Kinh Thánh: Giăng 13:31-32
“Khi Giu-đa đã ra rồi, Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hiện bây giờ Con người được vinh hiển, và Đức Chúa Trời được vinh hiển nơi Con người. Đức Chúa Trời cũng sẽ làm cho Con người vinh hiển nơi chính mình Ngài, và Ngài sẽ kíp làm cho vinh hiển.” (BTT)
Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã đi ra. Giờ đây, chỉ còn những môn đồ sau này sẽ trở thành sứ đồ của Hội thánh đầu tiên ở trong phòng với Chúa Jêsus. “Những lời cuối cùng trước khi chết” của Ngài (Giăng 13:31-17:26) sẽ khắc sâu vào tâm trí và tấm lòng các sứ đồ. Chúa Jêsus bắt đầu bằng cách nói về sự vinh hiển. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là đích đến cuối cùng trong tất cả những gì Ngài làm. Đó là mục tiêu của bản thể Ngài và sự hài lòng về tất cả những gì Ngài đã dựng nên. Trong những câu Kinh Thánh này, Chúa Jêsus nói rằng vinh quang của Đức Chúa Trời được nhìn thấy rõ ràng qua sự cứu chuộc vinh hiển của Ngài trên thập tự giá và lúc Ngài phục sinh. Dù cho Chúa Jêsus tự bỏ sự vinh hiển của Ngài để chịu đóng đinh trên thập giá (Phi-líp 2:7-8), Ngài vẫn là Đức Chúa Trời và được mọi người nhìn thấy vào ngày thứ ba sau khi chết.
Mặc dù chúng ta có thể nghĩ đến việc Chúa Jêsus chịu chết vì chúng ta, nhưng lý do cuối cùng của Ngài là để tôn vinh Đức Chúa Cha: để mọi người và mọi tạo vật có thể thấy Đức Chúa Trời vĩ đại biết bao (Rô-ma 8: 19-21). Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Jêsus sử dụng từ “vinh hiển” và từ này xuất hiện 5 lần trong hai câu dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngài muốn các sứ đồ bắt đầu nhiệm vụ của họ với tư cách là những người quản trị Hội Thánh với lòng tin chắc rằng Ngài mãi mãi là Đức Chúa Trời vinh hiển, và Phúc Âm thể hiện rõ ràng nhất bản tính vinh hiển của Ngài. Nếu không vì sự vinh hiển trong tương lai, Hội Thánh không bao giờ có thể chống chọi lại cơn bắt bớ kéo dài cũng như thông điệp của Phúc Âm cũng sẽ không tốt hơn các hệ phái ngoại giáo hoặc chính thống giáo. Nếu Chúa Jêsus chỉ là một con người bình thường, thì sẽ không có Phúc Âm để rao truyền, nhưng nếu rõ ràng Đức Chúa Trời đã tôn Ngài là Thần, thì các sứ đồ sẽ biết chắc chắn rằng Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mang lại cho chúng ta sự tự tin và một mục tiêu hoàn toàn không vị kỷ cho cuộc sống và cái chết của chúng ta. Hội Thánh nhận ra sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là mục tiêu của Hội thánh (1 Phi-e-rơ 1:7; 4:13).
Chúng ta không thể sống nếp sống Cơ Đốc đúng đắn khi quên rằng chương trình vĩ đại của Đức Chúa Trời tập trung vào sự mặc khải về vinh quang của Ngài chứ không phải đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Chính Đấng Sáng tạo mới là trọng tâm chứ không phải là sự sáng tạo. Dần dần các sứ đồ sẽ hiểu điều đó. Có lẽ chỉ hai người trong số họ chết một cách tự nhiên; Sứ đồ Phao-lô được khích lệ trong chức vụ khi biết rằng “những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta” (Rô-ma 8:18). Dù hiện tại bạn đang vui hay buồn, thì mục đích cuối cùng của Đức Chúa Trời là bày tỏ vinh hiển của Ngài để mọi người có thể thấy Đức Chúa Trời vĩ đại là dường nào. Hoặc chúng ta chỉ nói về những điều khiến chúng ta vui hay làm chúng ta buồn để mọi người nghĩ rằng chúng ta tuyệt vời như thế nào. Sự khác biệt nằm ở hình ảnh về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Lạy Chúa nhân từ, con cảm ơn Chúa vì Ngài thật tuyệt vời và làm mọi việc thật tốt lành. Con xin Chúa tha thứ những khi con cứ chăm chăm vào thành công và biến cố trong đời sống của chính mình để khiến mọi người nhìn vào con. Xin Ngài giúp con thấy rằng những gì mọi người nghĩ về Chúa mới là quan trọng. Xin cho con biết quay lưng lại với mục tiêu tội lỗi là trở thành tâm điểm của sự chú ý. Thay vào đó, xin giúp con sống sao cho mọi người thấy Chúa Jêsus là Đấng Cứu Rỗi tuyệt vời. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus, Amen!
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work