Sau khi vua Giô-si-a qua đời, con của ông là Giô-a-cha được lập làm vua. Thế nhưng, vua Giô-a-cha chỉ trị vì trong một khoảng thời gian ngắn thì đã bị Nê-cô, vua Ê-díp-tô truất phế. Tiếp theo sau, Pha-ra-ôn Nê-cô lập Ê-li-a-kim, một người con khác của vua Giô-si-a lên thế cho Giô-a-cha, và Nê-cô cũng đổi tên Ê-li-a-kim thành Giê-hô-gia-kim. Giê-hô-gia-kim thuận phục vua Ê-díp-tô và thực hiện sự triều cống, một phần cũng bởi áp lực từ ngoại bang, một phần cũng mong có được sự bảo hộ từ Nê-cô và cũng để có được sự đảm bảo an ninh từ một trong những vương quốc hùng mạnh, theo như góc nhìn của nhiều người trong giai đoạn này.
Nếu vua Giô-si-a là nhân vật được sử sách ghi nhận là một “người làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va, đi theo trọn con đường của Đa-vít, tổ phụ mình, không tẽ tách hoặc về bên hữu, hoặc về bên tả” (2 Các vua 22:2), thì vua Giê-hô-gia-kim lại được nhìn nhận là “người làm điều ác tại trước mặt Đức Giê-hô-va, theo trọn gương các tổ phụ mình đã làm” (2 Các vua 23:37).
Khi vua Giô-si-a nghe đọc Lời Chúa thì vua liền xé quần áo mình (2 Các vua 22:11), thế nhưng khi vua Giê-hô-gia-kim nghe đọc Lời Chúa thì điều vua làm là “lấy dao nhỏ cắt đi và ném vào lửa trong lò, cho đến sách cháy hết trong lửa nơi lò” (Giê-rê-mi 36:23b). Kinh Thánh cho biết “Vua cùng các bầy tôi đã nghe mọi lời đó, không sợ gì cả, không xé áo mình” (Giê-rê-mi 36:24).
Bởi việc thiếu đi lòng kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời, vua Giê-hô-gia-kim đã dẫn dân sự lún sâu vào con đường hủy diệt. Nếu như vua cha hết lòng tôn thờ Đức Chúa Trời, chỉnh đốn đâu vào đấy nếp sống cũng như cung cách thờ phượng Chúa cần phải có của dân sự (2 Các vua 23:1-28) thì vua Giê-hô-gia-kim lại mang những nghi lễ và sự thờ tự chịu ảnh hưởng từ Ê-díp-tô vào trong đền thờ và khiến dân sự sa đọa theo ông (Ê-xê-chi-ên 8:5-17).
Bên cạnh đó, vua Giê-hô-gia-kim còn là một vị vua đánh thuế dân rất nặng nề. Không chỉ phải cống nạp cho Pha-ra-ôn, dân sự còn phải đóng thuế rất nhiều cho một vị vua chỉ biết vơ vét của dân mà xây đền đài cung điện nguy nga, trong khi tình cảnh của con dân vua thì khó khăn cùng cực (Giê-rê-mi 22:13-15, 17). Và một trong những tội ác kinh khủng của vua Giê-hô-gia-kim đã làm, đó chính là việc vua cho giết hại nhiều người vô tội, trong số đó có nhà tiên tri U-ri (Giê-rê-mi 26:20-23), bởi chính những điều này đã khiến vua phải nhận lấy sự đoán phạt nghiêm khắc từ Đức Chúa Trời (2 Các vua 24:4).
Đắm chìm trong dục vọng, miệt mài trong tội lỗi, chối bỏ lời phán dạy của Chúa, tất cả những điều đó chỉ càng mang đến sự diệt vong cho chính nhà vua Giê-hô-gia-kim. “Vì cớ đó, nầy là lời Đức Giê-hô-va phán về Giê-hô-gia-kim, vua Giu-đa: Chẳng có ai thuộc về nó sẽ ngồi trên ngai Đa-vít; thây nó sẽ bị dan nắng ban ngày, và dan sương muối ban đêm. Ta sẽ phạt nó, phạt con cháu và bầy tôi nó, vì gian ác chúng nó. Ta sẽ giáng trên chúng nó, trên dân cư Giê-ru-sa-lem và người Giu-đa, mọi tai nạn ta đã rao cho chúng nó mà chúng nó không nghe” (Giê-rê-mi 36:30, 31). Đúng như Lời Chúa được rao báo bởi các tiên tri của Ngài, năm 598 TC, vua Giê-hô-gia-kim đã bị lưu đày qua Ba-by-lôn sau khi Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn lên hãm đánh người (2 Sử ký 36:6-8). Thật đớn đau cho vua Giê-hô-gia-kim và những người theo vua khi họ đã nương cậy vào quyền thế đời này, vào con người xác thịt mà quên mất Đức Chúa Trời của trời và đất, là Đấng chủ tể cõi vũ trụ này. Để rồi khi tai họa ập đến, những gì họ tựa vào đều sụp đổ tiêu tan, chỉ còn lại sự đau đớn ê chề mà thôi.
Một vị vua đứng đầu một nước, lại không tin kính Chúa, đã khiến cho chính bản thân và cả dân sự mình cai trị đi lầm đường lạc lối, ngày càng xa cách Đức Chúa Trời Công chính và Thánh khiết. Và rồi kết cuộc nhận được là sự trừng phạt nghiêm khắc của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Trước tấm gương yêu mến Chúa của cha mình, nhưng người con Giê-hô-gia-kim lại quay lưng và chọn cho bản thân con đường tăm tối hư vong.
Trước những lời cảnh báo từ các đầy tớ Chúa, vua Giê-hô-gia-kim đã chọn cách chối bỏ chân lý mà nuôi mình trong sự lầm lạc sai trật và đã đối đãi cách gian ác với các tiên tri của Đức Chúa Trời, hành động này càng cho thấy sự bất kính và cứng lòng với Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên. Đáng buồn thay, có nhiều người đã lựa chọn cùng một cách thức giống như vua Giê-hô-gia-kim khi đối diện với Lời Chúa phán bảo và cuối cùng phải đón nhận sự sửa phạt nặng nề từ Đấng Thành tín và Công bình.
Lắng nghe Lời Chúa tuyên rao, thành tâm ăn năn, từ bỏ tội lỗi, khẩn thiết kêu cầu sự tha thứ từ Ngài và mau chóng quay trở lại cùng Chúa Từ ái. Đây là những điều mà con dân Chúa cần ghi khắc và cẩn thận thực hiện trong hành trình theo Chúa của bản thân. Hầu cho mỗi người, bởi ơn thương xót của Chúa mà nhận được sự tha thứ và chữa lành của Ngài. “Nhưng Chúa vốn một Đức Chúa Trời sẵn tha thứ, hay làm ơn, và thương xót, chậm nóng giận, và dư đầy nhân từ, Chúa không có lìa bỏ chúng” (Nê-hê-mi 9:17b).
(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)