Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Giăng Báp-tít

Giăng Báp-tít là dòng thầy tế lễ, cả cha lẫn mẹ, vì cha là Xa-cha-ri làm thầy tế lễ về ban A-bi-gia (I Sử ký 24:10), lúc đó đang giờ dâng hương, thiên sứ của Chúa xuất hiện và nói với Xa-cha-ri rằng Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện của ông. Ê-li-sa-bét, vợ ông, sẽ sanh một trai và đặt tên là Giăng. Giăng Báp-tít sanh ra trước Đức Chúa Jêsus sáu tháng và cũng được truyền để riêng ra như là người Na-xi-rê (Lu-ca 1:15; Dân số ký 6:1-21).

Giăng Báp-tít sống trong một đồng vắng ở phía Tây Biển Chết và lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng (Lu-ca 1:17). Tại đó, ông sửa soạn để thi hành chức vụ lạ lùng mà Chúa đã kêu gọi.

Hình dạng của ông là một bài học cho kẻ đồng quốc; ông mặc áo như tiên tri thuở xưa, tức là áo dệt bằng lông lạc đà (II Các vua 1:8), thắt lưng bằng dây da. Đồ ăn của ông cũng lấy từ đồng vắng: châu chấu (Lê-vi ký 11:22), và mật ong rừng (Ma-thi-ơ 3:4; Mác 1:6; Thi thiên 81:16).

Chức vụ của Giăng báp-tít được mô tả như sau:

1. Sự giảng dạy:

Khi Giăng Báp-tít ở đồng vắng, thì có lời Chúa truyền cho (Lu-ca 3:2). Lời đó chỉ tỏ ra rằng đã 300 năm nay, tiếng của tiên tri yên lặng trong dân Do Thái, nay lại có tiên tri ra đời

(I Sa-mu-ên 3:1). Khi giảng, Giăng quen dùng thí dụ trong Cựu Ước (Lu-ca 3:17; A-mốt 9:9; Ê-sai 66:24; Giăng 1:23; Ê-sai 40:3; Giăng 1:29; Xuất Ê-díp-tô 29:28; 12:3; Ê-sai 53:7). Ông thường lấy những sự vật trước mặt mà đặt thí dụ để cảnh cáo dân chúng, giúp họ tránh mối nguy hiểm trong tương lai.

Xem ba sách Tin Lành chép Giăng giảng đạo trong sáu tháng; những người ở triền sông Giô-đanh đến nghe tấp nập không ngớt (Ma-thi-ơ 3:1-12; Mác 1:1-8; Lu-ca 3:1-20). Ông không làm phép lạ gì (Giăng 10:41), song vì ông ra đời cách lạ lùng, có lối sống khắc khổ nhưng thánh khiết, và dân sự đang trông đợi một Đấng cả thể sắp hiện đến, chỉ những điều đó cũng đủ kéo người ta đến đông như thế (Ma-thi-ơ 3:5). Đề tài của ông là rao giảng về Nước Đức Chúa Trời gần đến (Ma-thi-ơ 3:2), ông răn dạy dân chúng chớ cậy mình là dòng dõi Áp-ra-ham, vì người ngoại bang cũng có thể được hưởng hạnh phước của Đấng Mê-si (Lu-ca 3:8; Ma-thi-ơ 3:9; xem thêm Rô-ma 4:16; 9:7; Ga-la-ti 4:28).

Ông khuyên người ta nên kết trái xứng đáng với sự ăn năn. Kẻ thâu thuế và binh lính đến hỏi đạo, đều được lời dạy dỗ xứng hiệp với nghề nghiệp đương làm (Lu-ca 3:10-14). Còn các môn đồ được nhuần gội trong ơn giáo dục của ông thì nhiều lắm (Ma-thi-ơ 9:14; Lu-ca 5:33; Giăng 1:35; 3:23-25; 4:1; Công vụ 18:25; 19:3). Dầu vậy, Giăng cứ khiêm nhường nói rằng mình không đáng cúi xuống mở dây giày Đấng đến sau mình (Mác 1:7).

2. Lễ Báp-têm:

Giăng lấy lễ Báp-têm làm dấu hiệu, chỉ tỏ rằng vào Nước Đức Chúa Trời phải nên lìa xa tội lỗi, nên ông gọi là “lễ Báp-têm ăn năn, cho được tha tội” (Mác 1:4). Ý nghĩa lễ Báp-têm của ông còn sâu sắc hơn những mạng lịnh của xác thịt, như lễ ăn uống rửa sạch, v.v… (Hê-bơ-rơ 9:10). Lời dạy dỗ của Giăng giống như lời tiên tri dạy rửa sạch lòng (Ê-sai 1:16; Ê-xê-chi-ên 36:25; Xa-cha-ri 13:1): có ý chứng rằng người ta được phân biệt khỏi tội để đợi Đấng Cứu Thế đến và Ngài sẽ tha tội cho những ai chạy đến với Ngài để ăn năn tội. Chúa Jêsus khi chịu lễ Báp-têm không hề xưng tội (Ma-thi-ơ 3:6; Mác 1:5), tỏ ra Ngài tự bỏ mình, làm công việc của Đấng Mê-si, cũng làm trọn việc công bình của Luật pháp (Ma-thi-ơ 3:15). Giăng thấy Đức Thánh Linh giáng trên mình Ngài (Giăng 1:32), biết Ngài sẽ làm lễ Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, mình chẳng qua chỉ là kẻ dọn đường cho Chúa thôi (Mác 1:8).

3. Đạo đức:

Khi thấy Chúa chịu lễ Báp-têm, Giăng biết trách nhiệm mình chẳng những đồn ra việc Đấng Mê-si giáng lâm, mà còn sửa soạn đường lối, chỉ Chúa cho mọi người biết. Đến khi bị tù rồi, lúc bấy giờ Giăng mới sanh lòng nghi ngờ (Giăng 1:29; Ma-thi-ơ 11:3). Song cuối cùng Giăng cứ làm chứng cho Chúa, bền lòng, quở trách cách can đảm Hê-rốt về tội tà dâm (Ma-thi-ơ 14:4). Giăng thấy người ta đến cùng Ngài (Giăng 3:29), mà ông không đem lòng ghen ghét, trái lại ông còn làm chứng rằng “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống” (Giăng 3:30) thì đủ biết ông là người đạo đức cao thượng, rất khiêm nhường. Cho nên Chúa khen ông: “không ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít” (Ma-thi-ơ 11:11), “là người làm chứng cho lẽ thật” (Giăng 5:33).

4. Địa vị:

Ba sách Tin Lành chép Hê-rốt An-ti-ba bắt Giăng bỏ tù tại đồn lũy Machaerus trên bờ phía Đông Biển Chết, về sau để đẹp lòng con gái Hê-rô-đia thì vua truyền chém Giăng trong ngục. Việc đó tỏ ra Giăng thật là người phi thường, là bực đại tiên tri. Có người tưởng rằng Giăng bị giết ít lâu trước lễ Vượt qua thứ ba kể từ ngày Chúa Jêsus bắt đầu thi hành chức vụ. Khi Hê-rốt nghe nói về Chúa Jêsus làm phép lạ, tưởng rằng Ngài là Giăng Báp-tít từ kẻ chết sống lại (Mác 6:14; Ma-thi-ơ 14:1, 2; Lu-ca 9:7). Tiếng tăm Giăng lừng lẫy giữa vòng người Do Thái, thầy tế lễ cả không dám tự tiện hủy diệt đi (Ma-thi-ơ 21:26; Mác 11:32; Lu-ca 20:6). Sau khi hóa hình, Chúa cũng nói về Giăng chịu khổ nhiều (Mác 9:13). Bởi vậy chứng tỏ rằng địa vị ông thật tôn quí. Ê-li trước được cất lên trời trong xe lửa và ngựa lửa (II Các vua 2:11), song Giăng chết như một tội nhân, vì người dọn đường cho Chúa phải giống Chúa mình.

Qua cuộc đời và chức vụ của Giăng Báp-tít, chúng ta thấy ông là một người được Chúa dùng để dọn đường cho Chúa Jêsus đến. Giăng đã giảng dạy và kêu gọi những người có tội hãy đến với Chúa Jêsus để được tha tội. Giăng đã làm rất nhiều việc cho Chúa nhưng không kiêu ngạo, ông luôn khiêm nhường trước Chúa và ông đã nói rằng Ngài phải được tôn cao, ông phải hạ xuống, ông không đáng mở dây giày cho Chúa. Cảm ơn Chúa, sau đó Chúa đã cất nhắc Giăng Báp-tít lên, Chúa Jêsus nói không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít. Chúng ta hãy hạ mình, khiêm nhường trước mặt Chúa khi làm được việc gì cho Chúa và cho anh chị em mình. Đừng cho mình tài giỏi, đừng tự cất nhấc mình lên, đừng kiêu ngạo mà sẽ bị Chúa quở phạt.

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn