Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Con cái Chúa có được xăm để thể hiện cá tính?

Con thấy ngày nay có rất nhiều bạn trẻ đi xăm. Con cũng thấy nhiều người xăm chi chít lên cánh tay, cẳng chân, lưng, cổ,… trông phản cảm thật. Nhưng nếu chỉ xăm hình nhỏ nhỏ như là 1 bông hoa, hay 1 cây thập tự giá, hay hình trái tim thì con thấy cũng hay hay, cũng thể hiện chút cá tính. Con có thể xăm những hình ảnh như vậy được không ạ?

Mến chào con,

Đọc câu hỏi của con, Góc Tâm Vấn biết con là một thanh niên rất cẩn thận trong hành động của mình. Nếu như ngày xưa, người ta thường không mấy thiện cảm khi nhìn thấy hình xăm trên cơ thể một người nào đó, thì ngày nay, hình xăm ngày càng trở nên phổ biến và đang là trào lưu của giới trẻ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Sống trong một xã hội như vậy, người trẻ Cơ Đốc ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Và con cũng không ngoại lệ. Nhưng điều đáng khen là con không vội vàng hành động để theo kịp trend, để giống bạn bè, mà biết đặt câu hỏi Cơ Đốc nhân làm như vậy có được hay không. Góc Tâm Vấn xin trả lời thắc mắc của con như sau:

Trong Cựu Ước, Lê-vi Ký 19:28 là câu Kinh Thánh duy nhất có nhắc đến hành động “xăm”: “Chớ vì kẻ chết mà cắt thịt mình, chớ xăm vẽ trên mình: Ta là Đức Giê-hô-va.” Xét về ngữ cảnh, đây là mạng lịnh của Đức Chúa Trời dành riêng cho tuyển dân Y-sơ-ra-ên. Ngài muốn họ học tập nếp sống thánh khiết, không bắt chước những tập tục của các dân ngoại, trong đó có tục xăm vẽ trên mình để than khóc người chết.

Trong Tân Ước, không có câu Kinh Thánh nào nói cụ thể đến việc xăm mình. Tuy nhiên, một số câu Kinh Thánh trong Tân Ước có thể được xem là nguyên tắc giúp con trả lời câu hỏi có nên xăm hình này hình nọ lên cơ thể mình hay không.
Thứ nhất là I Cô-rinh-tô 6:19-20 “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy hãy lấy thân thể mình là sáng danh Đức Chúa Trời.” Khi đã tin nhận Chúa, thân thể của con trở thành đền thờ nơi Chúa Thánh Linh ngự, được Chúa Giê-xu chuộc bằng một giá rất cao là chính huyết của Ngài. Điều này chứng tỏ thân thể của con rất quan trọng đối với Ngài. Vì đã được chuộc, nên thân thể của con bây giờ không thuộc về con nữa, mà thuộc về Chúa. Vì vậy, con không thể tự ý dùng thân thể con theo ý con muốn, mà phải theo ý Chúa muốn. Con hãy tự hỏi Chúa có đồng ý cho con xăm lên cơ thể những hình ảnh như con muốn hay không.
Thứ hai, I Cô-rinh-tô 10:31 “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” Việc con xăm những hình đó có làm vinh hiển danh Chúa không? Con có chắc tất cả mọi người đều có cái nhìn thiện cảm với con khi họ thấy hình xăm đó trên cơ thể con không? Hình đã xăm không dễ xóa đi, một số màu xăm vĩnh viễn không thể xóa mờ. Nếu sau này con sinh sống hay làm việc ở một nơi mà người ta không có cái nhìn tốt đẹp về người xăm vẽ thì có phải con đã không làm sáng danh Chúa nếu họ biết con là người tin Chúa không?
Thứ ba, I Cô-rinh-tô 10:23 “Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt.” Con có nghĩ rằng con sẽ làm gương tốt cho bạn bè (tin Chúa lẫn chưa tin Chúa) với những hình xăm trên thân thể mình không? Con nghĩ rằng hình xăm sẽ đem lại ích lợi gì cho con, cho gia đình, cho Hội Thánh, cho cộng đồng?
Và câu Kinh Thánh cuối cùng để con suy nghĩ là I Tê-sa-lô-ni-ca 5:22 “Bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi.” Người thuộc về Chúa không phải chỉ tránh điều ác, mà phải tránh cả những việc “tựa như điều ác”, tức là những việc có khả năng dẫn chúng ta tới “điều ác”. Và “điều ác” tức là những điều không làm đẹp lòng Chúa, không đúng theo lời dạy của Chúa, chứ không phải giết người, trộm cướp, đánh nhau,… mới là điều ác con nhé.

Ngoài ra, hình xăm không làm cho con trở nên có giá trị hơn hay cá tính hơn người khác. Giá trị hay cá tính của một con người thể hiện ở cách cư xử, cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Đó mới là giá trị thật, cá tính “thật” và là điều thu hút người khác. Còn “cá tính” được đánh giá qua cách ăn mặc, trang sức bên ngoài sẽ không bền lâu và vì vậy không có giá trị lâu dài. Chắc chắn con muốn mình trở thành người có cá tính “thật” và “hấp dẫn” được nhiều người phải không nào?

Xăm hình lớn hay hình nhỏ không quan trọng, vì bản chất vấn đề đều như nhau. Cơ Đốc nhân không nên xăm không phải chỉ vì có những hình xăm “trông phản cảm” và không đem lại ích lợi gì về mặt tâm linh, mà còn vì những bất lợi về phương diện y khoa nữa, chẳng hạn như: mực xăm rất độc hại cho cơ thể, xăm hình dễ dẫn đến nhiễm trùng và làm ảnh hưởng đến tiến trình điều trị một số bệnh (khi chụp cộng hưởng từ, quá trình sinh thiết để điều trị ung thư), gây một số bệnh lý về da, ảnh hưởng xấu lên hệ miễn dịch. Ngoài ra, Góc Tâm Vấn có đọc được thông tin như sau trên một tờ báo mạng: theo một nghiên cứu khảo sát hơn 30 triệu người có hình xăm trong độ tuổi từ 18 đến 35 thực hiện vào năm 2016, khoảng 25% số người tham gia cho biết rằng họ hối hận vì đã xăm hình. Một nghiên cứu khác thì cho thấy 86% sinh viên tin rằng hình xăm trên cơ thể sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ hội thăng tiến trong tương lai của người đó.

Tóm lại, vì sao chúng ta phải làm một việc lợi bất cập hại chỉ để thể hiện mình hay để “đu” trend- nói theo ngôn từ của giới trẻ bây giờ? Cầu xin Chúa soi sáng và cho con sự can đảm để nói “Không” với những giá trị tạm bợ thuộc về đời này, nhưng biết tìm kiếm và trau dồi những điều có giá trị lâu dài thuộc về cõi đời đời. Thân mến.

Quý tín hữu có thắc mắc hay vấn đề cần chia sẻ với GÓC TÂM VẤN, vui lòng làm theo 1 trong 2 cách sau:
Nhấp vào link này để ghi nội dung muốn chia sẻ https://forms.gle/UbSbMHVAAqLSWtfN9
Gửi vào địa chỉ email: tamvan@httlsaigon.org (với nội dung: tuổi, giới tính, nan đề hoặc thắc mắc muốn chia sẻ)

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn