Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Thẩm quyền can đảm

Kinh Thánh: Mác 3:1-3

“Lần khác, Đức Chúa Jêsus vào nhà hội, ở đó có một người nam teo bàn tay. Chúng rình xem thử Ngài có chữa người đó trong ngày Sa-bát chăng, đặng cáo Ngài. Ngài phán cùng người teo tay rằng: Hãy dậy, đứng chính giữa đây.” (BTT)

Chúa Jêsus không phải là một kẻ ngốc. Ngài biết động cơ của mọi người và mưu đồ họ đang thực hiện (Lu-ca 6:8). Ngài biết tại sao họ đến nhà hội – không phải để học ở Ngài mà là tìm lý do để giết Ngài. Họ đang chờ cơ hội để vồ lấy Ngài. Chúa Jêsus biết các nhà lãnh đạo tôn giáo đến đó để bắt Ngài nhưng, không hề sợ hãi, Ngài cố tình chọn thời điểm để bày tỏ uy quyền thiên thượng, mặc dù điều đó có nghĩa là một cuộc đối đầu mới với những kẻ buộc tội Ngài. Việc phô bày uy quyền thiên thượng không phải để cho vui hay chứng tỏ mình, mà là bằng chứng cho thấy Ngài có quyền năng của Đức Chúa Trời mà rõ ràng tôn giáo của họ không có. Chúa Jêsus đem lẽ thật đến trước cửa nhà họ như Ngài đã làm với Sa-tan trong đồng vắng (Ma-thi-ơ 4:1-11).

Nhà hội là nơi nhóm lại tại địa phương của người Do Thái. Nhà hội còn gọi là “Nhà hội họp” và “Nhà thờ phượng”. Đó không phải là nơi dâng tế lễ. Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem mới là nơi dâng tế lễ. Đó là nơi các cuộn sách Cựu Ước được cất giữ cẩn thận để mang ra đọc và giải nghĩa (Lu-ca 4:16-21). Những người được tôn trọng sẽ đứng lên đọc Kinh Thánh, rồi sau đó ngồi xuống để dạy dỗ dân chúng. Chúa Jêsus đứng lên, mời người đàn ông bị teo tay cũng đứng lên. Điều này giống như nói rằng “Đây là Lời Đức Chúa Trời”. Chắc chắn nó thách thức giới chức tôn giáo đang đói khát quyền lực và càng nung nấu khao khát muốn giết Ngài.

Chẳng có gì bí mật ở đây. Trước sự chứng kiến của những kẻ chống đối đang sôi sục, Chúa Jêsus đã chọn một người tàn tật và truyền cho ông ta đứng dậy. Người đàn ông có được mọi thứ nếu anh ta được chữa lành, còn Chúa Jêsus mất tất cả và đó thực sự là toàn bộ câu chuyện Phúc Âm (2 Cô-rinh-tô 5:21). Chúa Jêsus đánh mất tất cả để chúng ta được tất cả (Rô-ma 8:32). Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người đàn ông vẫn ngồi yên tại chỗ, không làm theo mệnh lệnh của Chúa, không nhận mình là người cần sự giúp đỡ thiên thượng? Nếu vậy, ông sẽ bỏ lỡ phước lành và quyền năng của Đấng Christ sẽ không được bày tỏ. Hành động vâng lời của người đàn ông cũng là một phần của câu chuyện Phúc Âm, bởi vì Tin Lành không chỉ là thông tin. Đó là một lời mời cần được chấp nhận; một tiếng gọi cần sự đáp lại (Giăng 3:16).

Chúa Jêsus vẫn chọn những thời điểm để Ngài ban phước cho những kẻ yếu đuối và đối chất với những kẻ hoài nghi. Bạn sẽ làm gì nếu Ngài muốn bạn tham gia? Thật vô ích nếu bạn bệnh nhưng giả vờ khỏe, hay bạn buồn nhưng giả vờ vui. Nhưng khi Chúa muốn hành động trong đời sống bạn, Ngài sẽ kêu gọi bạn thừa nhận sự yếu đuối và tội lỗi của mình, rồi bày tỏ quyền năng Ngài trong đời sống bạn (Giăng 9:1-5). Việc Ngài làm sẽ đem phước hạnh đến cho bạn, đồng thời thách thức những người ở với bạn. Công việc Ngài làm trong đời sống bạn là để Ngài được vinh hiển, để ban phước cho bạn và là bằng chứng cho những người xung quanh thấy rằng chỉ có Ngài mới có quyền năng – để họ cũng đi theo Ngài. Nhiều người sẽ khước từ Ngài (Giăng 6:66), nhưng một số sẽ đáp lại. Vì vậy, khi Ngài muốn gặp bạn, đừng thu mình lại!

Lạy Chúa toàn năng, con cảm ơn vì Ngài luôn biết thời điểm thích hợp để bày tỏ quyền năng của Ngài. Xin tha thứ cho con vì những lần con không đáp lại lời kêu gọi của Ngài, bỏ lỡ ơn phước Ngài ban và làm cho những người xung quanh không thấy phước lành Ngài ban cho con dân Ngài. Xin giúp con không sợ hãi khi Ngài để cho sự việc rối ren xung quanh con, nhưng giúp con trở thành sứ giả cho lẽ thật của Ngài để quyền năng của Ngài được bày tỏ. Nhân danh Chúa Jêsus. A-men.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn