Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Thương xót là hành động

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 9:35-36

“Đức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh. Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn.” (BTT)

Ốm đau, bệnh tật và nhiều loại dịch giã xảy ra trong mọi xã hội. Hai ngàn năm trước, y học chưa phát triển nên nhiều người mắc bệnh đã phải chết. Nhưng ngay cả ngày nay, với phương pháp điều trị tinh vi sẵn có ở hầu hết các thành phố thì y học vẫn thất bại 100% – vì cuối cùng mọi người đều chết. Và những người được Chúa Jêsus chữa lành cũng vậy (kể cả ba người Chúa đã kêu sống lại).

Mục đích chức vụ chữa lành của Đấng Christ không phải là để ngăn chặn mọi bệnh tật hoặc sự chết. Thật vậy, dù Chúa đã thực hiện nhiều phép lạ chữa lành, nhưng vẫn có nhiều người không được lành bệnh. Khi Chúa Jêsus từ chối làm phép lạ tại quê hương Ngài là Na-xa-rét, Ngài nhắc họ rằng chữa lành không phải là quyền mà con dân Chúa được đòi hỏi (Lu-ca 4:23-27), nhưng đó là dấu hiệu của tình yêu thương và sự cứu rỗi đời đời mà Đức Chúa Trời dành cho những người bất lực. Chúa Jêsus thể hiện lòng thương xót bởi vì Ngài là Đức Chúa Trời: sự chữa lành là dấu hiệu cho thấy Ngài đã đến để cứu những người bất lực và tuyệt vọng (Lu-ca 19:10) … để ban cho họ niềm hy vọng đời đời (Giăng 5:24).

Lý do Chúa đến thế gian là để làm điều vĩ đại hơn việc chữa lành những thân thể bệnh tật trong vài năm – Ngài đến để rịt lành những tấm lòng tan vỡ vì tội lỗi (Ê-sai 61:1) và ban cho họ sự sống đời đời lẫn sự đảm bảo (Giăng 10:28). Mục đích chủ yếu khiến Chúa chữa bệnh không phải để làm hài lòng người bệnh (mặc dù mọi người luôn được lợi khi Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương của Ngài), nhưng để tôn vinh chính Ngài là Đức Chúa Con; và để chứng minh rằng Ngài là Đấng Mết-si-a (Lu-ca 4:18-19).

Sự đau khổ ở bất kỳ hình thức nào cũng đều khiến chúng ta đau buồn, sự đau đớn và những bất thường trong tâm trí và thể xác của chúng ta cũng vậy. Tìm đến Chúa Jêsus để được giúp đỡ là điều tự nhiên. Chúng ta biết Ngài đầy lòng thương xót và bày tỏ tình yêu thương bằng nhiều cách. Các trưởng lão trong Hội Thánh được phép cầu nguyện cho người bệnh (Gia-cơ 5:14-16), nhưng chúng ta không có quyền đòi hỏi sự chữa lành hoặc cố gắng điều khiển Đức Chúa Trời để Ngài ban cho chúng ta điều mình muốn. Phước lành lớn nhất mà chúng ta có thể nhận được là sự sống đời đời, những điều sai trái và tội lỗi của chúng ta được xóa bỏ và chúng ta biết rằng mình được chấp nhận trong nước Ngài. Như tất cả các sứ đồ đã nghiệm ra, nếp sống Cơ Đốc không bao giờ dễ dàng và chúng ta thường không có gì ngoại trừ ân điển của Chúa- và như thế là đủ (2 Cô-rinh-tô 12:9).

Lạy Đức Chúa Trời nhân từ, con cảm ơn Ngài đã cứu con qua sự chết hy sinh của Chúa Jêsus Christ. Xin tha thứ cho con mỗi khi con tìm kiếm các phước lành Ngài ban nhưng lại coi thường danh tính của Đấng Christ, và không dâng vinh hiển cho Ngài. Xin giúp con thể hiện lòng thương xót chân thành giống như Đấng Christ; để gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của con biết đến tình yêu của Ngài. Nhân danh Chúa Jêsus, A-men.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn