Hỏi: Một thân hữu đã dùng nhiều chủ thuyết và đưa ra những quan niệm khoa học về nguồn gốc của con người, và cho rằng đây là vấn đề vẫn còn tranh cãi. Cơ Đốc nhân trả lời câu hỏi “Loài người từ đâu mà có?” như thế nào?
Đáp: Khoa học và con người đưa ra nhiều chủ thuyết khác nhau để bảo vệ quan điểm về nguồn gốc của loài người, nhưng tất cả các chủ thuyết đều đi đến ngõ cụt. Duy Thánh Kinh là Lời Đức Chúa Trời cung cấp câu trả lời chính xác cho câu hỏi: “Loài người từ đâu mà có?”
- Các chủ thuyết về nguồn gốc loài người:
Có nhiều chủ thuyết luận về nguồn gốc của loài người như “thuyết ngẫu sinh”, “thuyết tiến hoá”, cũng như những quan niệm thần thoại và truyền thuyết về nguồn gốc loài người. Sau đây là hai chủ thuyết được minh hoạ cho thấy sự thất bại và không bền vững của chúng khi luận về nguồn gốc của loài người.
a. Thuyết ngẫu sinh:
“Thuyết ngẫu sinh” cho rằng loài người chỉ là tổng hợp của vật chất vô tri, sở dĩ có mầm mống là do môi trường dinh dưỡng thích hợp với những điều kiện ánh sáng, không khí và hơi nước. Điều nầy tương phản với khoa học thực nghiệm. Dù văn minh đến đâu, con người cũng không thể tạo nên sự sống. Ngày nay, người ta vẫn bất lực trước cái chết của con người, huống chi là dựng nên một con người bằng xương bằng thịt, biết suy tư và hoạt động. Vật vô cơ không thể tạo nên vật hữu cơ được, nên từ khi nhà hoá học Louis Pasteur khảo sát lại, thuyết ngẫu sinh bị sụp đổ. “Sự sống phải bắt nguồn từ một nguyên nhân đệ nhất” một nguyên nhân sống động và trường cửu mà không phải là vật chất hoặc tinh tú truyền xuống. Những thí nghiệm khoa học cho biết rằng những vì tinh tú rơi xuống mang theo những tia tử ngoại có năng lực phá huỷ và tiêu diệt sự sống. Vì vậy, phủ nhận việc loài người được dựng nên bởi một Đấng Toàn Năng là nguỵ thiết vì không được thai nghén bởi một nền khoa học chân chính.
b. Thuyết tiến hoá:
“Thuyết tiến hóa” của Charles Darwin cho rằng con người nguyên sơ là do sự tiến hoá của một tế bào, trải qua nhiều hình thái diễn tiến từ thực vật qua động vật, đến con người là điểm cùng tột của muôn vật, mà vẫn chưa đạt được đâu là nguồn gốc của sự sống. Vậy thì “tế bào” nguyên sơ của vạn vật bắt nguồn từ đâu? Thuyết tiến hoá lại cho rằng tổ tiên của loài người là loài khỉ, vì cách thức cấu tạo cơ thể của chúng tương đối hoàn bị và giống người hơn hết. Thuyết nầy không vững, vì giữa người và thú vật có một khoảng cách riêng biệt: Loài vật không có trí năng, không biết suy nghĩ sửa đổi hay tiến triển tới bậc trí thức. Từ xưa đến nay, loài vật chỉ biết sống theo bản năng cố hữu như con ong xây tổ, con nhện giăng tơ v.v… Ngược lại, loài người luôn biết suy tư và biết nhận thức để tiến bộ không ngừng.
2. Lời Kinh Thánh về nguồn gốc con người:
Bằng lý trí và đức tin, chúng ta phải thừa nhận rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên con người. Kinh Thánh chép: “Bấy giờ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một sinh linh” (Sáng thế Ký 2:7-TTHĐ). Động từ “nắn nên” trong Hy-bá-lai יָצַר , có ý mô tả người thợ gốm thực hiện một tác phẩm nghệ thuật bằng đôi tay khéo léo của mình. Thân thể loài người thật sự là một tác phẩm nghệ thuật, một cơ quan phức tạp một cách kỳ diệu mà chỉ có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời mới có thể sắp đặt và quyền năng của Đức Chúa Trời tạo nên.
Kinh Thánh ghi rõ “Đức Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài sáng tạo loài người theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài sáng tạo người nam và người nữ” (Sáng thế Ký 1:27-TTHĐ). Từ ánh sáng của Lời Chúa, loài người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, tức là theo thánh đức của Ngài. Đấng Tạo Hoá không những ban cho loài người chúng ta nhân cách, tâm trí để suy nghĩ, những cảm xúc để cảm nhận, và ý chỉ để thực hiện những quyết định, mà còn ban cho chúng ta một bản chất thuộc linh bên trong giúp chúng ta có thể biết Ngài và thờ phượng Ngài. Vì vậy, dù đã sa ngã và phạm tội, trong con người vẫn còn có lương tâm, tấm lòng đạo đức và khuynh hướng tôn giáo, mà loài vật dù khôn ngoan đến đâu cũng không thể nào có được. Hơn nữa, không giống như các thiên sứ và loài vật, con người có thể có một mối liên hệ đặc biệt với Đức Chúa Trời. Thật vậy, mục đích của Đức Chúa Trời dựng nên loài người là để họ tương giao với Ngài và quản trị mọi vật trên đất (Sáng thế Ký 1:26).
Do đó, bổn phận của loài người là “phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu thương người lân cận như chính mình” (xem Lu-ca 10:27-TTHĐ).
Nói tóm lại, loài người do Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hoá dựng nên theo ảnh tượng của Ngài theo như Lời Kinh Thánh.