Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Không lạc mất mà được tìm thấy

Kinh Thánh: Lu-ca 2:43-47

“Các ngày lễ qua rồi, cha mẹ trở về, con trẻ là Jêsus ở lại thành Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ không hay chi hết. Hai người tưởng rằng Ngài cũng đồng đi với bạn đi đường, đi trót một ngày, rồi mới tìm hỏi trong đám bà con quen biết; nhưng không thấy Ngài, bèn trở lại thành Giê-ru-sa-lem mà tìm. Khỏi ba ngày, gặp Ngài tại trong đền thờ đang ngồi giữa mấy thầy thông thái, vừa nghe vừa hỏi. Ai nấy nghe, đều lạ khen về sự khôn ngoan và lời đối đáp của Ngài.” (BTT)

Hầu hết các bậc cha mẹ đều hiểu được nỗi lo lắng về việc không biết con mình đang ở đâu. Sau kỳ Lễ Vượt qua, tất cả những người hành hương trở về nhà của họ. Những ai đến từ Na-xa-rét cần ít nhất 3 ngày để đi bộ. Họ sẽ đi cùng nhau, một phần vì mối liên hệ quen biết, một phần vì lý do an toàn trước mối nguy trộm cướp (Lu-ca 10:30). Những người đàn ông và phụ nữ sẽ nói chuyện trong các nhóm riêng biệt; các cô gái và bé trai nhỏ đi chung với nhóm phụ nữ, các chàng trai lớn hơn đi chung với nhóm đàn ông. Nhưng trước khi bước sang tuổi trưởng thành, cậu bé Jêsus 12 tuổi đang ở mức giáp ranh giữa hai nhóm. Có lẽ Ma-ri nghĩ rằng Ngài đi với Giô-sép, và ngược lại. Khi các gia đình tập hợp vào cuối ngày đầu tiên của cuộc hành trình, hai người không tìm thấy Chúa Jêsus ở đâu hết.

Vì vậy, Ma-ri và Giô-sép, trong tâm trạng lo lắng, trở về đến Giê-ru-sa-lem vào sáng hôm sau. Ngày tiếp theo, ông bà tìm thấy Chúa Jêsus ở trong đền thờ, đang đặt câu hỏi cho các thầy thông giáo cũng như được họ hỏi ngược lại. Đây là ngày thứ ba Ngài thảo luận về luật pháp của Đức Chúa Trời, có vẻ như một đám đông đã tụ tập để nghe sự dạy dỗ, trong đó Chúa Jêsus dò xét sâu sắc kiến thức của các thầy thông giáo, và đóng góp bằng sự hiểu biết khiến mọi người kinh ngạc.

Đây là điểm đặc trưng trong chức vụ của Ngài. Trong rất nhiều trường hợp, những người hỏi đánh đố nhằm gài bẫy Chúa Jêsus lại nhận ra chính mình phải suy nghĩ khi Ngài đặt câu hỏi ngược lại cho họ. Thật vậy, toàn bộ chức vụ của Chúa Jêsus luôn nhằm vào việc làm cho con người phải suy nghĩ về nguồn gốc sức mạnh, sự khôn ngoan, nhân từ, yêu thương và lẽ thật của Ngài. Quan trọng nhất, Chúa muốn cho mọi người biết Ngài là ai, để họ có thể tin nhận Chúa và được cứu thông qua sự chết và sống lại của Ngài. Chúa vẫn giữ cùng một mục tiêu đó cho đến ngày hôm nay. Chúa Jêsus tiếp tục thử thách sự nhìn nhận của chúng ta, và nhấn mạnh bằng câu hỏi: “Các ngươi nói ta là ai?” (Lu-ca 9:20). Chống cự lại thẩm quyền của Chúa, không để Ngài làm chủ, làm Đấng Cứu Chuộc cuộc đời chúng ta đồng nghĩa với việc chúng ta chưa bao giờ hiểu chương trình cứu rỗi của Ngài.

Thật tốt khi để ánh sáng của Chúa soi rọi chúng ta, giúp chúng ta thấy rõ sự yếu đuối trong năng lực của bản thân và sức mạnh trong Phúc Âm của Ngài. Mỗi ngày chúng ta cần tin Ngài thật sự là ai. Nhờ đó chúng ta có thể đối mặt với bất cứ điều gì cùng Chúa. Và khi những người khác cố gắng gài bẫy chúng ta, sao chúng ta không hỏi ngược lại họ nghĩ Chúa Jêsus là ai, và tại sao nghĩ như thế? Rồi thì chúng ta có thể thúc đẩy họ tìm hiểu lẽ thật thông qua Kinh Thánh.

Lạy Đức Chúa Trời toàn năng. Cảm ơn Ngài đã ban Đức Chúa Jêsus, không chỉ đem sự cứu rỗi, mà còn dò xét tâm trí và tấm lòng chúng con bằng lẽ thật của Ngài. Xin giúp con khiêm cung chấp nhận sự hiểu biết tường tận của Ngài về con; để con ăn năn về những điều Chúa ghét và học cách sống đẹp lòng Chúa. Xin ban cho con sự mạnh dạn để đặt những câu hỏi khôn ngoan dành cho những ai còn chống đối Ngài, từ đó họ có thể nhận biết rằng Chúa cũng đang nhìn thấy tấm lòng họ và thách thức họ đặt đức tin, nhận Ngài làm Chúa của mình. Trong danh Chúa Jêsus. A-men.

Chuyển ngữ: Ban Phiên dịch HTTL. Sài Gòn
Nguồn: Word@Work

Là Hội Thánh Tin Lành đầu tiên tại Sài Gòn, trực thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được thành lập năm 1920.
Sứ mệnh Hội Thánh:
“TẤT CẢ VÌ NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC CỨU”

© 2024. Bản quyền thuộc về Hội Thánh Tin Lành Sài Gòn