Kinh Thánh: Mác 14:32-34
“Kế đó, đi đến một nơi kia, gọi là Ghết-sê-ma-nê, Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ rằng: Các ngươi hãy ngồi đây, đợi ta cầu nguyện. Ngài bèn đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi, thì Ngài khởi sự kinh hãi và sầu não. Ngài phán cùng ba người rằng: Linh hồn ta buồn rầu lắm cho đến chết; các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức.” (BTT)
Tỉnh thức và cầu nguyện dường như là hai việc ít được quan tâm nhất với hầu hết các Cơ Đốc nhân. Chúng thường được thay thế bằng hành động và lời nói hơn. Nhưng đối với Chúa Jêsus, việc cầu nguyện trong khi chờ đợi ý Cha là điều hiển nhiên. Trong suốt thời gian thi hành chức vụ, Ngài đã chờ đợi đến ngày chết trên thập tự giá, và cũng trong suốt chừng ấy thời gian, Ngài vẫn luôn cầu nguyện với Đức Chúa Cha. Sự cầu nguyện của Ngài trong đêm đó không phải là một hành động bộc phát tức thì, mà đó là một thói quen trong cuộc sống của Ngài (Hê-bơ-rơ 5:7), bởi vì thập hình là giá mà Chúa phải mang, và chắc chắn hình ảnh thập giá cũng chiếm trọn phần lớn thời gian cầu nguyện của Ngài vào mỗi buổi sáng sớm (Mác 1:35).
Thời khắc Chúa phải mang lấy thập tự đã đến gần hơn bao giờ hết. Điều quan trọng nhất mà Ngài có thể làm lúc này là chia sẻ tất cả những tâm tư và cảm xúc sâu kín nhất với Đức Chúa Cha trước khi sự tương giao bị cắt đứt (Mác 15:34). Chúng ta không biết rõ Chúa Jêsus đã cầu nguyện những gì nhưng chúng ta biết chắc rằng linh hồn Ngài đang trong cơn đau đớn cực độ. Gánh nặng tội lỗi của cả thế gian đang đè nặng lên vai Ngài: trách nhiệm làm Chiên Con cho Lễ Vượt Qua để gánh lấy tội lỗi của nhân loại thật quá sức với Ngài (I Cô-rinh-tô 5:7). Nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài yếu đuối; mà chính việc Ngài phải gánh lấy mọi thứ trong thân thể mình mới là điều vô cùng ghê tởm đối với Ngài (I Phi-e-rơ 2:24).
Tại sao Chúa lại đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi cùng Ngài? Có phải họ có thể khiến ách Ngài mang dễ dàng hơn không? Hay họ có thể giúp gì chăng? Chúa Jêsus đưa ba môn đồ theo cùng để chứng kiến sự đau đớn của Con Đức Chúa Trời khi phải gánh lấy hình phạt bởi tội lỗi của thế gian. Với vai trò là các sứ đồ lãnh đạo Hội Thánh ở Giê-ru-sa-lem, họ cần biết rằng dù Chúa đã tiên tri đến ba lần về việc Ngài sẽ chịu chết và sống lại, nhưng đó không phải là bài tập thuộc linh. Ngài cũng cần các nhân chứng để minh chứng cho sự khốn khổ mà Ngài phải chịu (Phục truyền Luật lệ Ký 19:15; Công vụ 1:8). Đó là lần duy nhất Đức Chúa Trời mang lấy tội lỗi, hầu cho hễ ai tin thì sẽ nhận được sự công bình của Ngài (II Cô-rinh-tô 5:21). Đối diện với sự bắt bớ trong tương lai, sẽ không có sự chết nào khiến những kẻ thuộc về Chúa phải lo sợ, vì chính Chúa sẽ giúp họ vượt qua điều đó (Giăng 21:18-19).
Trái ngược với suy nghĩ của một vài Cơ Đốc nhân, không có gì sai khi có những cảm xúc sâu kín trong tâm hồn hoặc bộc lộ những cảm xúc ấy. Chúa Jêsus đã trở nên như loài người và cần có Cha trên trời cũng như sự thông công dưới đất thấp này. Không ai trong chúng ta được tạo dựng nên để làm trái với sự hoạch định ấy. Sự yên lặng, ngoại trừ khi tỉnh thức và cầu nguyện, đòi hỏi sự tin quyết trong lòng rằng chúng ta không thể hoặc không phải làm bất cứ điều gì nữa. Đó là lòng tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ hành động và chúng ta là chứng nhân cho hành động quyền năng của Ngài. Khi Chúa Jêsus loại bỏ hết mọi sự lựa chọn, thì sự yên lặng chính là dấu hiệu của đức tin, còn hành động lo lắng là dấu hiệu của sự vô tín. Các sứ đồ hoàn toàn tự tin giảng dạy cho Hội Thánh đầu tiên vì họ đã chứng kiến Chúa Jêsus là ai, Ngài đã làm gì và đã chịu đau đớn như thế nào vì họ và vì chúng ta. Chúng ta cũng là những chứng nhân về những gì Ngài đã làm cho chúng ta.
Lạy Cha Thiên Thượng! Con tạ ơn Ngài bởi đã có các chứng nhân ghi lại những sự đau đớn mà Chúa Jêsus đã chịu. Xin Chúa tha thứ cho những âu lo hay những hành động cuồng tín của con khi con không thể làm gì khác hơn ngoài việc chờ đợi và cầu nguyện. Xin hãy dạy con biết yên lặng chờ đợi ý muốn Chúa bằng việc cầu nguyện để con có thể nhận ra việc Chúa làm và trở thành nhân chứng cho bạn bè cũng như đồng nghiệp của con. Nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work