Kinh Thánh: Mác 4:3-4 & 14-15
“Hãy nghe. Có người gieo giống đi ra đặng gieo. Khi đương gieo, một phần giống rơi dọc đường, chim đến ăn hết. Người gieo giống ấy là gieo đạo. Những kẻ ở dọc đường là kẻ đã chịu đạo gieo nơi mình; nhưng vừa mới nghe đạo, tức thì quỉ Sa-tan đến, cướp lấy đạo đã gieo trong lòng họ đi.” (BTT)
Chúa Jêsus mở đầu “ẩn dụ về Người gieo giống” (Mác 4:1-20) với lời đầu tiên “Hãy nghe!” (Mác 7:14). Chúng ta thường đọc lướt Kinh Thánh, có lẽ vì cho rằng Đức Chúa Trời không có gì nữa để nói với chúng ta ngoài những gì chúng ta đã biết? Đọc nhanh không phải là cách để hiểu Kinh Thánh. Vì vậy, chỉ cần một chút thời gian, hãy đọc chậm lại để từng câu chữ trở nên sống động trong chúng ta. Hãy chú ý để hiểu rõ ràng!
Trong ẩn dụ này, Lời Đức Chúa Trời được ví như hạt giống. Mặc dù rất nhỏ, nhưng mỗi hạt đều có tiềm năng phóng thích tế bào ADN bên trong để trở thành một cây to lớn, hoặc tạo thành mùa gặt. Bí quyết để có một vụ mùa tốt là gieo hạt giống vào đất tốt. Trong ẩn dụ này, đất chỉ về tấm lòng con người – được dựng nên để đáp ứng lẽ thật của Ngài. “Loại đất” đầu tiên được đề cập là đất dọc đường.
Đất dọc đường là loại đất bị giẫm đạp liên tục cho đến khi nó bị nén và trở nên cứng. Tấm lòng con người cũng có thể như vậy. Người có tấm lòng cứng cỏi thường chai sạn trong cảm xúc qua những hoàn cảnh cuộc sống và thường chống lại Lời Đức Chúa Trời, khước từ khả năng có một tương lai tốt đẹp. Khả năng tấm lòng cứng cỏi nhận hạt giống Phúc Âm và phát triển tốt bị giảm đi đáng kể bởi áp lực của cuộc sống trong một thế giới bại hoại. Họ có thể thành công trong kinh doanh, nhưng tấm lòng bên trong thì cứng cỏi. Mặc dù hạt giống Phúc Âm tự nó có đầy đủ tiềm năng phát triển, nhưng nó không thể dễ dàng có được chỗ đứng trong tấm lòng cứng cỏi (Xa-cha-ri 7:12). Trong dòng đời tấp nập, nhiều đồng nghiệp của chúng ta sẽ khó nhận ra Chúa đang phán với họ.
Chúng ta không thể biết được hạt giống sẽ nảy mầm và phát triển trong tấm lòng nào. Vì vậy, chúng ta phải “gieo” (thuật ngữ ban đầu được dùng để chỉ việc rải hạt giống) Lời Đức Chúa Trời, mà không nhất thiết phải biết nó sẽ nảy mầm và phát triển ở đâu. Đó là công việc khó khăn đòi hỏi phải quyết tâm hoàn thành. Chúng ta biết rằng Lời Chúa sẽ mang lại sự sống mới cho tất cả những ai tin và tiếp nhận Chúa Jêsus. Sa-tan cũng biết như vậy và rất ghét điều đó. Trong bức tranh nông nghiệp của ẩn dụ này, Sa-tan là một con quạ bậc thầy, một con chim đang đói nuốt chửng bất kỳ lẽ thật nào còn sót lại trong lòng người nghe đạo. (Lu-ca 8:12)
Vậy chúng ta có nên ngừng cố gắng gieo giống Phúc Âm cho bất kỳ ai và mọi người để không lãng phí thời gian và nguồn lực chăng? Một số Cơ Đốc nhân nghĩ rằng chỉ những người đã lớn lên trong Hội Thánh mới có thể tiếp nhận Đấng Christ, giống như hạt giống được gieo vào những tấm lòng đã sẵn sàng. Không! Hầu hết chúng ta không thể sử dụng đài phát thanh hoặc đài truyền hình, nhưng chúng ta có thể chia sẻ/viết/gửi email về Lời của Đức Chúa Trời, tặng chứng đạo đơn, đăng thông báo, ghi những câu Kinh Thánh trên thiệp chúc mừng. Cách tốt nhất là chúng ta công bố lẽ thật của Đức Chúa Trời trong từng tình huống chúng ta gặp phải – mà không hổ thẹn và không sợ phản ứng – để cho thấy rằng lẽ thật không do chúng ta nghĩ ra, mà chúng ta đã nhận lãnh từ Kinh Thánh (Rô-ma 1:16). Khi chúng ta gieo lẽ thật Phúc Âm, một số hạt giống sẽ nảy mầm (2 Ti-mô-thê 4:2). Vì vậy, hãy tiếp tục gieo hạt giống ấy!
Lạy Cha toàn năng, cảm ơn Chúa vì Lời Ngài là Lời quyền năng. Xin tha thứ khi con không muốn chia sẻ Phúc Âm. Xin giúp con không sợ hãi hoặc mệt mỏi trong việc rao truyền lẽ thật của Ngài – đặc biệt là với những người bận rộn, những người có tấm lòng chai cứng đối với Phúc Âm theo cách riêng của họ. Trong danh Chúa Jêsus. Amen!
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work