Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Lòng trắc ẩn và quyền năng

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 14:13-14

“Đức Chúa Jêsus vừa nghe tin ấy, liền bỏ đó xuống thuyền, đi tẽ ra nơi đồng vắng. Khi đoàn dân biết vậy, thì từ các thành đi bộ mà theo Ngài. Ngài ở thuyền bước lên, thấy đoàn dân đông đúc, động lòng thương xót, mà chữa cho kẻ bịnh được lành.” (BTT)

Giăng Báp-tít đã chết. Ông đã bị sát hại cách tàn nhẫn, bị hành hình vì nói ra lẽ thật của Đức Chúa Trời. Giăng là anh em bà con xa với Chúa Jêsus (mẹ của họ có quan hệ họ hàng với nhau (Lu-ca 1:36)) và cũng là nhà tiên tri báo tin về Chúa Jêsus cho thế giới. Giăng làm báp têm cho Chúa Jêsus và sau đó thu hẹp chức vụ của mình để những người theo ông có thể đi theo Chúa Jêsus. Vì vậy, Chúa Jêsus rất buồn khi nghe tin tức chấn động này.

Cùng lúc ấy, các môn đồ vừa trở về sau một thời gian làm công tác truyền giáo, được Chúa Jêsus sai đi từng đôi và họ muốn tường trình lại những gì đã xảy ra (Lu-ca 9:1-6). Chúa Jêsus gọi họ lánh khỏi đám đông để nghỉ ngơi và suy ngẫm những gì đã xảy ra (Mác 6:30-32). Họ cần thời gian tạm dừng việc truyền giáo để nhìn mọi việc trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, và để cơ thể được nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, đoàn dân đông hết sức khao khát được nghe và nhìn thấy Chúa Jêsus nhiều hơn. Vì vậy, khi Chúa Jêsus và các môn đồ đến ngôi làng vắng vẻ tại Bết-sai-đa bằng thuyền (Lu-ca 9:10), thì họ được một đám đông đang đi bộ quanh hồ chào đón. Chương trình đã thay đổi. Thay vì dành thời gian để nghỉ ngơi và cầu nguyện suy ngẫm, thì nhu cầu của đoàn dân đã làm Đấng Christ động lòng thương xót và như vậy có thêm nhiều công việc cần được thực hiện. Chúa Jêsus đã chữa lành người bệnh và, như chiên không có người chăn (Mác 6:34), họ cần nghe Đức Chúa Trời nói với họ.

Qua nhiều năm làm công tác mục vụ, tôi học được rằng công việc của vương quốc do Đức Chúa Trời giao phó phải được ưu tiên hơn mọi thứ khác. Hoạn nạn, buồn phiền, đau đớn và sầu khổ, thậm chí nhu cầu nghỉ ngơi sau một chuyến truyền giáo gian khổ, đều không phải lý do chính đáng để nói “Không” với Chúa khi chương trình của Ngài thay đổi. Chúng ta phục vụ hiệu quả nhất khi có ít năng lực nhất và hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa và sức của Ngài (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:2-3). Điều đó không có nghĩa là những ngày nghỉ lễ và ngày Sa-bát không quan trọng. Chúng vẫn quan trọng nhưng không quan trọng hơn việc phục vụ Chúa một cách nhu mì khi Ngài truyền lệnh. Cho dù bạn phục vụ Chúa ở đâu, trong nhà, văn phòng, nhà máy, trường học, trường đại học, ngoài cánh đồng, hệ thống giao thông, phòng khám sức khỏe, dịch vụ công cộng hoặc các tổ chức, vân vân… cũng hãy phục vụ với công việc mà Ngài giao cho bạn. Hãy tin rằng Ngài sẽ ban sức mạnh để bạn thực hiện công tác và nghỉ ngơi theo thời điểm của Ngài.

Kính lạy Đức Chúa Trời hay thương xót! Cảm ơn Chúa vì đã thương xót con và cám ơn Ngài về các tôi tớ của Ngài, những người đã thoả đáp nhu cầu của con trong Danh Ngài, mặc dù bản thân họ có thể yếu đuối. Xin Chúa tha thứ cho con vì đã cúi đầu trước thần tượng là nhật ký công tác và những nhu cầu cá nhân của con mà không để tâm đến chương trình của Chúa dành cho đời sống của con. Xin Chúa giúp con học cách sống vâng lời và làm việc cách nhu mì, để con có thể bày tỏ lòng thương xót của Chúa đối với những người Ngài đang kéo đến với chính Ngài. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ, Amen!

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn