Kinh Thánh: Mác 4:1-2
“Đức Chúa Jêsus lại khởi sự giảng dạy nơi bờ biển; có một đoàn dân đông lắm nhóm lại xung quanh Ngài, Ngài bước lên trong một chiếc thuyền và ngồi đó, còn cả đoàn dân thì ở trên đất nơi mé biển. Ngài lấy thí dụ dạy dỗ họ nhiều điều, và trong khi dạy, Ngài phán rằng” (BTT)
Người ta nói rằng hình ảnh đáng giá hơn ngàn lời nói. Người ta có thể nghĩ ra nhiều cách giải thích hợp lý để mô tả một quang cảnh. Mặc dù nghệ sĩ xây dựng hình ảnh, nhưng khán giả mới chính là người quyết định điều gì có ý nghĩa đối với họ…thông qua kinh nghiệm và các kết nối trước đó. Nhiều người nghĩ về đức tin cũng giống như vậy. Họ muốn hiểu những hình ảnh huyền bí và các nghi lễ theo cách riêng để “tự sở hữu” hoặc cảm thấy thoải mái với triết lý phù hợp với bản thân. Họ đi theo con đường đó để tránh thuận phục Đấng Cứu Rỗi, chẳng màng đến việc mình sẽ không có khả năng phòng vệ trước cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời khi Chúa Jêsus trở lại (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:8-10). Điều này gồm cả những người bắt đầu tin cậy Đấng Christ nhưng đã thêm vào hoặc bớt đi Phúc Âm để phù hợp với điều họ nghĩ (Lu-ca 8:11-15).
Dù Chúa Jêsus đã thực hiện nhiều phép lạ, nhưng tự bản thân họ, họ không bao giờ có thể nằm trong câu chuyện của Ngài. Họ không thể xác định lý do Ngài hiện diện trên đất cũng như không thể lý giải thích đáng về sự chết, sự phục sinh, sự thăng thiên hay sự tái lâm đầy vinh hiển của Ngài trong tương lai. Các phép lạ cho thấy sức mạnh và thẩm quyền của Ngài trên ma quỷ, trên bệnh tật và thiên nhiên; lời dạy giải đáp vì sao Ngài có thẩm quyền và làm cách nào để mọi người thuộc về gia đình đời đời của Ngài. Ở phân đoạn trước, các thầy thông giáo đã nghĩ cách sai lầm rằng năng quyền của Chúa đến từ Sa-tan (Mác 3: 20-22) – thế nên những phép lạ Ngài làm không thể mô tả Chúa Jêsus, cũng không thể đưa họ đến với đức tin (Giăng 12:37). Dù có nhiều phép lạ, nhưng anh em Ngài vẫn không tin Ngài (Giăng 7: 5), và các môn đồ cũng không hiểu rõ cho đến chừng Chúa sống lại (Giăng 12:16).
Đối với Chúa Jêsus, làm các phép lạ chưa bao giờ là đủ; phải qua sự giảng dạy của Ngài đám đông mới có thể hiểu được “lý do để tin nhận” Chúa. Các sứ điệp (bao gồm các ẩn dụ) có ba mục đích lớn. Thứ nhất, Ngài được thừa nhận là phát ngôn với thẩm quyền. Thứ hai, Ngài không chỉ nói điều đúng, mà Ngài còn là người duy nhất luôn làm điều đúng – người công chính duy nhất có thể mời gọi đức tin cá nhân cách hợp pháp. Thứ ba, sự giảng dạy của Ngài giải thích vì sao và làm cách nào để chúng ta theo Ngài. Đám đông muốn thấy và nghe: các môn đồ cần được dạy dỗ. Chính 12 người được chọn là những người phải đóng vai trò đặc biệt sau mục vụ lưu động của Chúa Jêsus – Giu-đa (Judas) phản bội rồi biến mất, 11 người còn lại được đầy dẫy Thánh Linh và lãnh đạo Hội Thánh sau Lễ Ngũ Tuần.
Lẽ thật phải được rao giảng bằng lời. Đó là lý do Kinh Thánh được viết ra, để chúng ta hiểu rõ ý muốn của Chúa. Phúc Âm [tin mừng] phải được truyền đạt bằng lời. Chúng ta không thể “phô bày” Phúc Âm nhưng chúng ta có thể cho mọi người thấy tác động của Phúc Âm trong cuộc đời của chúng ta, nhưng họ sẽ không tin và không được cứu nếu chúng ta không giải thích lý do vì sao chúng ta cư xử như vậy (Rô-ma 10:14). Định nghĩa rõ ràng đòi hỏi phải giải thích bằng lời. Giảng dạy Kinh Thánh rất quan trọng đối với sự phát triển của Hội Thánh. Nhưng nhiều người vẫn không muốn chấp nhận điều Chúa phán; thay vào đó, họ tạo ra thứ mình nghĩ và chia sẻ điều đó với người khác hòng làm tất cả suy sụp (Ga-la-ti 1:6-9). Hãy để Chúa Jêsus, Lời của Đức Chúa Trời, là người thầy của bạn, hãy đọc Kinh Thánh và để Đức Thánh Linh giúp bạn thực hiện điều Đức Chúa Trời phán dạy. Sau đó, bạn có thể chia sẻ nó với những người xung quanh.
Lạy Cha Thiên đàng, con cảm ơn Ngài luôn muốn huấn luyện con. Xin tha thứ cho con khi con muốn sáng tạo ra một Phúc Âm phù hợp với con nhưng phạm thượng với Chúa. Xin giúp con hăng hái học hỏi Lời Chúa và có lòng can đảm chia sẻ với người khác. Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.
Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work