Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Quyết định khi bị bắt bớ

Kinh Thánh: Mác 13:14-15

“Khi các ngươi sẽ xem thấy sự tàn nát gớm ghiếc lập ra nơi không nên lập (ai đọc phải để ý), bấy giờ những kẻ ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trên mái nhà chớ xuống, và chớ vào trong nhà mà chuyên bất luận vật gì.” (BTT)

Lời tiên tri trong Kinh Thánh có thể gây bối rối giống như khi quan sát các dãy núi từ phía xa: thật khó để xác định các đỉnh núi ở gần hay cách xa nhau. Một số phân đoạn tiên tri trong Cựu Ước có thể đề cập đến sự hủy diệt Giê-ru-sa-lem vào năm 587 TC hoặc năm 70 SC hay vào kì Đại nạn; một số đề cập đến hai hoặc cả ba sự kiện mặc dù hai sự kiện đầu tiên cách nhau nửa thiên niên kỷ và sự kiện cuối cùng hiện vẫn chưa đến.

Phân đoạn hôm nay bắt đầu trong sách Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 9:27; 11:31; 12:11). “Kẻ gớm ghiếc” là kẻ phá hoại nơi thánh. Sự ứng nghiệm đầu tiên là vào năm 167 TC khi kẻ cai trị người Sy-ri là Antiochus Epiphanes, dâng lợn hiến tế cho thần ngoại bang Zeus trong Đền thờ. Chúa Jêsus đã sử dụng cách diễn đạt tương tự để nói đến sự kiện năm 67 SC khi những người Do Thái cuồng tín xâm phạm Đền thờ, và năm 70 SC khi Đền thờ bị Tướng Titus san bằng. Tuy nhiên, Chúa Jêsus cũng báo trước về sự kết thúc thời kỳ Sau Rốt khi Kẻ chống nghịch Chúa xuất hiện (cũng đã được báo trước trong Đa-ni-ên 9:25-27 và được Phao-lô xác nhận trong II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3-4). I Giăng 2:18 nói: “Hỡi các con cái ta, giờ cuối cùng là đây rồi, các con đã nghe nói rằng Kẻ địch lại Đấng Christ phải đến. Vừa lúc bây giờ, có nhiều kẻ địch lại Đấng Christ; bởi đó, chúng ta biết rằng ấy là giờ cuối cùng.”

Vậy nên, độc giả ở các thời đại khác nhau cần hiểu những dấu hiệu xuất hiện ngày nay theo lời Kinh Thánh. Sứ điệp về việc cần phản ứng khôn ngoan trước sự bắt bớ vẫn được giữ nguyên. Có lúc phải chịu đựng sự bắt bớ và tiếp tục làm nhân chứng cho Đấng Christ (Lu-ca 12:11-12). Có khi sự bắt bớ là dấu hiệu để đi tiếp và “phủi bụi khỏi chân chúng ta” (Mác 6:11), tiếp tục đem Phúc Âm đến nơi khác (Công vụ 11:19). Trong tình huống Chúa Jêsus đang giảng dạy, thì đã đến lúc phải đi ra… di tản ngay lập tức (Ma-thi-ơ 24:15-25). Những ai chống đối thường không thích nghe bất cứ điều gì, đặc biệt là Phúc Âm.

Điều quan trọng cần hiểu là Đức Chúa Trời nhìn thấy toàn bộ kế hoạch trong tương lai và sẽ cho chúng ta biết cách ứng phó. Giữa việc “bền lòng” ở câu 13 và “chạy trốn” ở câu 14 là một quyết định lớn, chúng ta sẽ làm gì? Nhưng chúng ta không phải tự mình quyết định: Đức Thánh Linh, Đấng đã khiến cho Kinh Thánh được viết ra, sẽ chỉ cho chúng ta cách áp dụng Kinh Thánh để chúng ta hiểu được ý muốn của Đức Chúa Trời (Giăng 14:26; 16:13). Chúng ta cũng cần cầu nguyện (Phi-líp 4:6), tuôn đổ lòng mình với Chúa, chia sẻ với Ngài thông tin chúng ta có và cảm xúc của chúng ta, mở lòng mình để Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan mà chúng ta cần. Sau đó, chúng ta có thể ứng phó cách đúng đắn trước bất kỳ hình thức bắt bớ nào, cho đến ngày Chúa Jêsus trở lại.

Lạy Chúa là Đấng khôn ngoan, cảm ơn Chúa vì Ngài biết mọi điều về tương lai, và đã hoạch định cả chiến lược Phúc Âm lẫn sự đảm bảo cho dân sự của Ngài. Xin tha thứ cho con vì đã không khôn ngoan cân nhắc khi gặp bắt bớ, mà bỏ chạy khi Ngài muốn con ở lại hay ở lại khi Ngài muốn con ra đi. Xin ban cho con sự khôn ngoan mỗi ngày để biết cách áp dụng Lời Ngài vào hoàn cảnh của con, để khi những thử thách lớn nhất xảy đến, con sẽ hiểu rõ cách thực hiện ý muốn của Ngài. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn