Kinh Thánh: Mác 3:31-35
“Mẹ và anh em Ngài đến, đứng ngoài sai kêu Ngài. Đoàn dân vẫn ngồi chung quanh Ngài. Có kẻ thưa rằng: Nầy, mẹ và anh em thầy ở ngoài kia, đương tìm thầy. Song Ngài phán cùng họ rằng: Ai là mẹ ta, ai là anh em ta? Ngài lại đưa mắt liếc những kẻ ngồi chung quanh mình mà phán rằng: Kìa là mẹ ta và anh em ta! Ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, nấy là anh em, chị em, và mẹ ta vậy.” (BTT)
Gia đình rất quan trọng đối với Chúa. Kinh Thánh nói rằng mỗi gia đình nhận lấy phẩm chất đặc biệt từ chính Đức Chúa Cha (Ê-phê-sô 3:15). Vì vậy, khi Chúa Jêsus dường như phớt lờ mẹ và các anh em của Ngài, thì điều gì đang diễn ra? Có phải Ngài không vâng theo điều răn thứ 5 không? Về một phương diện, tôn kính cha mẹ có liên quan đến thẩm quyền của cha mẹ là “in loco Deo” (thay mặt Chúa). Con cái cần cha mẹ, những người sẽ truyền đạt chính xác lẽ thật và dạy con cách tránh mắc phải sai lầm. Họ là những người được Đức Chúa Trời ủy thác trông nom con cái; là tác nhân của lẽ thật và tình yêu. Thẩm quyền của cha mẹ đến từ Ngài. Đó là lý do vì sao hiếu kính cha mẹ là điều quan trọng (Phục Truyền 5:16; Ma-thi-ơ 15:4; Ê-phê-sô 6:1-3).
Thế nhưng, với Chúa Jêsus, mạng lệnh này được thi hành theo cách khác. Dù cho thân thể của Chúa Jêsus được hình thành đầu tiên trong lòng Ma-ri (Lu-ca 1:35), nhưng việc thụ thai không phải là khởi đầu cho sự hiện hữu của Ngài (Cô-lô-se 1:16-17). Ngài luôn hiện diện bên Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh. Lời Ngài là Lời có thẩm quyền tạo dựng thế giới và loài người theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Giăng 1:1-3). Lời Ngài hằng đỡ nâng vũ trụ và giữ mọi vật lại với nhau (Hê-bơ-rơ 1:3). Sự nhập thể của Chúa Jêsus là phần thiết yếu cho công tác cứu rỗi, qua đó Ngài trở thành Chiên Con của Đức Chúa Trời chịu hy sinh vì tội lỗi thế gian. Để gánh án tử cho mỗi chúng ta, Đức Chúa Trời cần mang thân thể con người: Chúa không thể chết nhưng loài người thì có thể (Hê-bơ-rơ 10: 5). Đó là mục đích cho sự ra đời, sự sống và sự chết của Ngài (Cô-lô-se 1:19-20).
Là con người, Chúa Jêsus thuận phục Đức Chúa Cha (Giăng 14:31). Ngài có thẩm quyền cao hơn Ma-ri. Dù Ma-ri có ý tốt thế nào đi nữa, bà cũng đã sai khi cho rằng trách nhiệm của bà là giải cứu con trai mình ra khỏi “những ảo tưởng” (Mác 3:20-21). Tuy nhiên, Chúa Jêsus đã nhẹ nhàng chứ không công khai trách cứ mẹ và các anh em cùng cha khác mẹ của Ngài mặc dù họ không hiểu sứ mệnh của Chúa Jêsus (Giăng 7:2-6). Thay vào đó, Ngài nói với đám đông rằng gia đình của Ngài lớn hơn nhiều so với gia đình ở Na-xa-rét. Gia đình thật của Chúa Jêsus là tất cả những ai được tái sinh bởi Đức Thánh Linh (Giăng 3:3-7), và làm theo những gì Ngài phán dạy (1 Phi-e-rơ 1:2).
Đặc điểm của gia đình thực sự của Chúa Jêsus vẫn là sự sẵn lòng làm theo những gì Đức Chúa Trời mong muốn (Giăng 15:14). Mặc dù cha mẹ phải truyền đạt ý muốn của Đức Chúa Trời cách chính xác (Phục Truyền 6:6-7), nhưng họ không được ngụy tạo và không thể phân định điều gì là đúng. Chính Chúa Jêsus mới có quyền làm điều đó (Giăng 14:6). Mặc dù chúng ta có bổn phận hiếu kính cha mẹ của mình (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12; Mác 7:10), nhưng với tư cách là người tin nhận Phúc Âm, chúng ta còn có nghĩa vụ cao hơn, đó là vâng phục Phúc Âm của Đấng Christ (2 Cô-rinh-tô 9:13; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:8). Khi các nghĩa vụ mâu thuẫn với nhau, thì chính Lời của Đức Chúa Trời, tiếng nói của Chúa Jêsus, sẽ quyết định. Hê-bơ-rơ 4:12-13 có chép: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại.” Chúng ta, trong vai trò con cái và cha mẹ cùng với mọi người khác, đều phải chịu trách nhiệm cuối cùng trước Chúa.
Lạy Chúa, con biết con được kêu gọi phải hiếu kính cha mẹ và quý trọng gia đình. Xin tha thứ cho con vì những lần con không hiếu kính cha mẹ vì danh Ngài. Nhưng khi Lời Ngài đánh thức con, xin cho con biết vâng lời và giãi bày cách chân phương vui lòng. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work