Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Những thánh nhân trong Cựu Ước được cứu rỗi bằng cách nào khi mà Đấng Christ chưa đến thế gian, chưa chịu chết và sống lại?

HỎI: Những thánh nhân trong Cựu Ước được cứu rỗi bằng cách nào khi mà Đấng Christ chưa đến thế gian, chưa chịu chết và sống lại?

ĐÁP: Chỉ có một con đường cứu rỗi duy nhất, đó là bởi duy ân điển, bởi duy đức tin và chỉ ở trong Đấng Christ. Chỉ có một con đường đến thiên đàng. Chúa Jêsus phán: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha” (Giăng 14:6-TTHĐ). Thánh nhân trong Cựu Ước được cứu rỗi theo cách giống như thánh nhân trong Tân Ước, đó là bởi duy ân điển qua đức tin nơi Đấng Christ. Điều nầy cần được giải thích trong ý nghĩa thần học một cách lôgic như sau:

Trong Cựu Ước, những thánh nhân được cứu bởi duy ân điển, bởi duy đức tin và chỉ ở trong Đấng Christ, khi họ nhìn thấy trước sự hiện đến của Đấng Christ. Thật vậy, “Đức Chúa Jêsus đáp: ‘Áp-ra-ham vui mừng mong được thấy ngày của Ta; người đã thấy và mừng rỡ” (Giăng 8:56-TTHĐ). Cơ Đốc nhân chúng ta ngày nay được cứu bằng cách nhìn lại sự hiện đến lần thứ nhất của Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng đã chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi của chúng ta. Vì vậy, tất cả đều gặp nhau tại chân thập tự giá. Chính bởi duy ân điển, bởi duy đức tin, và chỉ trong Đấng Christ mà một người ở bất cứ thời đại nào cũng sẽ được cứu rỗi.
Chúng ta xem hai phân đoạn Kinh Thánh trong Tân Ước sau đây:

1. Rô-ma 4:1-12: Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, sứ đồ Phao-lô lấy trường hợp của Áp-ra-ham làm ví dụ để chứng minh tại sao Cơ Đốc nhân không hưởng được ơn cứu rỗi bởi việc làm, mà bởi đức tin. Áp-ra-ham là tấm gương lý tưởng được sử dụng cho sự cứu rỗi bởi đức tin như quy tắc nhất quán.

Nếu sự cứu rỗi là điều gì đó có thể kiếm được thì đó không còn là tặng phẩm, mà là tiền lương. Sứ đồ Phao-lô trích dẫn Sáng Thế Ký 15:6 khi nói về Áp-ra-ham, “Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người.” Chúng ta phải hiểu rõ vấn đề nầy. Khi sứ đồ Phao-lô lấy trường hợp của Áp-ra-ham về việc xưng công bình bởi đức tin, thì ông không trích dẫn ví dụ về việc Ma-thi-ơ cải đạo bằng cách nào, hoặc làm sao mà Giăng Mác cải đạo, hay là Luca, hay ngay cả Giăng, mà ông trở về với Cựu Ước. Phao-lô muốn chứng minh rằng Áp-ra-ham được xưng công bình bởi đức tin để dạy các tín hữu ở Tân Ước biết một người được xưng công bình bởi đức tin là như thể nào. Đó là lý do Phao-lô viết, “vì trong Tin lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin” (Rô 1:17). Từ liệu đức tin được lặp đi lặp lại trong câu Kinh Thánh nầy cho thấy tầm quan trọng và cần thiết của đức tin trong chương trình cứu rỗi của Chúa. Từ trong ánh sáng Lời Chúa, để nhận lãnh sự xưng công bình, Áp-ra-ham đã làm gì để hưởng được điều đó? Đơn giản là ông tin Chúa (Sáng 15:6). Áp-ra-ham hưởng được sự cứu rỗi hoàn toàn bởi duy đức tin. Nhưng làm thế nào được? Thậm chí Áp-ra-ham không biết Chúa Jêsus là ai, và Cơ Đốc nhân chúng ta biết rằng sự cứu rỗi chỉ qua Đức Chúa Jêsus Christ (tham chiếu Giăng 14:6; Công 4:12). Vì vậy, bằng cách nào Áp-ra-ham được cứu rỗi bởi đức tin nơi Đấng mà thậm chí ông không biết? Chúng ta cùng xem phân đoạn Kinh Thánh thứ hai.

2. Ga-la-ti 3:5-9: Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, sứ đồ Phao-lô cố gắng thuyết phục các tín hữu tại Hội Thánh Ga-la-ti tin rằng Đức Thánh Linh đang hành động trong đời sống chúng ta, không phải bởi việc làm của luật pháp, mà chúng ta được cứu bởi đức tin (Ga-la-ti 3: 2-5). Sau đó, sứ đồ Phao-lô lại dùng Áp-ra-ham để minh hoạ cho giáo lý xưng công chính bởi đức tin (không thể trình bày hết giáo lý nầy trong câu giải đáp) như vầy: “Kinh Thánh đã thấy trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công chính bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham Tin Lành nầy: “Mọi dân tộc sẽ nhờ con mà được phước.” Vì thế, ai tin thì được hưởng phước với Áp-ra-ham là người có lòng tin” (Ga 3:8-9& tiếp theo). Sứ đồ Phao-lô đang trích từ Cựu Ước cho thấy rằng giáo lý xưng công chính bởi đức tin không phải là mới lạ mà đã được nói đến từ trước, ngay cả trong thời kỳ Luật pháp. Thật vậy, sứ đồ trở về Sáng Thế Ký 12:1-3, hàng ngàn hàng ngàn năm trước khi Chúa Jêsus đến thế gian, Đức Chúa Trời đã rao giảng Phúc âm cho Áp-ra-ham. Khi đọc giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham trong Sáng Thế Ký 12, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã hứa ban nhiều ơn phước khác nhau, nhưng ơn phước lớn nhất Đức Chúa Trời ban cho chúng ta qua Áp-ra-ham và dân tộc Do thái phải là sự cứu rỗi đời đời. Chính Chúa Giê-xu Christ là dòng dõi của lời hứa ấy, và nhờ Ngài tất cả mọi dân tộc đều được phước (Ga 3:16). Một lần nữa, sứ đồ Phao-lô khẳng định rằng Áp-ra-ham đặt đức tin nơi Đấng Christ. Áp-ra-ham tin cậy Đức Chúa Trời và đặt đức tin nơi quyền năng của Ngài làm trọn Lời hứa trong Đấng Christ và Ngài kể ông là công bình, một loại công bình mà Ngài kể cho chúng ta khi chúng ta đặt đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Thật vậy, Áp-ra-ham là tổ phụ của tất cả mọi người tin Chúa Giê-xu Christ và được xưng công bình bởi đức tin.

Cuối cùng, thật quan trọng để ghi nhớ rằng Kinh Thánh giải thích rõ Cựu Ước chỉ cho chúng ta đến Đấng Christ, và lẽ thật nầy được lặp đi lặp lại nhiều lần (tham chiếu Lu 24: 25-26; Công 10:43; Gi 5:39-40; I Phi 1:10-11; Rô 1:2). Hơn nữa, Phúc âm không chỉ có trong Tân ước, mà còn được ký thuật trong Cựu Ước. Như vậy, các thánh nhân tin và được cứu, y hệt như chúng ta tin và được cứu (xem Rô 4:23-25). Nói tóm lại, trong toàn bộ lịch sử cứu chuộc của Đức Chúa Trời, chỉ có một con đường cứu rỗi và điều đó chỉ duy đức tin. Các thánh nhân trong Cựu Ước hân hoan mong đợi thập tự giá, còn chúng ta nhìn lại thập tự giá. Phương hướng tuy khác nhau, nhưng đối tượng của đức tin thì giống nhau, đó là Đức Chúa Jêsus Christ đã chết thay cho chúng ta và đã sống lại. Nguyện xin Thánh Linh cứ soi dẫn chúng ta trong chân lý của Ngài. Muốn thật hết lòng!

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn