Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tại sao tín hữu Tin Lành không làm một tượng trong nhà thờ để tôn thờ Đức Chúa Trời?

Hỏi: Em thấy bên trong nhà thờ Công giáo, có nhiều tượng Chúa Giê-xu cũng như những hình tượng khác. Tại sao tín hữu Tin Lành không làm một tượng trong nhà thờ để tôn thờ Đức Chúa Trời?
Đáp:
Đức Chúa Trời là một thực thể thiêng liêng nên chưa ai thấy Ngài. Hơn nữa, Đức Chúa Trời là Thần nên Ngài không có hình thể nhìn thấy được. Bản chất Ngài vô lượng vô biên. Nếu chúng ta làm hình tượng để thờ Ngài thì chúng ta đang giới hạn Ngài còn nhỏ bé, thấp kém, bất toàn hơn con người.

Thi thiên 115:1-8 nói cho chúng ta biết chúng ta là những người được phước vì Đức Chúa Trời chúng ta đang thờ phượng là Đấng Hằng sống, chứ không không phải những hình tượng do bàn tay con người dựng nên hay do con người tưởng tượng. “Hình tượng chúng nó bằng bạc bằng vàng,
Là công việc tay người ta làm ra.
Hình tượng có miệng mà không nói;
Có mắt mà chẳng thấy;
Có tai mà không nghe;
Có lỗ mũi mà chẳng ngửi;
Có tay, nhưng không rờ rẫm;
Có chân, nào biết bước đi;
Cuống họng nó chẳng ra tiếng nào.” (Thi thiên 115:4-7)

Điều nầy có nghĩa là gì? Hình tượng có miệng nhưng không nói năng gì được, nghĩa là không có phán hứa điều gì. Hình tượng có mắt nhưng chẳng thấy được, thì cũng không thể bảo vệ được, có tai nhưng không nghe được thì làm sao nghe được lời cầu nguyện của ai? Hình tượng có mũi nhưng chẳng ngửi được, nghĩa là không cảm nhận được điều gì, kể cả sự ngợi khen hay sự thờ phượng của con người. Bức tượng có tay nhưng không cử động được, chứng tỏ không có quyền năng, có chân nhưng chẳng bước đi được, nghĩa là không có sự hiện hữu, và có cổ họng nhưng không thốt nên lời được. Nói cách khác, các thần tượng do con người làm ra không có sự sống. Những kẻ làm hình tượng đều giống như chúng, nghĩa là họ sẽ cũng bị hư mất với các thần tượng hư không của mình.

Đức Chúa Trời mà Cơ Đốc nhân đang thờ phượng không phải là một đồ vật trên đất bằng kim loại, bằng đá hay bằng gỗ, “Vì những thần của các dân đều là hình tượng; Còn Đức Giê-hô-va đã dựng nên các từng trời” (Thi thiên 96:5). Nhưng khi Đức Chúa Trời nhập thể, thì Ngài mang hình hài của một người Do Thái. Do đó mà ngày nay chúng ta thấy hình ảnh, chân dung hội hoạ và tượng Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, Ngài không hề ở trong các hình tượng đó. Ngài hằng sống trong tâm linh của mỗi người đã tin nhận Ngài, và thân thể của tín hữu Tin Lành chính là đền thờ Ngài vậy.

Hơn nữa, Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời và Kinh Thánh Cựu Ước cấm làm hoặc thờ lạy bất cứ vật gì giống như Đức Chúa Trời. Đây là điều răn thứ hai: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4). Lẽ thật ở đây là cung cách thờ phượng Đức Chúa Trời phải bằng tâm linh, chứ không bằng vật chất. Chúa Giê-xu nhấn mạnh lẽ thật nầy: “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:24). Vì vậy, một bức tượng không bao giờ bày tỏ lẽ thật về Đấng Christ và tất nhiên không đúng với điều Kinh Thánh dạy về Ngài. Mặc dù Đức Chúa Trời đã trở thành người thật, nhưng cùng lúc Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời (nhân tánh và thần tánh của Đức Chúa Trời).

Nói tóm lại một tín hữu Tin Lành phải thờ phượng Chúa trong mối tương quan thuộc linh với Ngài bằng sự cầu nguyện, hát thánh ca, học Kinh Thánh, nhóm lại với những người cùng đức tin và hầu việc Ngài trong tất cả mọi trường hợp, hoàn cảnh với tất cả khả năng và sức lực Chúa ban cho mình.

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn