Kinh Thánh: Lu-ca 3:12-14
“Cũng có những người thâu thuế đến để chịu phép báp-têm; họ hỏi rằng: Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? Người nói rằng: Đừng đòi chi ngoài số luật định. Quân lính cũng hỏi rằng: Còn chúng tôi phải làm gì? Người nói rằng: Đừng hà hiếp, đừng phỉnh gạt ai hết, nhưng hãy bằng lòng về lương hướng mình.” (BTT)
Sự cứu rỗi không phụ thuộc vào những gì chúng ta làm, mà nhờ tiếp nhận những gì Đức Chúa Jêsus Christ đã làm cho chúng ta trên thập tự giá. Tuy nhiên, nếu thật sự được cứu rỗi, thì mối quan hệ mới với Chúa Jêsus sẽ khiến chúng ta có một ước ao mới để làm những điều đẹp lòng Chúa (Ê-phê-sô 5:8-11). Giăng Báp-tít đang sửa soạn lòng của dân chúng để gặp Chúa Jêsus (Lu-ca 3:4-6), và quở trách những người nghĩ rằng phép báp-têm là một phương thức tôn giáo để hòa thuận với Đức Chúa Trời, khi lòng họ không muốn trở nên ngay thẳng và không thay đổi hành vi của mình.
Quyền lực đưa đến cám dỗ bóc lột người khác. Vào thời đó, những người thâu thuế không phải là người phục vụ dân chúng do chính quyền dân chủ quản lý; họ ít khi có trách nhiệm giải trình. Họ đòi nhiều tiền hơn số thuế phải nộp và giữ phần chênh lệch cho riêng mình. Họ là những người Do Thái giàu có nhưng bị xã hội xem thường, họ phục vụ cả những người chủ La Mã lẫn lòng tham của chính họ. Nếu họ xưng tội của mình trong phép báp têm bằng nước, thì họ phải thay đổi tham vọng và cách làm việc của họ (Lu-ca 19:1-10). Giống như nhiều binh sĩ nhập ngũ, những người lính La Mã phải khép mình vào kỷ luật khi làm theo lệnh. Tuy nhiên, họ phải xa quê hương để sống trong một nền văn hóa bị hạn chế việc thờ cúng và những thói quen tôn giáo của mình. Họ cảm thấy bản thân được trả lương quá thấp, và rất có thể là đúng như vậy. Vì thế, họ kiếm thêm bổng lộc nhờ vào việc bắt oan và đòi hối lộ (Truyền đạo 7:7). Giăng đã nói rất rõ ràng: đừng làm điều đó!
Cả hai nhóm đều có cùng một nan đề. Họ nghĩ rằng họ sẽ thỏa lòng nếu họ có nhiều tiền hơn và nhiều quyền lực hơn. Không chỉ riêng họ, suy nghĩ này vẫn là một ảo tưởng phổ biến trong giới quan chức ngày nay. Đó là một biểu hiện thường thấy của tội tham lam làm cho nhiều người sa vào sự tự dối mình. Chúng ta thường thấy điều này trong lĩnh vực thương mại, học thuật, các ngành nghề học vấn cao và chăm sóc, cũng như trong tham vọng của sinh viên và người lao động được trả lương quá thấp. Giải pháp là gì? Chỉ một cụm từ: “Chúa Jêsus” (Phi-líp 4:10-13)!
Khi Phúc Âm của Ngài được tiếp nhận, sự hy sinh của Ngài được tôn trọng và tình yêu thương của Ngài được nhận lấy, thì một sự thỏa lòng mới sẽ đến để xoa dịu sự công kích không ngừng của lòng tham (Hê-bơ-rơ 13:5). Đấng Christ đem đến sự thỏa lòng để chống lại nỗi sợ hãi dữ dội về tai họa sẽ xảy ra nếu chúng ta không có nhiều hơn những gì được ban cho. I Ti-mô-thê 6:6-10 cho chúng ta biết rằng: “Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.” Hãy thực hành lối sống được Đấng Christ đổi mới ngay hôm nay. Điều đó sẽ mang đến những phước hạnh mới tại bất cứ nơi nào bạn làm việc.
Kính lạy Chúa nhân từ. Ngài đã ban cho con sự sống thể chất và lời hứa về sự sống đời đời. Ngài đã tha thứ cho tội lỗi của con và hứa sẽ chu cấp cho con mọi sự cần dùng. Xin Chúa tha tội cho con vì đã cằn nhằn và thậm chí bóc lột người khác để đảm bảo sự thỏa lòng của chính con. Xin bày tỏ cho con biết những thái độ này đã xúc phạm đến Ngài nhiều như thế nào; và cho con sự tự tin để chống lại những cám dỗ này khi con tin cậy nơi Ngài. Xin Chúa dạy cho con sự tự do của việc thỏa lòng và cho con niềm vui mới khi để Ngài tể trị đời sống con. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work