Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Lời thề

Hỏi: Trong Kinh Thánh, có những chỗ đề cập đến lời thề. Vậy, có những lời thề dại dột và những lời thề thiêng liêng phải không? Có lời thề nào mà Chúa sẽ tha thứ, hay Chúa buộc một người phải chịu trách nhiệm về mọi lời thề cho đến chết?

Đáp: Mọi lời thề đều thiêng liêng; một số cũng dại dột (Châm ngôn 20:25; Truyền đạo 5:2-4). Vi phạm bất kỳ lời thề nào cũng đều mắc tội (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:21; Truyền-đạo 5:5-6; Dân-số Ký 30:15). Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho những kẻ vi phạm lời thề (Dân-số Ký 30:6, 9, 13). Dù vậy, Ngài cảnh báo rằng có thể có những hậu quả nghiêm trọng nếu không giữ lời thề (tham chiếu Truyền-đạo 5:6).

Lời thề là một lời hứa tự nguyện, khi đã được thực hiện, sẽ được giữ nếu điều đã thề là đúng. Lời thề có thể được nói hoặc được lập trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau (tham chiếu Lê-vi Ký 7:16; 27:1-27; Dân-số Ký 30:2-13; Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:21-23; Truyền đạo 5:1-7; và Công-vụ các Sứ-đồ 18:18; 21:23-24).

Lời thề là một lời hứa tự nguyện với Đức Chúa Trời để làm hoặc không làm một điều gì đó (xem Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:23). Lời thề không giới hạn trong thỏa thuận với Chúa như là: “Nếu bạn làm điều này cho tôi, tôi sẽ làm điều đó cho bạn.” Chúng ta không cần phải sử dụng các từ liệu “thề” hoặc “hứa” để thực hiện một lời thề. Bất cứ khi nào chúng ta tự nguyện nói với Chúa rằng chúng ta sẽ làm hoặc không làm điều gì đó cho Ngài, thì đó là một lời thề.

Sa-lô-môn cảnh báo chúng ta rằng không nên xem nhẹ lời hứa nguyện: “Con đừng vội vàng mở miệng, cũng đừng hấp tấp nói điều gì trước mặt Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời ở trên trời, còn con ở dưới đất. Vậy, hãy ít lời” (Truyền-đạo 5:2-TTHĐ). Và rồi, ông cảnh báo chúng ta đừng chậm trễ trong việc thực hiện lời thề nguyện của mình, vì Đức Chúa Trời không hài lòng với những kẻ dại dột không thực hiện được lời thề nguyện của mình. Người khôn ngoan khuyên rằng đừng hứa nguyện gì cả, hơn là hứa nguyện mà không trả (tham chiếu Truyền-đạo 5:4-5). Môi-se đã lặp lại điều nầy khi thông báo cho dân Y-sơ-ra-ên: “Nhưng nếu anh em không hứa nguyện thì không mắc tội.” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:22-TTHĐ). Mặt khác, nếu chúng ta hứa nguyện mà không trả thì đó là tội (xem Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:22; Truyền-đạo 5:5). Đó không chỉ là tội, mà Sa-lô-môn còn cảnh báo: “Đừng để miệng con khiến con phạm tội, và đừng nói trước mặt sứ giả của Đức Chúa Trời rằng: “Đó là lầm lỡ.” Sao con làm cho Đức Chúa Trời nổi giận vì lời nói của con, và Ngài phá hủy công việc của tay con?” (Truyền-đạo 5:6-TTHĐ). Nói cách khác, Chúa trừng phạt những kẻ vi phạm lời thề. Tuyên bố rằng mình đã phạm sai lầm và lẽ ra không nên hứa nguyện hoặc không thực sự định nói những lời khấn hứa sẽ dấy lên cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Do đó, Sa-lô-môn kết luận: “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời” (Truyền đạo 5:7).

Tính chất nghiêm trọng của các lời thề được nhấn mạnh thêm trong Dân-số Ký 30 khi Đức Chúa Trời xác định lời thề nào tự động ràng buộc và lời thề nào có thể bị vô hiệu hóa. Đức Chúa Trời phân biệt lời thề của nam giới trưởng thành, góa phụ và phụ nữ đã ly hôn với lời thề của trẻ em và vợ. Trong trường hợp nam giới trưởng thành (30:2), góa phụ và phụ nữ đã ly dị (30:9), họ phải thực hiện bất kỳ lời thề nào họ đã lập. Trong trường hợp con gái (30:3-5) và vợ (30:6-8;10-15), nếu cha hoặc chồng của họ hủy bỏ lời thề của họ vào ngày ông ấy nghe lời thề đó, thì họ được miễn lời thề (30:5,8,12). Tuy nhiên, nếu người cha hoặc người chồng không hủy bỏ lời thề của họ, thì lời thề của họ vẫn có hiệu lực. Họ có trách nhiệm hoàn thành nó. Nếu người cha hoặc người chồng không nói bất cứ điều gì trong lần đầu tiên ông ấy nghe thấy nhưng sau đó chọn cách hủy bỏ nó, thì ông ta sẽ “mang lấy tội lỗi” của lời thề đã bị phá vỡ (30:15).

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó đã lập lời thề với Chúa và quyết định phá vỡ nó? Người đó có thể được tha thứ không? Trước hết, trong ánh sáng của lời Kinh Thánh, không có tội lỗi nào không thể tha thứ được, ngoại trừ tội nói phạm thượng đến Đức Thánh Linh (xem Ma-thi-ơ 12:31, Mác 3:29, Lu-ca 12:10). Do đó, rõ ràng, vi phạm lời thề với Chúa có thể được tha thứ. Chúng ta phải đến trước mặt Ngài với sự ăn năn thật lòng, thú nhận tội lỗi của mình và Đức Chúa Trời “là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (1 Giăng 1:9).

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn