Kinh Thánh: Lu-ca 18:1-5
“Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ một thí dụ, để tỏ ra rằng phải cầu nguyện luôn, chớ hề mỏi mệt: Trong thành kia, có một quan án không kính sợ Đức Chúa Trời, không vị nể ai hết. Trong thành đó cũng có một người đàn bà góa, đến thưa quan rằng: Xin xét lẽ công bình cho tôi về kẻ nghịch cùng tôi. Quan ấy từ chối đã lâu. Nhưng kế đó, người tự nghĩ rằng: Dầu ta không kính sợ Đức Chúa Trời, không vị nể ai hết, song vì đàn bà góa nầy khuấy rầy ta, ta sẽ xét lẽ công bình cho nó, để nó không tới luôn làm nhức đầu ta.” (BTT)
Một số người kiên trì hơn những người khác. Rất nhiều người chỉ thử vài lần rồi bỏ cuộc nếu không đạt được mục tiêu. Đối với nhiều người trong chúng ta, việc cầu nguyện có thể cũng giống như vậy. Chúng ta có thể cầu hỏi Chúa nửa vời và sự cầu nguyện từ từ biến mất khi không được đáp lời ngay lập tức. Hoặc chúng ta cầu nguyện thật sốt sắng trong một thời gian, nhưng rồi trở nên chán nản và không còn tin rằng Đức Chúa Trời muốn giải quyết nan đề mà chúng ta đã dâng lên cho Ngài. Chúa Jêsus đã dạy ẩn dụ này để những người như chúng ta có thêm can đảm mà tiếp tục cầu nguyện.
Đây là ẩn dụ khá chân thực: một quan án cứng rắn, không quan tâm đến công lý đã gặp phải một góa phụ, người không chấp nhận câu trả lời “không”, và sau cùng ông cũng đồng ý giúp bà. Thái độ hà khắc này có lẽ khá phổ biến đối với các thẩm phán cấp quận; và câu chuyện sẽ khiến mọi người mỉm cười khi nghĩ rằng ông có thể đã bị thuyết phục thực hiện công việc của mình bởi một người phụ nữ rất kiên quyết. Bà đã đúng khi tin rằng ông là người duy nhất mà bà có thể tìm đến, và bà không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục kêu cầu cho đến khi có được câu trả lời.
Đó là cách chúng ta phải đến với Chúa. Đây dường như là bài học sơ đẳng về sự cầu nguyện, nhưng nếu không học, chúng ta sẽ trải qua sự thất vọng và vỡ mộng không cần thiết khi theo Chúa Jêsus. Chúng ta cầu nguyện vì tin rằng không có ai cao hơn Đức Chúa Trời, Đấng có thẩm quyền và quyền năng để giải quyết những lời kêu cầu của chúng ta cách công bằng. Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời luôn lắng nghe và sẽ luôn trả lời, tùy theo thời điểm và cách thức của Ngài. Giống như An-ne, mẹ của Sa-mu-ên, chúng ta không ngừng cầu nguyện vì tin rằng nan đề đó là quan trọng và chỉ Đức Chúa Trời mới có câu trả lời (I Sa-mu-ên 1:9-18). Nếu chúng ta cần phải tiếp tục cầu nguyện trong nhiều năm, thì đó là vì chúng ta tin rằng không ai khác có thể đáp lại tiếng kêu của chúng ta; và chúng ta tin rằng sự trì hoãn đó đến từ tình yêu thương của Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài không thể hành động cách công bình trước khi thời điểm thích hợp đến (Thi thiên 88:1).
Như vậy, sự cầu nguyện bền bỉ vừa bày tỏ đức tin vừa gây dựng đức tin khi chúng ta khẳng định rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời toàn năng có câu trả lời. Điều này loại bỏ sự nghi ngờ và xác nhận rằng chúng ta tin vào bản tánh của Đức Chúa Trời, ý muốn của Ngài và khả năng của Ngài trong việc đem đến một kết thúc tốt đẹp và công bình. Sự cầu nguyện bền bỉ cũng là người bạn tốt nhất để chúng ta chia sẻ nỗi lòng của mình khi đối diện với sự căng thẳng của những nan đề chưa được giải quyết. Vì vậy, nếu bạn đã bị cám dỗ ngưng cầu nguyện, thì hôm nay là ngày để thưa với Chúa mọi điều và tin cậy Ngài làm người đồng hành của bạn cho đến khi căng thẳng được giải quyết.
Kính lạy Chúa là Đức Chúa Trời, Cha Thiên Thượng từ ái của con. Tạ ơn Ngài vì nhắc nhở con rằng không có lời cầu nguyện nào là vô giá trị hay vô ích. Xin tha thứ cho những lúc con ngừng cầu nguyện vì không thấy Chúa trả lời. Xin giúp con tin cậy Ngài, tin rằng Chúa quan tâm đến con và Ngài có sự khôn ngoan và quyền năng để làm điều đúng vào thời điểm thích hợp. Xin khích lệ con rèn luyện thói quen cầu nguyện hằng ngày về tất cả những nan đề chưa được giải quyết mà con bận tâm, để con có thể nhận được sự yên ủi của Ngài và cảnh giác trước những cám dỗ của Sa-tan. Con thật sự tin rằng Chúa có thể thỏa đáp nhu cầu của con, nhưng xin Chúa giúp đỡ cho sự vô tín của con và gìn giữ con trong tình yêu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Jêsus. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work