Kinh Thánh: Mác 11:20-22
“Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, thấy cây vả đã khô cho tới rễ; bấy giờ Phi-e-rơ nhớ lại chuyện đã qua, thưa cùng Ngài rằng: Thầy, coi kìa! Cây vả thầy đã rủa nay khô đi rồi. Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán rằng: Hãy có đức tin đến Đức Chúa Trời.” (BTT)
Lẽ thật luôn có cách để hiện diện trong lòng chúng ta (ngay cả khi chúng ta không muốn thừa nhận nó) hầu cho qua đó Chúa có thể thử thách chúng ta trong tương lai. Khi Chúa Jêsus quở cây vả như một ẩn dụ về việc dân Y-sơ-ra-ên vô tín sẽ bị phán xét như thế nào (Mác 11:13-14), Phi-e-rơ đã ghi nhớ điều này. Khi họ trở lại con đường ấy vào ngày hôm sau, ông đã nhận ra cây vả. Câu Kinh Thánh cho thấy sự ngạc nhiên của ông khi cây vả đã khô héo chỉ sau một đêm.
Phi-e-rơ nhớ lại lời nói đầy uy quyền của Chúa Jêsus. Ông tự hỏi điều gì sẽ xảy ra và lấy làm ngạc nhiên khi Lời của Đức Chúa Trời lại ứng nghiệm nhanh đến vậy! Vì sao Phi-e-rơ phải phản ứng như thế? Ông đã chứng kiến người mù được sáng mắt (Mác 10:51-52) và người bại có thể bước đi (Mác 2:9-12); hay thậm chí Chúa Jêsus còn làm cho kẻ chết sống lại (Giăng 11:43-44). Nhưng sự kiện này lại khác. Chứng kiến sự chữa lành thiên thượng là một chuyện, nhưng chứng kiến hiệu ứng từ cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời chỉ trong tích tắc thì lại là một chuyện khác. Các sứ đồ tập sự của Chúa Jêsus phải hiểu rằng cả sự cứu rỗi và sự phán xét đều đến từ Lời của Đức Chúa Trời.
Chúa Jêsus đã đến để đem lại sự cứu rỗi thông qua sự thương khó mà Ngài chịu trên thập tự giá, và để dạy cho các sứ đồ rao giảng Phúc Âm cũng như loan báo nước thiên đàng. Trong bài giảng đầu tiên của Ngài tại nhà hội ở Na-xa-rét được ký thuật lại, Chúa Jêsus trích dẫn từ Ê-sai 61:1-2 rằng: “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục; đặng rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va…” Nhưng Ngài đã bỏ qua vế tiếp theo: “… và ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta.” Ngài luôn giảng dạy rằng Ngài không đến để phán xét thế gian mà để cứu thế gian khỏi sự đoán phạt hầu đến (Giăng 12:47). Ngài chỉ muốn cảnh báo về sự phán xét cho những nhà lãnh đạo tôn giáo giả hình mà thôi. (Ma-thi-ơ 3:7-12).
Vì vậy, Chúa Jêsus truyền dặn Phi-e-rơ hãy tin vào cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời cũng như tình yêu của Ngài. Đó là một phần thiết yếu của sứ điệp Phúc Âm và quá trình tập sự của ông để trở thành người lãnh đạo Hội Thánh. Ông nhớ rất rõ bài học này vì I Phi-e-rơ 4:5 chép rằng: “Nhưng họ sẽ khai trình với Đấng đã sẵn sàng xét đoán kẻ sống và kẻ chết.” Lý do Chúa Jêsus chết là để cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ ngày sau (Rô-ma 5:9). Nếu cơn giận của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi không có thật, thì không có lý do gì để Đấng Christ phải hy sinh, hoặc nhập thể. Nếu không có gì chắc chắn về sự phán xét của Đức Chúa Trời thì không có động lực để công bố Phúc Âm. Đó là nguyên nhân tại sao nhiều tín đồ theo Chúa cách nửa vời không có sự chủ động trong việc chia sẻ về Phúc Âm cứu rỗi cho người khác, bởi vì họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ đưa tất cả mọi người vào trong nước thiên đàng của Ngài. Không. Chúa Jêsus đã diễn tả lẽ thật này qua cây vả, và Phi-e-rơ nhận ra rằng Ngài đã nói rất nghiêm túc. Chúng ta cần tin vào Đức Chúa Trời có thật, Đấng mà sự đoán xét khủng khiếp của Ngài cũng chắc chắn như tình yêu tuyệt vời của Ngài vậy. Khi đó, bản năng rao báo Phúc Âm sẽ trỗi dậy trong lòng chúng ta.
Lạy Cha yêu dấu. Cảm ơn Chúa đã đặt để lẽ thật của Ngài trong lòng con qua những ví dụ về quyền năng của Ngài. Xin Chúa tha thứ cho con nếu con đã từng xem nhẹ cơn thịnh nộ của Ngài trong suy nghĩ của mình, và vì vậy không sốt sắng rao báo Phúc Âm. Xin Chúa giúp con hiểu được sự đoán xét cuối cùng của Ngài nghiêm trọng đến mức nào, cũng như kinh nghiệm được tình yêu vô hạn của Ngài, hầu cho con có thể dạn dĩ rao truyền Phúc Âm cho những người con sẽ gặp và làm việc, tức là những người chưa được hòa thuận với Ngài. Trong danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work