Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Đa-ni-ên (Phần 1)

Có thể nói ông Đa-ni-ên là một trong những nhân vật hấp dẫn nhất trong Cựu Ước. Thiếu nhi thích thú với hình ảnh người hùng Đa-ni-ên trong hang sư tử, còn người lớn thì khâm phục Đa-ni-ên, một nhà tiên tri trung thành với Chúa đồng thời cũng là một chính khách, một vị cố vấn khôn ngoan cho các vị vua của các đế quốc cổ đại hùng hậu là Ba-by-lôn và Ba Tư. Ông Đa-ni-ên cũng được tiên tri Ê-xê-chi-ên ghi nhận là một trong ba người công chính (hai người kia là Nô-ê và Gióp, Ê-xê-chi-ên 14:14). Tên “Đa-ni-ên” có nghĩa là “Đức Chúa Trời là Quan Án của tôi”, và ông đã thật sự sống trong tinh thần tin cậy và thuận phục “Quan Án” đó trong suốt cuộc đời mình.

Đa-ni-ên được sinh ra trong dòng hoàng tộc ở Giê-ru-sa-lem dưới triều đại của vua Giô-si-a, vào khoảng năm 620 T.C.N. Khi Giê-ru-sa-lem rơi vào tay vua Nê-bu-cát-nết-sa của đế quốc Ba-by-lôn dưới thời vua Giê-hô-gia-kim (609-597 T.C.N), Đa-ni-ên cùng với nhiều thanh niên khác trong triều đình đã bị lưu đày sang Ba-by-lôn, nơi họ được đào tạo về ngôn ngữ, văn hóa và phong tục của những người cai trị. Sách Đa-ni-ên ghi lại các sự kiện trong đời ông và những khải tượng mà ông đã thấy từ thời điểm bị lưu đày năm 605 T.C.N (1:1) cho đến năm thứ ba dưới triều đại của vua Si-ru (năm 536 T.C.N; 10:1). Phần đầu (chương 1-6) tường thuật cuộc đời và công việc của ông cùng ba người bạn Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria giữa một xã hội ngoại giáo nhưng không để cho tinh thần và cách sống của xã hội đó ảnh hưởng đến lòng trung thành của họ với Đức Chúa Trời. Đó cũng là cách sống đáng có của những người con Chúa trong tư cách những ngoại kiều và khách bộ hành giữa thế gian trong hành trình về quê hương trên trời. Phần sau của sách (chương 7-12) ghi lại những khải tượng Chúa bày tỏ cho Đa-ni-ên nhằm khích lệ dân Chúa rằng dù họ đối diện với bắt bớ và đau khổ trong hiện tại, Đức Chúa Trời đang tể trị và chiến thắng cuối cùng thuộc về Ngài.

Dù xa quê hương, chịu nhiều thương tổn, đối diện nhiều thử thách, và không còn được giữ những sinh hoạt tôn giáo thường lệ, Đa-ni-ên và các bạn của ông vẫn trung thành với Đức Chúa Trời và trở nên những chứng nhân của Chúa giữa một thế giới ngoại giáo. Cuộc đời tin kính của Đa-ni-ên đã để lại nhiều bài học quý giá cho con dân Chúa trải các thế hệ cho đến ngày nay. Sau đây là vài bài học trong số đó mà chúng ta có thể nhận ra từ các chương sách Đa-ni-ên.

1. Trung thành và sẵn sàng trả giá để giữ mình trong sự thánh khiết (Đa-ni-ên 1)

Thách thức đầu tiên mà Đa-ni-ên đối diện là giữ mình trong sự thánh khiết thuộc linh, thể hiện qua sự từ chối thức ăn và rượu của hoàng gia Ba-by-lôn, là những thứ mà ông cho là sẽ làm ô uế chính mình và đánh mất lòng trung thành với Chúa. Thanh niên Đa-ni-ên cùng ba người bạn thân tín đã quyết định xin cấp trên của họ chỉ cho họ ăn rau uống nước mà thôi. Hành động đó thật sự nguy hiểm vì có thể chọc giận vua và lãnh hậu quả nghiêm trọng, thậm chí mất mạng. Quyết định này thể hiện cam kết của Đa-ni-ên với đức tin của mình và sẵn sàng làm theo ý Chúa, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn và phải trả giá. Đức Chúa Trời ban phước cho hành động vâng lời này, và Đa-ni-ên cùng những người bạn của ông khỏe mạnh hơn những thanh niên khác đã ăn thức ăn của nhà vua. Hơn thế nữa, sau ba năm học, nhà vua kiểm tra và nhận thấy họ giỏi gấp mười lần tất cả các pháp sư và nhà thông thái trong vương quốc.

Chàng thanh niên Đa-ni-ên và các bạn đã giữ vững lập trường đức tin bằng cách nào? Thứ nhất, họ xác định ranh giới giữa hoà đồng và thoả hiệp. Họ không có nan đề gì khi vâng theo triều đình Ba-by-lôn trong nhiều phương diện: học ngôn ngữ, kiến thức, văn hoá, tập quán, công việc của người Ba-by-lôn. Họ thậm chí để cho vua thay tên đổi họ mình sang tiếng Canh-đê. Nhưng họ xác định đâu là ranh giới khiến đánh mất lòng trung thành với Chúa, và cương quyết không vượt qua ranh giới đó. Tự thân đồ ăn, thức uống của vua ban không phải là vấn đề, nhưng hành động sử dụng nó đồng nghĩa với việc xem thường và chối bỏ quyền làm chủ của Chúa trên đời sống mình. Và đó là điểm dừng. Con dân Chúa được kêu gọi sống trong nhưng không thuộc về thế gian, và vì vậy cần xác định đâu là ranh giới giữa hoà nhập và thoả hiệp, và giữ vững lập trường đức tin của mình.

Thứ hai, Đa-ni-ên không chỉ có quyết định trong tâm niệm, mà tỏ bày ra quyết định của mình và sẵn sàng trả giá cho nó (Đa-ni-ên 1:8). Ông cùng với các bạn trình bày với vị quan chịu trách nhiệm về họ để chỉ ăn rau uống nước, và khi quan sợ mất đầu vì chuyện đó, họ xin quan cho thử trong mười ngày. Thật liều lĩnh, nhưng họ sẵn lòng làm mọi cách có thể để giữ vững lập trường đức tin. Thứ ba, Đa-ni-ên phát huy sức mạnh của sự hiệp nhất khi gắn kết với cộng đồng đức tin trong hành động. Mỗi người “quyết định trong lòng” cách cá nhân, nhưng cả nhóm đồng lòng cầu xin quan và cam kết thực hiện. Thứ tư, Đa-ni-ên dứt khoát trong lập trường nhưng thể hiện sự hoà nhã và tích cực trong thái độ và cách cư xử. Con dân Chúa không chỉ đúng trong chân lý mà còn phải đúng trong thái độ và cách cư xử giữa thế gian để chân lý của Chúa được bày tỏ và tiếp nhận.

2. Tin cậy Chúa và hiệp nhất với nhau đối diện những khủng hoảng của cộng đồng (Đa-ni-ên 2)

Đức tin của Đa-ni-ên lại bị thử thách khi vua Nê-bu-cát-nết-sa có một giấc mơ khiến vua bối rối nhưng không thể nhớ lại nội dung, và vua nổi cơn thịnh nộ khi các pháp sư cùng các nhà thông thái của vua không thể thuật lại và giải nghĩa giấc mơ đó theo yêu cầu của vua. Vua ra lệnh cho A-ri-ốc, đội trưởng đội cận vệ của nhà vua đi giết tất cả các nhà thông thái của Ba-by-lôn. Đa-ni-ên hay tin và đã xin hoãn thi hành việc đó một thời gian để tìm hiểu vấn đề.

Ông thông báo cho các bạn và nhờ họ khẩn thiết cầu nguyện. Đêm đó, Đức Chúa Trời tiết lộ giấc mơ của vua và ý nghĩa của nó cho Đa-ni-ên. Sáng hôm sau, ông yêu cầu A-ri-ốc đưa đến gặp nhà vua để thuật lại và giải thích giấc mơ của vua. Đó là giấc mơ về một bức tượng vĩ đại, đầu bằng vàng, ngực và cánh tay bằng bạc, bụng và đùi bằng đồng, ống chân bằng sắt và bàn chân bằng sắt pha đất sét. Trong giấc mơ, một hòn đá rơi vào bức tượng, làm tượng vỡ tan và bị gió thổi bay đi, trong khi tảng đá lớn thành một ngọn núi lớn choán cả trái đất. Đa-ni-ên giải thích rằng phần đầu bằng vàng chính là Nê-bu-cát-nết-sa và những phần còn lại của bức tượng tượng trưng cho sự trổi dậy của các vương quốc nối tiếp, nhưng tất cả sẽ bị vương quốc đời đời của Đức Chúa Trời quét sạch. Vị vua kinh ngạc thừa nhận thẩm quyền tối cao của Đức Chúa Trời và để bày tỏ lòng biết ơn, ông đã bổ nhiệm Đa-ni-ên làm tổng đốc tỉnh Ba-by-lôn, đứng đầu tất cả các nhà thông thái trong vương quốc.

Con dân của Chúa không tránh khỏi sự liên đới với những nan đề, khủng hoảng của thế giới, không phải do mình gây ra. Dù điều đó có vẻ bất công, nhưng Đa-ni-ên và các bạn đã đón nhận nó trong tinh thần tích cực. Họ đã nhờ cậy Chúa để có sự sáng suốt trong ứng xử, và một lần nữa kinh nghiệm sức mạnh của cộng đồng đức tin trong sự cầu nguyện, và cùng nhau ngợi khen, tôn cao danh Chúa khi giải quyết được nan đề. Nếu Chúa đã dùng Đa-ni-ên để cứu nguy cho những nhà thông thái trong khắp Ba-by-lôn, ngày nay Ngài cũng có thể dùng con dân Ngài để giúp ích cho những nhu cầu của cộng đồng, xã hội trong những tình huống khủng hoảng. Điều quan trọng là con dân Ngài cần tin cậy Chúa và hiệp nhất với nhau, nhờ ơn Chúa sống tích cực giữa cuộc đời đầy nhiễu nhương, và sẵn sàng làm công cụ của Chúa theo ý Ngài.

3. Trung tín làm người công bố sứ điệp của Chúa (Đa-ni-ên 4, 5)

Vua Nê-bu-cát-nết-sa có một giấc mơ khác – một cây cao lớn, tán lá đẹp và nhiều trái, bị một vị thánh ra lệnh chặt bỏ, chỉ để lại gốc rễ. Được yêu cầu giải thích giấc mơ, Đa-ni-ên nói với Nê-bu-cát-nết-sa rằng vua là cái cây, và Đức Chúa Trời sẽ đốn hạ ông, khiến ông ăn cỏ như động vật và sống chung với thú đồng nếu vua kiêu ngạo. Đa-ni-ên khuyên vua hãy giữ mình để sự sửa phạt đó không xảy ra. Tuy nhiên, một năm sau, khi đang khoe khoang về quyền lực của mình, nhà vua nghe có tiếng từ trên trời xuống rằng ngôi nước sẽ lìa khỏi vua. Vua trở nên mất trí và nghĩ rằng mình là một con bò. Sau đó, khi đã tỉnh táo trở lại, vua công nhận thẩm quyền và ca ngợi Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên, và được phục hồi địa vị trước đây.

Nhiều năm sau, vua Bên-xát-sa, lúc bấy giờ là người cai trị Ba-by-lôn, đã mời 1.000 khách đến dự một bữa tiệc linh đình, và người ta uống rượu bằng những ly vàng và bạc mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã lấy về từ Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Thình lình, một bàn tay đã viết một thông điệp bí ẩn lên tường mà không ai, kể cả các pháp sư và cố vấn của nhà vua, có thể đọc và hiểu thông điệp. Trong lúc mọi người đang bối rối, hoàng thái hậu đề nghị đưa Đa-ni-ên vào cung điện. Ông được hứa ban thưởng và một vị trí cao trong triều đình nếu giải thích được chữ viết trên tường. Đa-ni-ên từ chối phần thưởng nhưng giải thích thông điệp là một lời cảnh báo về sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với Bên-xát-sa: Vua đã bị cân đong và thấy kém thiếu, vậy nên vua đã bị phán xét, và vương quốc sẽ bị lấy khỏi tay vua. Quả thật, ngay đêm đó, Bên-xát-sa bị giết và vương quốc rơi vào tay người Ba Tư.

Trong cả hai câu chuyện, Đa-ni-ên được nhận biết là sứ giả của Chúa và đã trung tín công bố sứ điệp của Chúa, nhất là trong lúc người ta bối rối trước những nan đề của đời sống. Ông đã trung tín nói ra lẽ thật của Chúa cho dù đó là sứ điệp tiêu cực về người nghe là những người đang cầm quyền, và điều đó có thể ảnh hưởng đến an nguy của ông. Làm thế nào để ông có thể nhận được và trung thành nói ra sứ điệp của Chúa giữa những loạn lạc và thăng trầm của cuộc sống? Hẳn là ông đã luôn sống trong tương giao với Chúa để nhận được sự bày tỏ của Chúa cũng như sự can đảm từ nơi Ngài để luôn nói ra lẽ thật.

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn