhưng trách nhiệm dẫn dân Chúa đi lạc vẫn quy về Giê-rô-bô-am.
Cuối cùng, làm một công cụ của Chúa chưa hẳn là thuộc về Chúa, sống đẹp lòng Chúa. Giê-rô-bô-am được Chúa thiết lập, sử dụng và bị Chúa loại bỏ. Trong quyền tể trị tuyệt đối của Ngài, Đức Chúa Trời có thể thôi thúc và sử dụng những thế lực đời này như những công cụ để thực hiện công việc, làm ứng nghiệm các lời hứa và hoàn thành các kế hoạch của Ngài. Câu chuyện của Giê-rô-bô-am không phải là một sự thất bại của Chúa trong việc chọn và lập người, mà là sự tể trị của Chúa trong việc kỷ luật nhà Đa-vít. Vậy nên, người tin theo Chúa và phục vụ Chúa cần tránh ảo tưởng, đánh giá mối liên hệ của mình với Chúa dựa trên công việc, hoạt động của mình; điều làm cho sự phục vụ đó có ý nghĩa và được Chúa đẹp lòng là mối tương giao với Chúa, lắng nghe, vâng lời và thật sự tôn thờ Ngài.
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)