Hỏi: Em thấy cô giáo vẽ hình minh hoạ bà Ê-va ăn trái táo, là trái cấm. Có phải Kinh Thánh chép trái cấm là trái táo không?
Đáp: Không. Kinh Thánh không nói loại trái cây Ê-va và A-đam ăn là trái táo, được gọi là trái cấm.
Trong sách Sáng thế Ký, A-đam và Ê-va được lệnh không được ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác. Cây này là một trong hai cây mà Chúa đã xác định là đặc biệt trong Vườn Địa Đàng: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác” (Sáng thế Ký 2:9). Khi A-đam và Ê-va không vâng lời Đức Chúa Trời, muốn đặt bản thân mình ngang bằng với Chúa và đi theo con đường của riêng họ, họ ăn trái cây đó, và bị trục xuất khỏi Vườn Địa đàng. Họ bị kết án một cuộc sống cực nhọc, đau khổ và cuối cùng kết thúc bằng cái chết tâm linh gây ra sự ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người vì tội lỗi. Tội lỗi xâm nhập vào thế giới. Đây là sự sa ngã của con người, hoặc nguyên tội là điều để giải thích tại sao thế giới không hoàn hảo và tại sao loài người phải đối mặt với đau khổ và cái chết (tham chiếu Sáng thế Ký 3:19).
Mặc dù người ta thường nghĩ trái cấm là trái táo, nhưng Kinh Thánh không thực sự nói đó là loại trái cây gì. Thật vậy, Kinh Thánh có chép: “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa” (Sáng thế Ký 3:6). Từ liệu trái cây trong câu Kinh Thánh trong tiếng Hy-bá-lai là פֶּ֫רִי (pərî ), chỉ là trái cây chung chung.
Một số học giả tôn giáo cho rằng mối liên hệ giữa trái táo với trái cấm có thể bắt đầu khi Kinh Thánh được dịch từ tiếng Hy-bá-lai sang tiếng La-tinh cổ (Bản Vulgate). Điều này có thể bắt nguồn từ sự giống nhau của các từ liệu tiếng La-tinh cho cái ác, độc ác (mălum) và trái táo (malus). Văn hóa đại chúng luôn khẳng định rằng trái cấm là một trái táo. Trên thực tế, Cơ Đốc giáo La-tinh thường đồng nhất trái cấm với trái táo. Mặt khác, truyền thống Hy Lạp và Do Thái thường đánh đồng trái cấm với trái sung hoặc trái nho. Còn các Ra-bi Do Thái mô tả trái cây (pərî ) theo nhiều cách khác nhau như trái vả, trái lựu, trái nho, hoặc thậm chí là lúa mì. Vì vậy, chúng ta không biết loại trái cây nào trên cây biết điều thiện và điều ác. Những gì chúng ta biết là trái cây đó trông giống như thức ăn ngon và đẹp mắt. Dù là loại trái cây nào, trái táo hoặc trái lựu được nhiều người lấy làm biểu tượng cho trái cấm trong nghệ thuật, thì điều đó không quan trọng. Vì sao?
Trái cấm là một phép ẩn dụ theo nghĩa nó tượng trưng cho sự hiểu biết về thiện và ác. A-đam và Ê-va biết điều gì là tốt, là thiện, vì chính họ được Chúa tạo nên một cách hoàn hảo trong vườn Ê-đen. Họ không chỉ có một cuộc hôn nhân tốt đẹp mà còn là một cuộc hôn nhân hoàn hảo không tì vết. Tội lỗi, sự xấu hổ và điều ác ban đầu không tồn tại trong sự hoàn hảo này. Bản thân cây không có gì có hại, và trong trái của cây cũng không có gì có hại. Giống như mọi thứ khác, trái cây đó rất tốt lành. Nhưng ăn trái cây đó thì rất xấu, vì ăn trái cây đó sinh ra sự hiểu biết về điều ác. Con người đã biết điều tốt, điều đúng. Trước khi ăn trái cấm, A-đam và Ê-va hiểu rằng vâng lời Đức Chúa Trời là đúng và không vâng lời Ngài là sai. Lời hứa về sự chết vì không vâng lời (tham chiếu Sáng thế Ký 2:16–17) cho họ biết rằng chống nghịch Đức Chúa Trời là điều ác. Ngay khi không vâng lời Đức Chúa Trời, theo kinh nghiệm, con người sẽ nhận thức được điều ác, bởi vì điều ác là không vâng lời Đức Chúa Trời.
Nói tóm lại, Kinh Thánh không xác định trái của cây biết điều thiện điều ác là loại trái nào. Vì vậy, khi đọc câu chuyện về sự sa ngã của nhân loại, thay vì tập trung tìm hiểu trái cấm trong sách Sáng thế Ký là gì, thì hãy nhìn biết hành động bất tuân của A-đam và Ê-va đối với Đức Chúa Trời đã để lại hậu quả như thế nào và từ đó học lấy những bài học cho chính mình.
Trích từ tổng hợp các nguồn