Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

E-xơ-ra, người yêu mến Lời Chúa và có lòng nhiệt thành trong chức vụ (phần 1)

Sách E-xơ-ra, được viết song song với sách Nê-hê-mi, những bản ghi chép về việc xây dựng lại Đền thờ và tường thành Giê-ru-sa-lem theo sau sự kiện dân Giu-đa trở về từ chốn lưu đày ở Ba-by-lôn. Mặc dầu tên của E-xơ-ra không có ghi trong phần ký thuật sự trở về Giê-ru-sa-lem của dân Giu-đa cho đến E-xơ-ra 7:1, sách E-xơ-ra mang tên của ông như chúng ta thấy đầu đề của sách. Mặc dầu từ lúc đầu những phần lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi, là hai sách được viết thành một sách trong Kinh Thánh Cổ ngữ, nhưng nội dung chỉ đề cập đến việc xây dựng lại Đền thờ và tường thành Giê-ru-sa-lem dưới sự lãnh đạo của E-xơ-ra. Dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày trở về, cũng trải qua thời kỳ cải cách thuộc linh, đạo đức, và xã hội khi họ tái cam kết chính họ đối với Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể học về đời sống E-xơ-ra qua những điều ông đã ghi chép trong sách E-xơ-ra cách tổng quan.

1/ E-xơ-ra là ai?
• E-xơ-ra là con trai của Sê-ra-gia, cháu nội của Hinh-kia, là thầy tế lễ qua Ê-lê-a-sa, thuộc dòng dõi của A-rôn, là thầy tế lễ thượng phẩm (E-xơ-ra 7:1-5).

• E-xơ-ra là thầy tế lễ và văn sĩ thạo luật pháp của Môi-se, thạo biết những điều răn luật lệ của Đức Chúa Trời, và đã được nhiều người quý mến trong hoàng cung Phe-rơ-sơ (nước Ba-Tư) suốt thời kỳ cai trị của vua Ạt-ta-xét-xe, đến nỗi vua Phe-rơ-sơ đã ủy nhiệm E-xơ-ra cách đặc biệt để lãnh đạo dân Giu-đa trở về Giê-ru-sa-lem đợt thứ hai khoảng những năm 458 T.C. Đoàn người hành hương bắt đầu trở về năm tiếp sau đó (E-xơ-ra 7: 6-12).

• E-xơ-ra là người thứ hai trong ba người lãnh đạo đã dẫn dân sót Y-sơ-ra-ên trở về Giê-ru-sa-lem như đã được nói trước bởi tiên tri Giê-rê-mi. Cuộc trở về quê hương từ chốn lưu đày này đã xảy ra trong 3 giai đoạn. Với sự ủng hộ từ Si-ru, vua Phe-rơ-sơ và bởi chiếu chỉ của nhà vua, Xô-rô-ba-bên đã dẫn dân Giu-đa trở về Giê-ru-sa-lem đợt thứ nhất vào năm 536 T.C, và là người được Đức Chúa Trời sử dụng để giúp đỡ dân sự xây dựng lại Đền thờ Giê-ru-sa-lem.

• Khoảng hơn sáu mươi năm sau khi việc xây dựng lại Đền thờ được hoàn thành, E-xơ-ra được ủy nhiệm bởi người kế vị vua Si-ru là Ạt-ta-xét-xe, để lãnh đạo dân Giu-đa trở về Giê-ru-sa-lem đợt thứ hai vào năm 458 T.C, cùng với Nê-hê-mi tập trung nỗ lực trong việc xây dựng lại cộng đồng và đem dân sự trở lại với Lời của Đức Chúa Trời.

• Nê-hê-mi, một quan tống trẩn và là người cố vấn đáng tin cậy cho vua Ạt-ta-xét-xe I, đã lãnh đạo dân Giu-đa đợt thứ 3 trở về Giê-ru-sa-lem vào năm 444 T.C và có trách nhiệm xây dựng lại các tường thành Giê-ru-sa-lem.

• Xô-rô-ba-bên được ban cho chiếu chỉ trước đó và đã lãnh đạo đoàn người lưu đày đợt thứ nhất trở về trong việc xây dựng lại Đền thờ (E-xơ-ra 4). Những năm sau đó, vua Ạt-ta-xét-xe giao cho E-xơ-ra với một lá thơ cho phép ông có cả thẩm quyền trên dân sự và tôn giáo để tiếp tục công việc của đoàn người đầu tiên trở về đã khởi công. Trong chiếu chỉ đó, vua Ạt-ta-xét-xe cũng thêm vào những sự cung ứng cho họ tân trang lại Đền thờ với các khí mạnh đã bị cướp lấy trong suốt thời kỳ xâm chiếm của Ba-by-lôn, (E-xơ-ra 7:11-26).

• Trong suốt thời gian lưu đày, E-xơ-ra có thể đã tiếp nhận việc giảng dạy các sách Luật pháp (Sáng-Thế-ký, Lê-vi-ký, Dân-số-ký, và Phục Truyền Luật Lệ ký) và ông đã dành thời gian có ý nghĩa trong việc nghiên cứu Lời của Đức Chúa Trời như là: sao chép, giải nghĩa và truyền tải quyển sách Luật pháp cho dân sự. E-xơ-ra yêu mến Lời của Chúa, như được bày tỏ trong E-xơ-ra 7:10, “Vì E-xơ-ra đã định chí tra xét luật pháp của Đức Giê-hô-va, giữ làm theo, và dạy cho dân Y-sơ-ra-ên biết những luật pháp và giới mạng.” Thật vậy, E-xơ-ra là người được Đức Chúa Trời sử dụng để giúp đỡ điều chỉnh những điều không đúng đắn với luật pháp, lễ nghi trong dân sự và cập nhật những cách thức truyền đạt phổ biến, làm cho phù hợp tiêu chuẩn và bảo toàn tính chân thực của bản văn Hê-bơ-rơ.

• Một văn sĩ là người thực hiện chức năng như một người sao chép, người viết lách. Các văn sĩ đã thực hiện những vai trò trước khi họ bị lưu đày và những công việc bao gồm: Quan trưởng (Các quan xét 5:14; 2 Các vua 25:10), quan thái sử hay người đưa tin của nhà vua (2 Các vua 18:18) làm ký lục hay thơ ký của nhà vua (2 Sa-mu-ên 8:17; 20:25), người ghi chép văn thư, sổ sách và viết lách (Giê-rê-mi 36:26; 32). Trong các sách Tin Lành có nhiều chỗ nói đến những người viết công văn giấy tờ, nhà luật học và thần học Do Thái. Trong thời của E-xơ-ra thực hiện chức năng đặc biệt này của văn sĩ đã phát triển. Chính E-xơ-ra là văn sĩ luật và thầy tế lễ, là thầy thông giáo có khả năng giảng dạy Luật pháp Môi-se (Lê-vi-ký 10:11; Nê-hê-mi 8: 1-9, 13). Ông cũng vui hưởng sự phù trợ thiên thượng đặc biệt và có quyền hợp pháp để thực hiện công tác Chúa trao (E-xơ-ra 7:6; 7:9, 28; 8:18, 22, 31).

• E-xơ-ra và những bạn đồng hành của ông đã rời khỏi Ba-by-lôn vào mùa xuân năm 458 T.C., vào tháng Nisan của người Do Thái tương đương cuối tháng và đầu tháng tư của chúng ta ngày hôm nay. E-xơ-ra và những đi cùng với ông đã hoàn thành cuộc hành trình 900 dặm chính xác 4 tháng sau đó nhờ tay nhân lành của Đức Chúa Trời phù trợ để về đến Giê-ru-sa-lem (E-xơ-ra 7:8-9).

• Sự kiên quyết, can đảm của E-xơ-ra là gương tuyệt vời cho mỗi Cơ Đốc nhân (E-xơ-ra 7:10): Trước tiên, ông có ý quyết tâm kiên định tra xét (nghiên cứu) Luật pháp của Đức Chúa Trời, rồi thì giữ làm theo (áp dụng) sự dạy dỗ đó vào đời sống của ông, và sau đó dạy người khác biết ý muốn của Đức Chúa Trời được bày tỏ. Đó là điểm ảnh hưởng quan trọng của E-xơ-ra.

• Trong sự giảng dạy của E-xơ-ra, ông chú ý từng chi tiết, cam kết với tiêu chuẩn thánh của Đức Chúa Trời, và lòng nhiệt thành đối với Lời của Chúa. Tất cả những điều nầy chứng tỏ E-xơ-ra là người giúp đỡ, hướng dẫn tấm lòng của dân sự trở về với Đức Chúa Trời bởi lẽ thật đời đời, tuyệt đối trong Lời của Ngài.

• Là một người lãnh đạo, E-xơ-ra nhiệt thành, sốt sắng, có mục đích và định hướng. Ông đã đối diện với những nan đề trong cộng đồng với sự can đảm, nhưng lắng nghe người khôn ngoan và lời khích lệ của các tiên tri cùng thời. E-xơ-ra luôn luôn tra xét Lời của Đức Chúa Trời để hướng dẫn, khuyên dạy dân sự tập trung sự chú ý của họ trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, Lời của Đức Chúa Trời, thẩm quyền của Chúa, và ông không bao giờ dựa vào quyền lãnh đạo của mình.

(Còn tiếp)

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Tham khảo các sách lịch sử:
(1) L. H. Brockington, “Ezra, Neheniah and Esther”, p. 70; Fensham, The Books…p. 79; et al.
(2) Judah J. Slotki, “Daniel, Ezra, Nehemiah”, p. 150
(3) Joseph Blenkinsoop, “A Theological Reading of Ezra-Nehemiah” Proceedings of the Irish Biblical Association 12 (1989: 29)
(4) J. Stafford Wright, The Date of Ezra’s Coming to Jerusalem, pp. 17-28. Cf. K. Koch, “Ezra and the Origins of Judaism,” Journal of Semitic Studies 19:2 (1974): 173-97 and Frank M. Cross, “A Reconstruction of the Judean Restoration,” Interpretation 29:2 (1975): 194.

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2023. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn