Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Việc Đức Chúa Trời hay việc loài người?

Kinh Thánh: Mác 8:31-33

“Bấy giờ, Ngài khởi sự dạy môn đồ rằng Con người phải chịu khổ nhiều, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo loại ra, phải chịu giết, sau ba ngày phải sống lại. Ngài nói tỏ tường điều đó với môn đồ. Phi-e-rơ đem Ngài riêng ra, mà can gián Ngài. Nhưng Đức Chúa Jêsus xây lại ngó môn đồ, và quở Phi-e-rơ rằng: Hỡi quỷ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta.” (BTT)

Sau lời xưng nhận đầy kịch tính của Phi-e-rơ về danh tính của Chúa Jêsus, có lẽ ông mong đợi một đám rước khải hoàn bắt đầu. Nhưng ngay cả trước khi hoá hình (Mác 9:2-10), Chúa Jêsus vẫn phải dạy cho các sứ đồ rằng Ngài sẽ là Đấng Christ phải chịu khổ. Cuối cùng Ngài sẽ được vinh hiển, đúng vậy… nhưng chịu khổ là yếu tố cần thiết đầu tiên. Điều đó đã được tiên tri (Ê-sai 53:1-12); việc chịu khổ cũng là điểm chung của các nhà tiên tri thời Cựu Ước (Ma-thi-ơ 5:11-12; Ma-thi-ơ 23:35) và cuộc đời của các sứ đồ dự kiến cũng sẽ như vậy (Giăng 15:18-21). Họ cần chuẩn bị sẵn sàng.

Nhưng Phi-e-rơ rất tức giận khi Chúa Jêsus lại suy tính đến việc chịu khổ, đến mức ông dám can gián Chúa Jêsus! Tâm trí của ông quá chăm chú vào quyền phép và sự vinh hiển, đến nỗi ông không thể nhìn thấy sự cần thiết của thập tự giá. Thế nhưng đây không phải trách nhiệm của Phi-e-rơ. Chúa Jêsus thấy trước vấn đề từ lời sửa sai cách riêng tư của Phi-e-rơ nên Ngài quở trách Phi-e-rơ nghiêm khắc đến nỗi ông sẽ không bao giờ quên được. Chúa Jêsus không chỉ phơi bày suy nghĩ của Phi-e-rơ là thuộc về xác thịt và thế gian, mà còn thuộc về ma quỷ. Sa-tan tìm cách sử dụng môi miệng của sứ đồ để làm cho Chúa Jêsus chệch hướng khỏi lộ trình của Ngài (còn môi miệng của Giu-đa lại được dùng để phản Chúa Jêsus, và xác nhận sự bội phản đó bằng một nụ hôn). Khát vọng của Phi-e-rơ là muốn Chúa Jêsus trở thành một nhà lãnh đạo nổi tiếng chống lại chính quyền, sẽ lật đổ người La Mã. Còn khát vọng của Chúa Jêsus là chết như một của lễ chuộc tội thế gian (I Giăng 2:2). Hai động cơ, mong muốn, cách thức tiến hành và mục tiêu hoàn toàn trái ngược nhau. Đường lối của Phi-e-rơ cho thấy khía cạnh xấu xa của loài người; còn đường lối của Chúa Jêsus là kế hoạch của Đức Chúa Trời.

Việc Cơ Đốc nhân chịu khổ một phần là do sự thù ghét của những người không tin kính với những người tin kính, và một phần là ý muốn của Chúa để chứng minh sự khác biệt cơ bản của một Hội Thánh giống Đấng Christ. Phao-lô đã dạy điều này cách tỏ tường trong Phi-líp 1:27-29. Nhưng lý do chính mà Đấng Christ chịu khổ là để cất tội lỗi thế gian đi (Giăng 1:29), mở đường cho sự tha tội, được nhận vào gia đình của Đức Chúa Trời, và cơ nghiệp đời đời cho tất cả những ai ăn năn và tin vào Phúc Âm (Hê-bơ-rơ 9:28). Không ai hiểu được điều đó trước khi Chúa sống lại và trước Lễ Ngũ Tuần, kể cả các môn đồ, nhóm phụ nữ ủng hộ, những người sùng đạo chống nghịch Chúa Jêsus, lẫn chính quyền La Mã (I Cô-rinh-tô 2:7-9). Ý nghĩa đầy đủ chỉ trở nên rõ ràng vào Lễ Ngũ Tuần khi Đức Thánh Linh xếp các mảnh ghép lại với nhau (I Cô-rinh-tô 2:10).

Thế gian không thể nhìn thấy ý nghĩa của việc Chúa Jêsus chịu khổ, hay việc Hội Thánh chịu khổ; nhưng khi hiểu được, thì điều đó sẽ biến đổi cuộc đời họ! Tuy nhiên, Hội Thánh lại thường xuyên từ chối loan báo về Đấng Cứu Thế và Đấng nắm giữ chìa khoá thiên đàng, con đường duy nhất để đến với Đức Chúa Cha. Vậy nên việc nói về Chúa Jêsus như một người thầy nhân từ hay một người chữa bệnh quyền năng là chưa đúng. Chúa Jêsus được đặt tên như vậy bởi vì Ngài sẽ “cứu dân Ngài ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21). Và điều đó có nghĩa là chịu chết trên thập tự giá. Khi bạn bỏ qua điều đó trong cuộc trò chuyện của mình, thì Sa-tan đã thắng thêm một trận chiến nữa. Có phải đây cũng là một lời quở trách rất cần thiết dành cho chúng ta chăng?

Kính lạy Đức Chúa Cha! Tạ ơn Ngài vì Đức Chúa Jêsus Christ đã chịu thương khó và chết thay cho con để con được hoà thuận với Ngài. Xin Chúa tha tội cho con vì con đã quá im lặng về sự chết của Chúa Jêsus, là cơ sở duy nhất để chúng con được tha tội. Xin Chúa giúp con mạnh dạn chia sẻ về lẽ thật này, hầu cho những người khác cũng được sống trong tình yêu thương của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn