Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Áp-sa-lôm – người con phản cha (phần 2)

Âm mưu phản nghịch cướp ngôi vua của Áp-sa-lôm dẫn đến hậu quả thảm hại như thế nào? Chúng ta tiếp tục suy gẫm phần 2 (2 Sa-mu-ên 15 & 18).

1/ Áp-sa-lôm được lòng của dân Y-sơ-ra-ên
Cuộc chạy trốn của Đa-vít từ Giê-ru-sa-lem cho biết đây là bằng chứng về sự hiện diện của Đức Chúa Trời, trước đó dân Y-sơ-ra-ên đã từng ủng hộ Đa-vít làm vua trên họ với một sự vui mừng, phấn khởi (2 Sa-mu-ên 5:1-12), nhưng bây giờ như thế nào? “Có người đến báo tin cho Đa-vít rằng: Lòng của dân Y-sơ-ra-ên nghiêng về Áp-sa-lôm.” (2 Sa-mu-ên 15:13) – chắc chắn đây là một trong những giây phút đau buồn nhất trong đời sống của Đa-vít, vì sự nhục nhã xảy ra với ông không bởi các vua dân Phi-li-tin hay những quốc vương nổi tiếng từ Ê-díp-tô, nhưng từ chính con trai của ông.

Khi nghe tin về những việc Áp-sa-lôm chuẩn bị hành động, Đa-vít biết mạng sống của ông đang lâm vào tình thế nguy hiểm và nếu ông vẫn ở lại trong Giê-ru-sa-lem, thành sẽ gặp nguy hiểm và sẽ bị hủy phá. Vì vậy, Đa-vít tập họp cả nhà ông và những người vác binh khí theo ông chạy trốn. Đa-vít đã chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem để cứu lấy mạng sống và để cho thủ phủ Giê-ru-sa-lem không bị hủy phá (2 Sa-mu-ên 15:14). “Đa-vít bèn nói cùng các tôi tớ ở với mình tại Giê-ru-sa-lem rằng: Hãy chổi dậy và chạy trốn đi, bằng chẳng, chúng ta không thế thoát khỏi Áp-sa-lôm được. Hãy đi mau mau, e nó sẽ đến kịp chúng ta, làm hại cho chúng ta, và dùng gươm diệt thành” (2 Sa-mu-ên 15:14). Lý do khiến vua Đa-vít phản ứng như vậy:

(1) Những điều này xảy ra rất nhanh, Đa-vít không sẵn sàng để chiến đấu với Áp-sa-lôm tại lúc này.

(2) Đa-vít không muốn thành Giê-ru-sa-lem thành một bãi chiến trường và những người ở trong thành trở thành nạn nhân do hành động hung ác của Áp-sa-lôm. Vì vậy, Đa-vít biết điều tốt nhất lúc này là chạy trốn.

(3) Có thể Áp-sa-lôm đã lập kế hoạch hủy phá thủ phủ của Đa-vít cũng như chiếm ngôi vua nhưng Đa-vít đã thoát khỏi cuộc tấn công của Áp-sa-lôm và có kế hoạch trở về Giê-ru-sa-lem (2 Sa-mu-ên 15:16b-17).

Đa-vít được Đức Chúa Trời ban cho một Giao Ước về lời hứa ngôi vua đời đời mãi mãi cho nhà Đa-vít. Ngài không lìa bỏ Đa-vít, Ngài đã ban cho ông hàng trăm người trung thành đi theo ông kể cả những người Phi-li-tin. Hơn nữa Đa-vít vẫn được ủng hộ bởi những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, và đỉnh điểm là Chúa đã nghe những lời cầu nguyện của Đa-vít, đã ban cho ông hy vọng đánh bại sự phản nghịch này và hy vọng trở về lại Giê-ru-sa-lem.

Điểm đáng để ý ở đây là sự bội nghịch của Áp-sa-lôm đối với vua được xức dầu của Đức Chúa Trời cũng tương tự với sự phản nghịch của những người Giu-đa đối với Chúa Giê-xu, Đấng Mết-si-a. Họ không muốn Ngài cai trị trên họ, nhưng Chúa Giê-xu đã chịu chết trên Thập Tự giá vì tội lỗi của họ và của chúng ta, Ngài đã bị chôn và đã sống lại, thăng thiên về trời, nhưng một ngày kia, Ngài sẽ trở lại để cai trị muôn dân muôn nước.

2/ Áp-sa-lôm thất bại và chết
Đa-vít ở trong tình trạng căng thẳng phải chiến trận giữa hành động và cảm xúc trong trách nhiệm của một người cha và của một vị vua, linh hồn sờn ngã trong Đa-vít.

(1) Đa-vít được nói đến không ít hơn 5 lần qua từ liệu “vua” để khẳng định Đa-vít là một người cai trị hợp pháp. Đọc cả đoạn 2 Sa-mu-ên 15, trước giả sử dụng từ liệu “vua” xuất hiện 30 lần – liên tục nhắc nhớ Đa-vít là người được xức dầu của Đức Chúa Trời, có trách nhiệm hành động như một vị vua. Đa-vít đã điều hướng cho 3 tướng lãnh của mình:“Giô-áp lãnh một toán; A-bi-sai, con của Xê-ru-gia, em của Giô-áp, lãnh một toán; còn Y-tai, người Gát, lãnh một toán”. Họ sẽ lãnh đạo ba toán quân, đối xử nhẹ nhàng và “dong cho” Áp-sa-lôm, không chỉ vì Áp-sa-lôm là con trai của ông, nhưng bởi vì Đức Chúa Trời đã đối xử nhẹ nhàng với Đa-vít vì tội lỗi của ông. Đa-vít xứng đáng được tôn trọng và được quan tâm rất nhiều so với bất cứ người nào khác, Đa-vít là người được xức dầu của Chúa.

(2) Cuộc chiến giữa đạo quân của Đa-vít và của Áp-sa-lôm được ghi lại trong 2 Sa-mu-ên 18:6-8. “Chiến tranh lan khắp miền, và trong ngày đó có nhiều người chết mất trong rừng hơn là chết ở dưới lưỡi gươm” cho thấy Đức Giê-hô-va đã cứu giúp những người đi theo Đa-vít qua việc sử dụng rừng cây với một lý do để ban cho ông sự chiến thắng. Từ đầu đến cuối lịch sử, Đức Chúa Trời đã thực hiện quyền tể trị cao cả của Ngài bởi kiểm soát trên thiên nhiên và những rừng cây như thể nào?

(3) Cái chết của Áp-sa-lôm rất thảm bại được ghi lại trong 2 Sa-mu-ên 18:9-18, cho biết đầu của Áp-sa-lôm đã mắc vào một nhành xỏ rế của cây thông hay nhành cây nhô ra bên đường “Các tôi tớ của Đa-vít gặp Áp-sa-lôm cỡi một con la; con la lủi vào dưới nhành xỏ rế của cây thông lớn, đầu Áp-sa-lôm phải vướng trong nhành, và người bị treo giữa khoảng trời đất; còn con la chở người thì thoát đi khỏi.” (2 Sa-mu-ên 18:9). Có người nhìn thấy điều đó và đến nói cho Giô-áp (2 Sa-mu-ên 18:10). Nhưng Giô-áp không vâng theo lệnh vua Đa-vít, ông đã gây thương tích Áp-sa-lôm cách tàn bạo đến chết ngay tại chỗ,“Người bèn lấy ba cây giáo đâm vào trái tim của Áp-sa-lôm, đang còn sống ở giữa cây thông.” (2 Sa-mu-ên 18:14b).

Chúng ta biết một trong những mệnh lệnh trong Luật pháp Môi-se đã quy định cho người con phản nghịch: ném đá cho đến chết (c.16-18) như trong Phục truyền Luật lệ Ký 21:20-21 “Đoạn, cha mẹ sẽ nói cùng các trưởng lão của thành mình rằng: Nầy con chúng tôi khó dạy và bội nghịch, không vâng lời chúng tôi, làm kẻ hoang đàng say sưa. Bấy giờ, chúng dân thành ấy sẽ ném đá cho nó chết; như vậy ngươi sẽ cất sự ác khỏi giữa mình, và cả Y-sơ-ra-ên sẽ hay điều đó mà bắt sợ.”

Đức Chúa Trời trừ diệt Áp-sa-lôm bởi sự phản nghịch của ông đối với người được xức dầu của Đức Chúa Trời, “Người ta lấy thây Áp-sa-lôm, ném vào trong một cái hố lớn ở giữa rừng, rồi chất đá lên trên người thành một đống lớn. Hết thảy mọi người Y-sơ-ra-ên đều chạy trốn về trại mình.” (2 Sa-mu-ên 18:17). Thay vì có một dòng dõi các vua kế vị ông, nhưng tất cả những gì Áp-sa-lôm đã để lại là một bia kỷ niệm đống đá tự dựng cho chính mình (2 Sa-mu-ên 18:18). Áp-sa-lôm đã thất bại để nhận được sự tôn trọng, cái bia của Áp-sa-lôm dựng cao 52 foot = 15,24 m, nằm phía đông khu vực Đền Thờ trong những ngày đầu thế kỷ thứ nhất S.C, đánh dấu một vết đen trong lịch sử Y-sơ-ra-ên cho đến ngày hôm nay. Hành động liều lĩnh của Áp-sa-lôm đã thất bại từ lúc ban đầu, bởi vì ông đã chống nghịch lại ý muốn của Đức Chúa Trời. Sa-lô-môn chính là sự lựa chọn của Đức Chúa Trời để kế vị Đa-vít (1 Các vua 1:13, 17, 30; 1 Sử ký 22:9-10).

Áp-sa-lôm đã cố kiếm cho được vị trí kế vị ngôi vua theo phong tục truyền thống, Đức Chúa Trời là Đấng quyền thế cao cả của Y-sơ-ra-ên – Ngài có quyền lựa chọn bất cứ người nào Ngài muốn họ lãnh đạo dân sự của Ngài. Gắng sức của Áp-sa-lôm để chiếm ngôi vua Đa-vít, một lần nữa chứng minh sự không vâng lời giao ước của Đức Chúa Trời (Luật pháp Môi-se) đưa đến sự mất phước trong Y-sơ-ra-ên. Thật vậy, những kẻ thù với người được xức dầu của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ thành công.

(4) Thông tin về cái chết của Áp-sa-lôm: A-hi-mát – con trai của Xa-đốc, muốn là người đầu tiên báo cho Đa-vít biết tin tức về sự chiến thắng này, vì những người báo tin thường nhận một phần thưởng bởi do mang tin tức tốt lành! (2 Sa-mu-ên 18:19). Đa-vít không ban thưởng cho người với những tin tức đó và có thể sẽ bị giết chết.
Nhưng Giô-áp đã sai Cu-si (2 Sa-mu-ên 18:21), một trong những người đi theo Giô-áp (2 Sa-mu-ên 18:15), chạy về báo cho Đa-vít tin xấu này. Có thể Giô-áp đã chọn người này bởi vì Cu-si là người ngoại bang, Cu-si đến từ khu vực sông Nin (Nubia, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay). Khi Đa-vít nhìn thấy đã kết luận người đang chạy về mang tin tức tốt lành bởi vì nếu đạo quân của Đa-vít bị thua thì nhiều người sẽ chạy ẩn nấp đến Ma-ha-na-im. Vì A-hi-mát có thể đã không nói thật về số phận của Áp-sa-lôm (2 Sa-mu-ên 18:29).

Cu-si đã đến theo sau đó với tin tức về cái chết của Áp-sa-lôm (2 Sa-mu-ên 18:31-32), Đa-vít đã ẩn mình than khóc khi ông nhận tin đó “Ước chi chính ta chết thế cho con! Ôi, Áp-sa-lôm! con trai ta! con trai ta!” (2 Sa-mu-ên 18:33b) và trong trường hợp này Đa-vít đã cư xử như một người cha hơn là một vị vua.

(5) Phản ứng của Đa-vít đối với cái chết của Áp-sa-lôm – rất tương tự với cách ông đã bày tỏ khi nghe về cái chết của Sau-lơ (2 Sa-mu-ên 1). Không có gì sai trật khi Đa-vít khóc than về cái chết của Áp-sa-lôm! Khi nghe tin Áp-sa-lôm chết, vua Đa-vít đau đớn như dao cắt ruột ông. Đa-vít đã kiềm chế nỗi đau buồn trong lòng từ khi Áp-sa-lôm đã phản nghịch đối với người được xức dầu của Đức Chúa Trời như ông.

Tóm lại, bởi do tội lỗi, Đa-vít phải chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem, và ông đã trải qua nhiều nỗi đau đớn, buồn thảm. Cũng bởi do tội lỗi, Áp-sa-lôm đã chết mà không có sự tôn trọng. Tuy nhiên, mặc dầu Đa-vít phạm tội nhưng Đức Chúa Trời đã phục hồi ông, cho ông được mạnh sức bởi Giao Ước của Ngài lập với ông và dòng dõi ông, bởi sự lựa chọn của Ngài và bởi vì Đa-vít theo lòng của Đức Chúa Trời và sự ăn năn thống hối của Đa-vít khi tiên tri Na-than nhắc nhở và đã cũng được bày tỏ rõ nét trong Thi Thiên 51. Đức Chúa Trời đã hình phạt Đa-vít vì ông không vâng Lời Chúa và Luật pháp Môi se. Tuy nhiên, Ngài không phán Ngài sẽ diệt trừ ông như Ngài đã trừ diệt Sau-lơ (2 Sa-mu-ên 12: 13-14).

Bài học suy gẫm:
Cơ Đốc nhân cần nhận biết khi thất bại, sa ngã, phạm tội vì xem thường Lời Chúa, hãy nhanh chóng ăn năn những lỗi lầm, sai trật của mình, ăn năn thật trong sự hạ mình khiêm nhường. Cơ Đốc nhân là con cái của Chúa, chúng ta có một người bạn thân thiết – đó chính là Chúa Giê-xu. Ngài là Đấng yêu thương chúng ta thậm chí khi chúng ta không đáng để yêu thương, là tội nhân đáng chết, nhưng Ngài đã chịu chết thay cho chúng ta trên Thập Tự giá ban ơn cứu rỗi cho chúng ta. Ngài gọi chúng ta là bạn hữu trong khi chúng ta hành động như kẻ thù nghịch với Ngài: “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:13). Ngài là người bạn thân thiết nhất, người bạn thành tín.

Tất cả Cơ Đốc nhân là con cái của Chúa nên cần nhớ sự kêu gọi của Chúa dành cho chúng ta và những quyết định trong nếp sống Cơ Đốc phải dựa vào nền tảng được bày tỏ trong Kinh Thánh. Cơ Đốc nhân nhờ Lời Chúa nhắc nhở bổn phận làm con cái đừng phạm những lầm lỗi như Áp-sa-lôm gây tổn thương, đau buồn cho cha mẹ. Bổn phận làm cha mẹ cũng phải bày tỏ tình yêu thương và lòng nhân từ tha thứ cho con cái, dạy dỗ chúng nó sống theo Lời Chúa dạy trong tinh thần Cô-lô-se 3:20 hay Rô-ma 6:12-13 & 1 Giăng 1:9.

(Nhóm biên tập Chuyên mục Nhân vật Kinh Thánh)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn